Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi người Đài xoay chuyển tình hình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi người Đài xoay chuyển tình hình

Thục Đoan

(TBKTSG) – Hội nhập kinh tế thế giới và tự do hóa kinh tế toàn cầu đang mang lại những cơ hội và thách thức chưa từng có cho các nền kinh tế. Hãy thử xem hòn đảo 23 triệu dân Đài Loan đang xoay xở thế nào nhằm ứng phó với tình hình đang thay đổi từng ngày trong cục diện như vậy.

Khi người Đài xoay chuyển tình hình
Dây chuyền sản xuất nước uống giúp dễ ngủ làm từ vỏ chuối của một doanh nghiệp trong khu PABP. Ảnh: THỤC ĐOAN

Những con tôm kiểng nhỏ xíu màu trắng điểm bông đỏ, thân mình chỉ vừa nhỉnh hơn cánh trà khô giá 20 đô la Mỹ một con, nhưng tôm giống mẹ giá gấp một ngàn lần! Rồi những con cá kiểng chỉ bằng hai lóng tay nhờ biến đổi gen trở nên “độc nhất vô nhị” với các màu hồng, tím, xanh dương đậm… nổi bật lên trong gian phòng tối om om. Đây chỉ là vài loài sinh vật cảnh trong thế giới thủy cung của Trung tâm Điều hành nuôi trồng thủy sản thuộc khu Công nghiệp Kỹ thuật sinh học nông nghiệp Ping-Tung (PABP), cách Đài Bắc khoảng 380 cây số.

Tại PABP, ngoài các công ty nuôi cá cảnh, nhân giống thủy sản, sản xuất vaccin, thuốc thảo dược cho vật nuôi, cung cấp dịch vụ phân tích phân tử, chẩn bệnh cho cây trồng và vật nuôi… một nửa số doanh nghiệp còn lại (46/94) hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm chức năng từ nguồn nguyên liệu tự nhiên. Ở đây, có công ty đã chiết xuất ra một chất từ vỏ chuối, thứ bỏ đi, để làm ra loại thức uống chống mất ngủ.

PABP là một trong số tám khu kinh tế tự do thử nghiệm (Free Economic Pilot Zones-FEPZ) Đài Loan đang triển khai theo kế hoạch tham vọng giúp thay đổi nền kinh tế của chính mình cũng như xoay chuyển cơ hội gia nhập cuộc chơi mang tính hội nhập toàn cầu.

Xác định chính xác mũi nhọn

Mô hình kinh tế FEPZ được đưa ra nhằm hiện thực hóa một phần chính sách ngoại giao hiện nay của Đài Loan, bao gồm mở rộng hoạt động thương mại, kinh tế với các đối tác khắp thế giới trên các nguyên tắc tự chủ, tự quyết và thực tế.

Đài Loan cho rằng nhanh chóng tự do hóa thương mại thông qua FEPZ là phương cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này. Nhiều chính sách quy định liên quan đến vốn, lao động và dịch vụ hậu cần được cải cách bên cạnh ưu đãi về đất đai, thuế khóa nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu FEPZ cũng như các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại đây. Ngoài việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư ở nước ngoài cũng được kêu gọi quay về làm ăn.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Đài Loan cũng đặt ra một nguyên tắc phải được tuân thủ bằng cách xác định rất rõ đối tượng được ưu đãi. Họ không hy sinh môi trường, đánh đổi tất cả cho phát triển mà chỉ tập trung ưu tiên vào năm lĩnh vực: sáng tạo giáo dục, dịch vụ tài chính, hậu cần thông minh, chăm sóc sức khỏe và phát triển ngành nông nghiệp tạo giá trị gia tăng cao.

Đài Loan đã mất nhiều thập kỷ để chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp thành công nghiệp. Nhờ những chính sách kinh tế đúng đắn, Đài Loan đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, máy ảnh kỹ thuật số, động cơ chính xác, màn hình hiển thị, các thiết bị vi mạch. Đến nay, các doanh nghiệp Đài Loan đã ở một vị thế mà nếu thiếu vắng họ, chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực điện thoại thông minh và điện tử sẽ đổ vỡ.
Lần này, trong định hướng chiến lược mới, các doanh nghiệp lại được khuyến khích bỏ vốn đầu tư vào năm lĩnh vực vừa nêu có tiềm năng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Đài Loan và cả hòn đảo này.

Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà nghiên cứu ở Ủy ban Phát triển quốc gia đã chỉ ra tiềm năng của thị trường cá cảnh. Quy mô của thị trường cá cảnh toàn cầu hiện nay là 6 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, nếu tính cả thức ăn cho cá, hồ nuôi và các phụ kiện đi kèm thì quy mô của thị trường có thể lên đến 15 tỉ đô la/năm. Để khuyến khích ngành nuôi cá cảnh, với mô hình kinh tế thử nghiệm mới, các loại cá cảnh trước đây bị cấm nhập nay đã có thể vào các khu FEPZ. Các loại cá nhập khẩu sau khi được nuôi dưỡng, nhân giống, kiểm dịch sẽ được xuất ra thế giới với xác nhận xuất xứ là cá Đài Loan.

Nỗ lực từng người mang đến sức mạnh cộng sinh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vanessa Y.P. Shih nói với TBKTSG rằng: “Chúng tôi đang trợ giúp các công ty Đài Loan khai thác các thị trường nước ngoài và tăng cường hình ảnh các thương hiệu của Đài Loan thông qua các hội chợ thương mại quốc tế và các chương trình quảng bá có mục tiêu”.

Điều này đã được kiểm chứng tại PABP. Ông Chih-Chiang Wu, Giám đốc dự án của PABP, cho TBKTSG biết mỗi năm khu công nghiệp của ông chi khoảng 120.000 đô la Mỹ cho hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất ở đây tại các hội chợ quốc tế. Theo tính toán của PABP, với những ưu đãi từ mô hình khu kinh tế tự do thử nghiệm, đến năm 2017, PABP sẽ có khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động với doanh số xuất khẩu khoảng 600 triệu đô la Mỹ/năm, tăng gấp 6 lần so với hiện nay. PABP đặt mục tiêu trở thành một trung tâm xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao của châu Á, trong đó nổi trội là ngành sinh vật cảnh và những sản phẩm liên quan đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng loài sinh vật này.

Tháng 10 năm ngoái, khi đề cập việc thực hiện mô hình FEPZ, người đứng đầu Đài Loan là Mã Anh Cửu đã khẳng định việc mở rộng quy mô tự do hóa các hoạt động tài chính và kinh tế trong nước cũng như quốc tế sẽ giúp Đài Loan tiếp cận nhanh hơn nữa mục tiêu trở thành tự do hoàn toàn về mặt kinh tế. Ông hy vọng các biện pháp tự do hóa này cùng với các kế hoạch phát triển khác sẽ tạo ra nguồn vốn đầu tư lên đến 300 tỉ đài tệ và 45.000 việc làm cho Đài Loan trong vòng hai năm 2014-2015.

Kết quả chính xác như thế nào còn phải chờ thêm. Tuy nhiên, một điều dễ nhận ra là khi tiếp xúc với các quan chức ở đây có thể cảm nhận rõ sự trăn trở và cố gắng của họ nhằm tìm cách để không phải đứng bên lề công cuộc hội nhập kinh tế. Đài Loan muốn là một thành viên trong cuộc chơi toàn cầu đó. Hơn nữa, trong khả năng có thể của mình họ đã đưa ra những định hướng nhằm giúp doanh nghiệp Đài Loan tìm được những chỗ đứng mới trong các chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu.

Trong một thế giới với nhiều áp lực biến đổi như hiện nay, những nhà lãnh đạo giỏi sẽ cố gắng dẫn dắt các thành viên trong tổ chức cùng tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn. Nhưng các nhà lãnh đạo vĩ đại còn làm nhiều hơn. Họ sẽ đưa tổ chức của mình đi xa hơn, kết nối con tim và khối óc của từng người nhằm làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chơi. Đài Loan có lẽ nằm trong trường hợp thứ hai.

Đài Loan muốn thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

Sự phụ thuộc quá lớn của kinh tế Đài Loan vào Trung Quốc suốt sáu thập kỷ qua đã từng giúp hòn đảo này về nhiều mặt, nhưng nay tình hình đã khác. Đài Loan đang muốn thoát khỏi quỹ đạo đó. Họ nhận ra mình đã bị tụt lại khá xa so với các đối thủ trong cuộc đua tự do hóa kinh tế.

Sự hội nhập ngày một sâu hơn của các nền kinh tế trong khu vực khiến các nhà làm chính sách Đài Loan lo lắng. Tháng trước, Hiệp định Thương mại tự do Trung-Hàn chưa ráo mực ở Hội nghị APEC thì trên các phương tiện truyền thông ở Đài Loan đã tràn ngập tin tức về những hậu quả Đài Loan có thể sẽ phải gánh chịu từ hiệp định này. Bộ Kinh tế đã ước tính ngay rằng GDP của Đài Loan sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm khi thỏa thuận thương mại Trung-Hàn có hiệu lực.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan với tổng kim ngạch thương mại hai chiều trên 97 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 22% giá trị tổng kim ngạch của hòn đảo này. Một khi Hiệp định Trung-Hàn được thực thi, hàng hóa Đài Loan tại Trung Quốc sẽ bị cạnh tranh gay gắt bởi 77% cấu trúc các mặt hàng thương mại của Hàn Quốc buôn bán tại đây là tương tự với hàng của Đài Loan. Những áp lực này buộc chính phủ phải tìm ra những chính sách thương lượng thương mại tốt hơn với Trung Quốc.

Trong khi chính phủ các nước bận rộn với các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Đài Loan lại gặp khó khăn trong việc đàm phán thương mại với các nền kinh tế khác.

Trong buổi tiếp xúc mới đây với các nhà báo quốc tế đến đây theo lời mời của Bộ Ngoại giao Đài Loan, Thứ trưởng ngoại giao Vanessa Y.P. Shih nói rằng Đài Loan không muốn bị bỏ rơi bên lề quá trình hội nhập ngày càng sâu hơn của nền kinh tế khu vực. Bà nói Đài Loan phải cố gắng gia nhập TPP và RCEP khi mà 12 nền kinh tế đang đàm phán TTP chiếm 35% tổng kim ngạch ngoại thương của Đài Loan và tỷ trọng này của 16 quốc gia đang đàm phán RCEP lên đến 57%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới