Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi người lớn “mặc áo” trẻ con

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi người lớn “mặc áo” trẻ con

Gần như toàn bộ các nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài đều mở Văn phòng đại diện tại TPHCM – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Trong vài năm gần đây, Noble Coffee trở thành nhà nhập khẩu cà phê nhất nhì của Việt Nam, có năm chiếm tới 40% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng hàng chục nhân viên của Noble Coffee tại TPHCM hoạt động dưới cái tên: Văn phòng đại diện.  

Nếu ai đã từng tới Văn phòng đại diện của Noble Coffee tại TPHCM mới biết bộ máy hoạt động của văn phòng này còn quy mô, đồ sộ hơn hẳn các nhà xuất khẩu cà phê tầm cỡ của Việt Nam. Thậm chí văn phòng này còn có phòng thử nếm cà phê (dân trong nghề gọi là phòng Cuptest) để kiểm tra chất lượng, hương vị cà phê mà hiếm có công ty nào của Việt Nam có được. Các nhà nhập khẩu cà phê đang tham quan một nhà máy chế biến cà phê của Việt Nam.

Nhưng không chỉ có Noble Coffee, hàng chục văn phòng đại diện của các tập đoàn kinh doanh mua bán cà phê trên thế giới gần như đều có mặt ở TPHCM và đều hoạt động dưới danh nghĩa văn phòng đại diện, làm nhiệm vụ xúc tiến nhập khẩu nhưng bản chất thì còn hơn hẳn các công ty thương mại.  

Không muốn lớn  

Không ai có thể phủ nhận vai trò của các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài đóp góp cho kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung. TPHCM là địa bàn có nhiều văn phòng đại diện (VPĐD) nhất cả nước với con số gần 3.000. Ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Sở Thương mại TPHCM, cơ quan quản lý nhà nước về VPĐD tại TPHCM, cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ và giá trị đầu tư thông qua xúc tiến của các VPĐD tại thành phố lên tới hơn 1 tỉ đô la Mỹ.  

Với hơn 3.000 chuyên gia nước ngoài và hơn 8.000 lao động có trình độ của Việt Nam đang làm việc tại các VPĐD, mỗi năm họ đã đóng góp thuế thu nhập cá nhân hơn 400 tỉ đồng. Đó là chưa kể các VPĐD có mặt ở Việt Nam đã thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ có liên quan như khách sạn, cao ốc văn phòng, siêu thị, giải trí, y tế, giáo dục, nhà cho thuê và những lợi ích vô hình khác.

Ngoài ra, nhiều thương nhân nước ngoài sau khi mở VPĐD tại Việt Nam một thời gian, đã đầu tư vốn thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Điều này chứng tỏ họ đến Việt Nam mở VPĐD chỉ trong giai đoạn tìm hiểu môi trường kinh doanh.  

Tuy nhiên, hoạt động không đúng theo quy định của luật pháp và trốn thuế thu nhập cá nhân là vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý nhà nước về văn phòng đại diện. Trước năm 2004, có 70% số VPĐD nộp báo cáo hoạt động theo quy định của luật pháp nhưng đa phần các báo cáo này lại rất sơ sài, mang tính đối phó. Và do vậy, trong hơn hai năm qua, mỗi năm Sở Thương mại TPHCM phạt các VPĐD hàng trăm triệu đồng vì họ vi phạm các quy định của luật pháp Việt Nam.  

Chuyện trốn thuế thu nhập cá nhân ở các VPĐD trở nên khá phổ biến. Chỉ qua kiểm tra quyết toán thuế tại 109 VPĐD, Sở Thương mại TPHCM (cơ quan được Cục Thuế uỷ nhiệm thu thuế thu nhập các nhân của các VPĐD), đã truy thu được 7,6 tỉ đồng. Và cũng qua quyết toán thuế mới phát hiện có tới 600 chuyên gia từ các nước phát triển, có mức sống rất cao lại chịu đến Việt Nam làm việc và kê khai trên sổ sách mức lương từ 500 đô la Mỹ/tháng trở xuống.  

Theo ông Hà, đó chỉ là những vi phạm mang tính hình thức, cái đáng lo chính là các VPĐD lợi dụng kẻ hở của luật pháp để hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận ngay tại thị trường Việt Nam. Có những VPĐD hoạt động trong lĩnh vực giao nhận vận tải, quảng cáo, bảo hiểm, thương mại hàng hoá được tổ chức với qui mô lớn, chuyên nghiệp với hàng trăm người, quản lý và điều hành rất chặt chẽ, thực chất hoạt động như một công ty thương mại nước ngoài. Thậm chí nhiều VPĐD còn công khai đăng báo tuyển dụng nhân viên bán hàng, nhân viên tiếp thị.  

Golden Rock, văn phòng đại diện của một thương nhân Hồng Kông tại TPHCM đã từng công khai kinh doanh vàng, đô la Mỹ theo hình thức “đầu tư qua mạng” và đã ôm hơn 10 triệu đô la Mỹ bỏ trốn là một điển hình cho hoạt động quá chức năng của một VPĐD là chỉ xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư chứ không được phép kinh doanh trực tiếp. Rồi một số công ty bán hàng đa cấp trong nước bị người dân khiếu nại, cơ quan công an, thương mại, thuế vào cuộc mới phát hiện công ty bán hàng đa cấp này chẳng qua chỉ là bức bình phong của một VPĐD của một công ty bán hàng đa cấp nước ngoài.  

Một thanh tra Sở Thương mại cho biết, trong quá trình thanh tra, ông phát hiện các VPĐD hoạt động còn bài bản hơn một công ty thương mại, các hoạt động xuất nhập khẩu của họ đều đứng tên một công ty tư nhân trong nước, mà công ty này thường là người nhà của những người làm trong VPĐD, thậm chí là người nước ngoài bỏ tiền ra cho cô vợ người Việt của mình đứng tên giám đốc công ty tư nhân trong nước. Lĩnh vực nhập khẩu cà phê là điển hình nhất, VPĐD của Noble Coffee, Taloca hay các VPĐD nhà nhập khẩu cà phê khác, đứng ra làm tất cả mọi việc, từ làm hợp đồng, kiểm định, thuê kho bãi nhưng đứng tên trên hợp đồng là một công ty trong nước.  

“Họ vẫn đội lốt VPĐD vì trốn được thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác nếu họ chuyển qua công ty thương mại, còn VPĐD thì họ chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân và kinh doanh núp bóng dưới một công ty tư nhân trong nước có lợi hơn”, vị thanh tra này nói.  

Một kẻ hở khác là một số thương nhân nước ngoài lợi dụng việc thành lập VPĐD tại Việt Nam và xem nó là công cụ để dễ dàng hơn trong việc lấy visa dài hạn, thẻ thường trú hay bằng lái xe cho việc sinh sống tại Việt Nam.

Muốn làm trẻ con  

Cách nay hơn 2 tuần, Sở Thương mại TPHCM đã thông báo thu hồi giấy phép thành lập của 305 VPĐD, tiếp đến là Hà Nội cũng thông báo buộc đóng cửa 562 VPĐD. Tuy nhiên, theo một chuyên gia thương mại, việc thu hồi hay đóng cửa các VPĐD chẳng qua chỉ là do các văn phòng đại diện này vi phạm các thủ tục hành chính như thay đổi địa chỉ không báo cáo, không nộp báo cáo hoạt động định kỳ, thay đổi trưởng đại diện không báo cáo và thậm chí là không làm thủ tục cấp lại giấy phép thành lập theo quy định mới của Chính phủ.  

“Thu hồi giấy phép vẫn chỉ là hình thức, bản chất của vấn đề là tại sao nhiều VPĐD hoạt động quy mô lớn tại Việt Nam, làm ăn phát đạt cả chục năm qua mà vẫn không chịu chuyển sang công ty thương mại 100% vốn nước ngoài”, chuyên gia này bức xúc. Ông dẫn chứng luật pháp nhiều nước chỉ cho phép thương nhân nước ngoài mở VPĐD trong một thời hạn nhất định, sau đó phải chuyển thành chi nhánh công ty hay công ty 100% vốn nước ngoài, còn nếu không thì đóng cửa.  

Ông Phạm Hoàng Hà, cho rằng VPĐD sẽ chỉ là loại hình phù hợp cho các thương nhân nước ngoài thực sự có nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận thị trường Việt Nam để quyết định hình thức đầu tư, kinh doanh thương mại phù hợp trong giai đoạn đầu, chứ không thể tồn tại loại hình VPĐD với qui mô lớn, hoạt động vĩnh viễn không thời hạn như một doanh nghiệp.  

Trong các lần làm việc với Bộ Thương mại cũ, nay là Bộ Công Thương gần đây, lãnh đạo Sở Thương mại TPHCM yêu cầu bộ này đề xuất Chính phủ thay đổi cách quản lý VPĐD như một số nước đã làm là chỉ cho phép thành lập và tồn tại trong một thời gian nhất định, sau đó chuyển đổi sang hình thức khác.  

Theo một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, việc cấp phép mở chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam không nằm trong cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, có nghĩa Việt Nam có quyền cấp hoặc không cấp phép thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng cho biết, Chính phủ đang khuyến khích thương nhân nước ngoài thành lập công ty 100% vốn hoạt động trong lĩnh vực thương mại.  

“Thực ra Chính phủ mong muốn hơn 60 chi nhánh và hàng ngàn VPĐD của thương nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt nam nếu đủ điều kiện nên thành lập công ty 100% vốn tại Việt Nam, vừa thuận lợi trong kinh doanh và làm nghĩa vụ thuế tại Việt Nam”, ông cho hay.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới