Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi quyền lợi gắn liền với trách nhiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi quyền lợi gắn liền với trách nhiệm

Anh Vũ

(TBVTSG) – Vấn đề sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử thường bị coi nhẹ, nhưng trong thực tế nó lại là một thứ tài sản lớn trong nền kinh tế Internet. Nguyên nhân chủ yếu của sự lơ là này một phần đến từ sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp, nhưng phần khác là bởi những sự kết nối quan trọng bên trong lĩnh vực thương mại điện tử ít khi lộ ra bên ngoài.

Một trong những điểm khác biệt chính yếu giữa kinh tế truyền thống và kinh tế Internet, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, là nơi đây tập trung những thông tin và giao dịch diễn ra đồng thời nhưng lại được cung cấp bởi những nhà dịch vụ khác nhau, từ dịch vụ thông tin, thanh toán cho đến hậu cần và phân phối hàng hóa.

Những nền tảng cơ bản

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử là một yêu cầu cấp thiết, trước hết bởi đây là một quyền như những quyền sở hữu hữu hình khác, nhưng đồng thời là một thứ trách nhiệm của tất cả mọi chủ thể tham gia vào lĩnh vực kinh doanh trên mạng này. Trang web thương mại điện tử là nơi tập hợp các quyền sở hữu trí tuệ của nhiều pháp nhân khác nhau mà chủ trang web phải có trách nhiệm bảo vệ. Điều này dẫn đến việc những quy định và điều luật về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử luôn phức tạp hơn so với việc bảo vệ bản quyền hàng hóa, dịch vụ hữu hình. Một công ty luật đại diện cho khách hàng có thể kiện một trang web thương mại điện tử nếu trên đó xuất hiện một nhân tố giả mạo, ví dụ như cho phép người sử dụng nền tảng công nghệ của mình bán hàng nhái những thương hiệu nổi tiếng.

Như vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường trực tuyến bao gồm hai nội dung: một là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính trang web, bao gồm tất cả các thành phần và nội dung bên trong trang web được tạo nên bởi chính chủ thể và các đối tác khác nhau, và hai là tránh không để cho bất kỳ thành phần và nội dung nào trên trang web này xâm phạm đến bất kỳ hình thức sở hữu trí tuệ nào của bất kỳ chủ thể khác, cả trên mạng lẫn trong thực tế. Rõ ràng đây là một việc không đơn giản, và vì thế mọi việc phải được thực hiện theo những quy trình và những điều luật – vốn có những điểm khác biệt giữa các nền văn hóa, nền kinh tế khác nhau, ví dụ ở Trung Quốc sẽ khác với ở Mỹ, và ở Mỹ sẽ khác với ở châu Âu.

Điều đáng lưu ý là cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất toàn cầu về quyền sở hữu trí tuệ, và các quốc gia và vùng lãnh thổ có khuynh hướng chấp nhận hình thức mô tả của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, gọi tắt là WIPO, làm cơ sở để xử lý các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực này. WIPO nhấn mạnh đến mối liên hệ đặc biệt giữa quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử, theo đó các hàng hóa hay dịch vụ xuất hiện trên trang web thương mại điện tử đều đặt trên cơ sở quyền sở hữu trí tuệ hay nhượng quyền, từ những hình ảnh, bản nhạc, phần mềm đến những món hàng tiêu dùng. Những thành tố tạo nên và làm cho một trang web hoạt động, từ giao diện đến phần mềm, cũng đều có liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ.

WIPO phân chia thành các quyền sở hữu trí tuệ từ một trang web, và luật bảo vệ hay điều chỉnh liên quan đến mỗi loại quyền đó như sau: hệ thống thương mại điện tử, các công cụ tìm kiếm và các công cụ kỹ thuật Internet được bảo vệ bởi luật sáng chế (patent); phần mềm, bao gồm cả mã HTML dùng trong trang web có thể được bảo vệ bằng luật bản quyền (copyrights) hay luật sáng chế tùy vào mỗi nước; thiết kế trang web được bảo vệ bằng luật bản quyền; các nội dung tạo ra bên trong trang web từ bài viết, hình ảnh, hình đồ họa, đoạn nhạc đến đoạn phim được bảo vệ bằng luật bản quyền; các cơ sở dữ liệu được bảo vệ bằng luật bản quyền hay luật dữ liệu riêng (sui generis database); tên doanh nghiệp, logo, tên sản phẩm, tên miền và tất cả các dấu hiệu liên quan nằm trong trang web được bảo vệ bằng luật thương hiệu (trademark); trang web, màn hình, giao diện và các ký hiệu trên đó được bảo vệ bằng luật thiết kế công nghiệp (industrial design); các nội dung ẩn như mã nguồn, thuật toán, chương trình được bảo vệ bằng luật bí mật thương mại (trade secret).

Nhiệm vụ đầy khó khăn

Để bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ (intellectual property rights), WIPO liệt kê những việc mà chủ trang web thương mại điện tử phải làm. Trước hết, phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho từng thành phần của trang web tại những cơ quan có liên quan đến việc bảo vệ và giải quyết tranh chấp đối với thành phần hay nội dung đó, lưu ý ở mỗi quốc gia có thể có một số quy định riêng nên chủ thể (tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp) cần tham khảo trước khi triển khai hoạt động của trang thương mại điện tử tại một nước nào đó. Thứ hai, tìm cách cho người truy cập vào trang web biết những nội dung nào đang được bảo vệ bằng các dấu hiệu như ®, ©, ‘Copyright’ cùng với các dấu bản quyền (watermark) xuất hiện dưới các hình thức khác nhau trên một bản nhạc, một hình ảnh hay một nội dung số đang được bảo vệ. Và cuối cùng là sử dụng cách dán nhãn thời gian (time stamp) vừa để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vừa để xác thực thời gian sự kiện.

Bên cạnh đó, chủ trang web sẽ cho người sử dụng biết họ có thể ứng xử thế nào với các nội dung xuất hiện trên trang, ví dụ tạo kết nối, cho phép tải xuống hay cho phép in lại một cách tự do, hay buộc phải liên lạc với chủ sở hữu mỗi khi muốn làm những việc đó. Cuối cùng, kiểm tra việc truy cập vào trang web và việc sử dụng các nội dung số trên đó, hoặc chỉ cho phép những người trong danh sách đăng ký được mở một trang nội dung, hoặc thực hiện việc mã hóa đối với những sản phẩm như phần mềm hoặc tác phẩm nghe – nhìn cho tới khi người truy cập đánh mật mã của mình vào như một cách để mở khóa. Trên thực tế có nhiều cách để kiểm soát việc truy cập vào trang web, đặc biệt đối với trang thương mại điện tử nơi mà các thông tin về người sử dụng có giá trị như một tài sản vô hình.

Các trang thương mại điện tử thường là mục tiêu cho các hành vi vi phạm dẫn đến sự tranh chấp và kiện tụng. Vì thế, nếu không cẩn thận doanh nghiệp có thể đánh mất những quyền sở hữu trí tuệ của mình và đối tác của mình, hoặc ngược lại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của những trang web khác. Điều này đã thực sự xảy ra ở cả các nền tảng thương mại điện tử lớn lẫn những trang web nhỏ mà những sự thiệt hại hay phán quyết mức đền bù là rất lớn. Một bản báo cáo trên trang azrights.com của các luật sư trong lĩnh vực thế giới số cho biết giá trị xâm phạm, chỉ riêng trong mảng giả mạo thương hiệu, đã đạt đến mức 200-250 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Bởi tính đa nguyên của quyền sở hữu trí tuệ trên mỗi trang web và các luật áp dụng cho mỗi hình thức sở hữu ở mỗi nước nên các vụ tranh tụng về vấn đề này thường rất phức tạp.

Và đầy phức tạp

Trong vụ kiện khởi phát bởi Wimo Labs – công ty đại diện thương hiệu cho hơn 2.000 nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử eBay – hai công ty eBay và PayPal là những bị đơn liên đới do đã để xảy ra tình trạng vi phạm thương hiệu của các thân chủ của Wimo Labs. Một số nhà bán hàng trên eBay đã sử dụng các thương hiệu này để bán các hàng giả dẫn đến những thiệt hại cho thân chủ của Wimo Labs. Cả eBay cùng PayPal bị cáo buộc là đã tạo điều kiện để các hành vi xâm phạm được thực hiện và hưởng lợi từ việc buôn bán các mặt hàng giả mạo. Công ty thanh toán điện tử PayPal đứng vai trò bị đơn vì đã cung cấp chức năng thanh toán cho công ty mẹ eBay, mặc dù nền tảng công nghệ này có thể ngăn chặn việc thanh toán cho các mặt hàng giả mạo đó.

