Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi người ta xây phố trên sông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi người ta xây phố trên sông

Tâm Lan

Khi người ta xây phố trên sông
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và đại diện Toàn Thịnh Phát trong buổi lễ khởi công dự án – Ảnh: http://baodongnai.com.vn/

(TBKTSG Online) – Dư luận những ngày này đang quan tâm đến dự án lấp một phần sông Đồng Nai để cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị. Dự án này cũng khiến người ta nhớ đến hai bài học đến nay vẫn còn giá trị.

Ngày nay, du khách đến Thủ đô Seoul Hàn Quốc thường không thể bỏ qua địa điểm du lịch nổi tiếng tại nơi này, đó là con suối Cheonggyecheon, vốn đã bị lấp đi vào năm 1968 để làm đường cao tốc và sau đó phải tốn nhiều công sức để khôi phục từ năm 2003.

Phải mất hai năm để Seoul hoàn thành dự án khôi phục dòng suối với tổng chi phí ước tính khoảng 900 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 19.000 tỷ đồng. Đó là một phần cái giá mà Hàn Quốc đánh đổi để hồi sinh một dòng suối sau khoảng thời gian chạy đua theo con đường hiện đại hóa.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại TPHCM khi gần đây, Thành phố dự kiến chi 2.000 tỷ đồng đào lại con kênh Hàng Bàng – vốn bị lấp trước đó – dài khoảng 1,4 ki lô mét, chạy từ Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) để khơi thông dòng chảy, điều tiết nước, chống ngập cho khu vực, chống ô nhiễm môi trường…

Đây là những bài học thực tiễn hữu ích cho các nhà quy hoạch đô thị tại Việt Nam, nhưng không phải ai cũng chịu học.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã quyết định cho phép Công ty cổ phần Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát lấp một phần sông Đồng Nai nhằm thi công dự án  “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, còn có tên gọi khác là dự án The Pegasus Riverside, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận và giới chuyên môn.

Theo báo điện tử Đồng Nai ngày 17-9-2014, dự án này có chiều dài 1,3 ki lô mét, từ Công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, Phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2022 với tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất của dự án là  84.000 mét vuông, trong đó phần lấn sông là hơn 77.200m2, chiếm trên 90% diện tích, với đoạn lấn ra sông xa nhất đến hơn 100m (đoạn từ cầu tàu nhà máy nước Biên Hòa), theo báo Xây dựng điện tử thuộc Bộ Xây dựng.

Xét trên nguyên tắc xây dựng, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thiết kế ở ven sông, biển chính quyền bao giờ cũng dành đất để làm hành lang bảo vệ có khi đến 50 m. Đây là điều bắt buộc phải có và không một dự án nào, nhất là dự án thương mại, có thể vi phạm. Trớ trêu thay, trong khi chính quyền tỉnh Đồng Nai cấm tuyệt đối người dân không được xâm phạm hành lang bảo vệ sông Đồng Nai thì chính họ lại cho phép công ty Toàn Thịnh Phát “vi phạm”.

Phát biểu trên báo Thanh Niên ngày 18-3, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng khi bê tông hóa lòng sông sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh vật và làm mất đi cơ chế tự bảo vệ, tự làm sạch của dòng sông. Điều đáng quan ngại nữa là khi làm thay đổi dòng chảy thì sẽ làm xói lở bờ bên kia, đặc biệt nguy hiểm khi đây là khu dân cư đông đúc…

Vậy những vị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có biết đến những hậu quả này khi chính họ cấp phép cho Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án thông qua quyết định 2230/QĐ-UBND chấp thuận đầu tư ngày 21-7-2014 và quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 15-9-2014 giao đất cho chủ đầu tư triển khai dự án?

Nhìn rộng ra, những hệ lụy xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Đồng Nai mà còn tác động tiêu cực đến các điện phương lân cận, trong đó có TPHCM. Theo TS. Long, sông Đồng Nai có vị trí rất quan trọng. Dòng sông này cung cấp nước sinh hoạt, hoạt động công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cho Đồng Nai, TP.HCM và cả Bình Dương. Khi con sông này bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì TP.HCM khó mà phát triển được vì thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và phải chuyển sang lấy nước ở hồ Dầu Tiếng và giá thành sẽ rất đắt so với hiện nay. Nếu không có nước ngọt ở Đồng Nai chảy ra thì vùng Cần Giờ với hệ sinh thái nước lợ sẽ không còn nữa mà sẽ chuyển sang thành nước mặn…

Thế nhưng khi triển khai dự án này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã không lấy ý kiến của người dân mà cũng chẳng hề tham vấn các chuyên gia của Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai. Phát biểu trước báo chí, ông Bùi Cách Tuyến nói: “Họ làm độc lập. Chúng tôi không được tham vấn. Với tư cách là Phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, tôi không biết và với tư cách là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, tôi cũng không hay về dự án này.”

Cách đây không lâu chúng ta từng phản đối Lào xây dựng thuỷ điện trên kênh Don Sahong và bây giờ là lúc chúng ta cần quyết liệt yêu cầu dừng ngay dự án The Pegasus Riverside cho đến khi chứng minh được tính hợp lý của dự án này.

Cái giá để phục hồi đối với sông Đồng Nai sẽ thật là khủng khiếp, chứ không chỉ "nho nhỏ" như dòng suối ở Seoul hay dòng kênh Hàng Bàng ở TPHCM. Do đó, cần phải có ngay những tiếng nói can thiệp và cảnh tỉnh. Phải có ai đó chịu trách nhiệm vì những tổn thương gây ra cho dòng sông và quan trọng hơn, xin đừng để một dòng sông qua đời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới