Khi người Việt mình sống xa quê…
Nguyễn Lê Bách
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) – Một bà bạn tôi sống và làm ăn ở Ba Lan, về thăm quê ở Thanh Hóa. Trước khi trở lại Ba Lan, bà gửi e-mail cho tôi: “Nhờ anh mua giùm em 3 ký cốm làng Vòng – mà phải đúng là làng Vòng. Nói họ gói làm nhiều gói nhỏ, bọc lá sen và buộc bằng sợi rơm. Anh đem lên sân bay Nội Bài cho em, vì em đi ô tô từ Thanh Hóa ra thẳng Nội Bài, lên máy bay chuyến… Hẹn gặp anh ở sân bay”.
Hai hôm sau gặp ở sân bay, tôi hỏi vui: “Cốm là thứ ăn thanh cảnh, cô mua gì mà lắm thế?”. Bạn tôi giải thích: “Chừng đó có ăn thua gì anh! Mang sang, may lắm em cũng chỉ được ăn một nhúm. Bà con bên đó kết thứ này lắm. Nếu bọc bằng lá sen và buộc bằng sợi rơm vàng, thì quà đó mới gọi là quà, anh ạ”.
Tôi được biết một kí lô gam cước vượt trội từ Hà Nội sang Ba Lan mới có… 38 đô la Mỹ (ngoài 20 kí lô gam tiêu chuẩn). Muốn không mất thêm tiền, thì bà bạn tôi phải giảm bớt từ nhà những vật dụng hoặc quà cáp khác, nếu không 3 ký cốm đó sẽ được “cộng” thêm hơn 100 đô la nữa!
Ngồi uống cà phê đợi giờ lên máy bay, bà bạn tôi còn cho biết thêm: “Anh chưa hình dung được đâu, thèm ăn rau muống, ra chợ phải tìm đúng mấy ki-ốt người Việt mình; một chét tay độ 15 cọng rau giá 10 “dua” (zloty – tiền Ba Lan), tương đương 5 đô la”.
Tôi không ngạc nhiên, vì cũng đã có dịp qua Ba Lan. Bà con mình phải thuê hoặc mua đất, mang hạt rau từ Việt Nam sang và trồng trong “nhà màng” (tức nhà lợp bằng màng nhựa polyethilene, kiểu như nhà kính) để chống chọi với cái rét của xứ Đông Âu, bởi vậy “mắc” là phải!
Ở Nga cũng thế. Món “đặc sản” của bà con mình chiêu đãi nhau quý nhất là món “rau muống xào tỏi”, bởi để có đĩa rau muống xào đó, cũng phải chi ra 20 hoặc 25 đô la cho 3, 4 người ăn, đắt gấp nhiều lần thịt heo hoặc thịt bò! Nếu có dịp qua Moscow, thứ quà được bà con “đánh giá rất cao” là một bọc trái ớt tươi, đỏ thắm – thậm chí cả loại ớt chỉ thiên (miền Nam mình gọi là “ớt hiểm”).
Xin các bạn đọc TBKTSG hình dung: ngoài đường tuyết rơi trắng xóa, ngồi trong phòng ăn có đĩa rau muống xào, lại có trái ớt thật cay, vừa cắn vừa… hít hà, có lẽ còn hơn cả “cao lương mỹ vị” nữa! Một bọc ớt, một túi rau thơm (rau mùi, kinh giới, rau húng…) được quý hơn nhiều so với một cân bánh đậu xanh hoặc một cân trà – là những quà mà thông thường, bà con mình trong nước cứ nghĩ là hiếm ở nước ngoài.
Đã có lần tôi qua Moscow, có bạn bè nhắn trước nên mang theo 1 ký ớt tươi. Sang đến nơi, những bạn quen ở cùng “ốp” (chung cư) đến thăm, và khi giở gói ớt ra để “trao quà”, mỗi vị khách vui mừng “nhón” một trái, và “gia chủ” chỉ còn chừng một phần ba! Tất nhiên, tôi kể ở Moscow, St.Peterbourg ở Nga, Warsaw ở Ba Lan… chứ không nói là những thứ này “hiếm” ở Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản)… là những nơi có máy bay thẳng hàng ngày từ Việt Nam sang, cũng như ở California (Hoa Kỳ) có Little Saigon nghe nói là chẳng thiếu một thứ gì so với Hà Nội hoặc TPHCM.
Sang Cairo (Ai Cập) công tác, vợ chồng tôi vào siêu thị, hí hửng khi thấy bày những củ gừng tươi trong tủ kính. Xứ đó sẵn cá, nên vợ tôi tính mua ít cân gừng về kho cá. Khi xem bảng giá và nhẩm tính một chút thì mới biết 1 ký gừng đó giá đúng 25 đô la Mỹ. Tò mò hỏi nhân viên siêu thị, lại ngạc nhiên hơn nữa khi họ cho biết “gừng này không có ở Ai Cập, mà phải nhập từ Sài Gòn của Việt Nam!”. Tôi nói vui với vợ “đúng là gừng cay”, vì không muốn “xưng” ra với nhân viên siêu thị rằng mình là người Việt Nam! Lỡ nhặt vào giỏ rồi, không lẽ trả lại?
Một thứ “hàng” nữa là hạt điều rang muối (ở ta chỉ là thứ ngồi nhâm nhi khi uống bia), dẫu đề trên bao bì là “Made in Thailand” nhưng chắc chắn các thương gia Thái “đánh” từ Việt Nam sang, mỗi gói 100 gam được bán với giá 4 đô la. Bởi thế, nếu bạn đọc nào của TBKTSG định du lịch xứ sở Kim Tự Tháp, hay Kuwait, hoặc Dubai (UAE), chịu khó xách theo vài ký gừng tươi, ít hoa hồi hay quế (gia vị để làm nước phở) thì chắc chắn được bà con Việt mình bên đó “nhiệt liệt hoan nghênh”!
Không hiểu sao các công ty xuất khẩu nông lâm sản Việt Nam chỉ lăm lăm mấy thứ hàng lớn (gạo, cà phê, hạt tiêu…) mà không chịu khó tìm hiểu thị trường để xuất những thứ hàng nhỏ nhỏ này? Người Ảrập dùng rất nhiều gia vị, hương liệu… trong ẩm thực, chẳng hạn như món thịt cừu quay cả con trong những bữa đại tiệc, khó ai mà đếm được họ dùng những gia vị gì để cho vô bụng con cừu khi quay, mà với hơn 200 triệu người Ảrập thì lượng những thứ hàng này không nhỏ đâu!
Trước đây ít tuần, chúng tôi đi du lịch Bắc Kinh. Hỏi thăm anh em từng ở lâu bên đó, được biết thứ quà mà bà con trong sứ quán thích nhất là ít chai nước mắm Phú Quốc. Cũng dễ hiểu bởi quanh năm suốt tháng, chỉ được ăn xì dầu, ma-gi nên thèm nước mắm cũng là phải! Hiềm một nỗi là bây giờ, các chất lỏng không được đem lên máy bay, bởi bọn khủng bố thường lợi dụng chuyện này, mang hóa chất lên máy bay để chế tạo bom!
Vợ chồng tôi cũng “đánh liều”, mua bốn chai nước mắm Phú Quốc, dùng băng keo dán thật kỹ, và đưa vào va li hàng gửi. Cũng may là chúng tôi đi máy bay của hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Vậy mà khi gửi hàng, vẫn… bị phát hiện, được yêu cầu mở va li ra để kiểm tra. Chúng tôi phải nói thực: có bốn chai nước mắm mang sang cho bạn bè ở đại sứ quán Việt Nam. May là cô cán bộ hải quan, chắc biết quá rõ về cái độ “thèm nước mắm” của bà con mình bên đó, nên kiểm tra nhãn hiệu kỹ lưỡng rồi cười… cho qua.
Khỏi phải nói là khi đến nơi, “quân ta” trong sứ quán mừng rỡ đến mức nào. Một thứ quà từ trong nước được bà con mình ở mọi phương trời rất quý, đó là những số báo Tết. Xin đừng nghĩ rằng thời buổi Internet này, các loại báo trong nước đều lên mạng online cả rồi, mọi người xem trên mạng chứ ai đọc báo in, nghĩ như vậy thật nhầm to. Báo thường ngày đã quý, nhưng đặc biệt những số báo Xuân, báo Tết, hình như ai cũng thích cầm cả cuốn báo, ngắm nghía, và cất một nơi để lai rai đọc dần.
Một chi tiết nói ra ít người tin, đó là tiền cước phí bưu điện gửi từ trong nước ra thường đắt hơn tiền báo nhiều. Xin dẫn chứng cụ thể để “nói có sách, mách có chứng”: khi tôi công tác ở Cairo (Ai Cập), một cuốn báo TBKTSG có giá bìa là 10.000 đồng (giá khi đó), được tòa báo ưu ái gửi sang biếu, và giá cước bưu điện ghi rõ trên giấy bọc là 24.000 đồng, tức là tòa báo phải chi thêm gần 2,5 lần tiền báo nữa!
Cũng đã có những quan chức hứa này hứa nọ, rằng “sẽ phối hợp để bàn, để phục vụ cho công tác thông tin và tuyên truyền đối ngoại” nhưng rồi vẫn y nguyên như cũ, dù đã có “bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu”. Nghe nói là cũng đã có vô số cuộc họp bàn để “phối kết hợp”, nhưng dường như… chẳng ai chịu ai, nên cho đến hôm nay, “tiền cước vẫn đắt hơn tiền báo”. Đó là chưa kể báo gửi “bưu điện quốc tế” từ Hà Nội sang đến Cairo, mất tới 15 ngày. Anh chị em nói vui “báo Tết ở nhà gửi sang, sớm nhất là ngày rằm tháng Giêng mới được đọc”!