Tại một vụ kiện khác, Alcatel của châu Âu đòi Newegg và Overstock, hai công ty thương mại điện tử của Mỹ, phải bồi thường thiệt hại liên quan đến việc sử dụng những tấm bằng sáng chế. Số tiền đòi bồi thường lúc đầu là 4 triệu đô la nay đã lên đến 6 triệu đô la với chỉ ba tấm bằng sáng chế. Nhưng trong vụ kiện này Newegg và Overstock đã thắng. Hai công ty này đã lập luận rằng những tấm bằng sáng chế mà Alcatel đòi bồi thường thiệt hại không phải thuộc quyền sở hữu ban đầu của công ty này mà từ những công ty sáp nhập như Bell Laboratories. Tổng cố vấn viên Lee Chang của Newegg nói rằng “là một công ty sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử, chúng tôi rất tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty khác. Nhưng chúng tôi không ngần ngại chống lại những lời đòi hỏi vô lý và tin rằng đó là việc ngăn ngừa sự lạm dụng luật phát minh sáng chế”.

Nền tảng kinh doanh trực tuyến lớn nhất thế giới Alibaba cũng là đối tượng được quan tâm hàng đầu về sự vi phạm các hình thức sở hữu trí tuệ và được đánh giá là môi trường quá dễ dãi cho những kẻ bán hàng giả mạo những thương hiệu nổi tiếng. Điều này dẫn đến những vụ kiện khởi phát từ nhiều công ty như Gucci hay Yves St. Laurent, và mới đây một tòa án tại Manhattan (Mỹ) cũng đang thụ lý đơn kiện của nhãn hiệu thời trang Kering đối với tập đoàn này. Để đối phó với sự vi phạm của chính mình, Alibaba đã thành lập hệ thống AliProtect để các khách hàng ở Trung Quốc được phép liệt kê tên các nhà bán hàng giả mạo trên nền tảng TaoBao, đồng thời thiết lập một hệ thống điểm danh tương tự bằng tiếng Anh gọi là TaoProtect để các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng theo đó mà tránh những kẻ lợi dụng nền tảng này để bán hàng giả.

Trong một bài viết đăng trên trang Chinalawinsight.com, Mia Qu và Sally Wang thuộc công ty luật King & Wood Mallesons đã đưa ra những cuộc phân tích cụ thể về việc áp dụng luật liên quan đến sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển thương mại trực tuyến rất nhanh, với 10 lĩnh vực hàng đầu gồm phụ kiện, vải sợi, nông sản, thiết bị kỹ thuật số, máy móc và trang thiết bị, hóa chất và đồ nhựa, thực phẩm và rượu, vật liệu xây dựng, thiết bị và công cụ, và những loại thuốc chữa bệnh. Hiện tượng phát triển nóng của thương mại điện tử đang tạo nên nhiều vấn đề, đặc biệt là những hành vi vi phạm thương hiệu hay nhái, giả những nhãn hiệu nổi tiếng ở trong nước cũng như nước ngoài. Theo cuộc thống kê của tổ chức về quyền sở hữu trí tuệ Trung Quốc SIPO, từ tháng 1 đến tháng 9-2015 các tòa án tại đây đã phải thụ lý hơn 4.000 đơn kiện liên quan đến thương mại điện tử.

Trong rất nhiều trường hợp, các trang web thương mại điện tử gần như đánh mất quyền sở hữu trí tuệ chỉ vì để lộ các thông tin có liên quan trước khi nộp đơn bảo hộ quyền này tại các cơ quan chức năng. Ở nhiều nước, việc bảo hộ mặc nhiên bị vô hiệu hóa một khi những điều bí mật đã được công khai. Trên thực tế, các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong kinh tế Internet thường phát sinh và thay đổi rất nhanh, điều này buộc chủ sở hữu các trang web luôn phải theo dõi. Có một thực tế khác là các khách hàng, đối tác của trang web có thể mang đến trách nhiệm liên đới cho trang web khi bán các mặt hàng giả, bán chung các mặt hàng nhập khẩu song song từ nhiều nguồn khác nhau, hay vi phạm trực tiếp đến những thương hiệu và nhãn hiệu.
_________________________

Tài liệu tham khảo:
– Intellectual Property and E-commerce: How to Take Care of Your Business’ Website
(www.wipo.int)
– Intellectual Property in Ecommerce: Your Greatest Asset (www.thebalance.com)
– Common Issues of Trademark Infringement in e-Commerce and Enforcement (www.chinalawinsight.com)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới