Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi thức ăn không phải là thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi thức ăn không phải là thực phẩm

Quỳnh Thư

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Ăn ít hơn nhưng ăn ngon hơn là cả một nghệ thuật sống. Ông bà ta từ xưa đã dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tự thân vốn là một câu tục ngữ răn người đời về sự cần thiết phải biết cách ứng xử sao cho đúng mực, lời khuyên này được mở đầu bằng chuyện thoạt nghe qua tưởng cứ như là điều tự nhiên con người chẳng cần phải học hỏi gì: chuyện ăn.

Ai sống được mà không ăn? Con người sinh ra là đã ăn chẳng cần ai dạy dỗ. Thế nhưng khi nhân loại đang bước vào thập kỷ thứ hai của thiên niên kỷ thứ ba, ăn thế nào có lợi cho sức khỏe vẫn là đề tài thời thượng và chắc chắn sẽ còn là đề tài thời thượng cho đến khi con người còn thở trên trái đất này.

Và ai cũng biết là từ lâu trước khi ngành dinh dưỡng học ra đời với tư cách là ngành khoa học hướng dẫn con người ăn đúng cách, tổ tiên chúng ta đã dạy nhiều điều đúng đắn về vấn đề này. Chẳng hạn người Việt hay nói “đói ăn rau, đau uống thuốc”, còn người Anh thì nói “an apple a day keeps the doctor away” (ăn một quả táo mỗi ngày khỏi cần thầy thuốc)…

Đây cũng là một trong những cứ liệu để Michael Pollan, một cây bút chuyên về dinh dưỡng, đưa ra những lời khuyên ăn như thế nào để khỏe mạnh hơn.

Có hơn 10 năm viết báo trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và sức khỏe, Michael Pollan đúc kết kinh nghiệm ông có được từ các công trình nghiên cứu, trải nghiệm bản thân, giới chuyên môn, cũng như độc giả từ mọi ngành nghề thành một số mà “quy tắc” mà ông cho là có thể làm cho người ăn có được sức khỏe tốt hơn.

Trong quyển sách mới xuất bản nhan đề “Food Rules: an Eater’s Manual” (tạm dịch “Nguyên tắc thực phẩm: Sổ tay dành cho thực khách”), nhà xuất bản Penguin, Pollan đã khái quát những điều ông thu thập được thành 64 quy tắc ăn đúng cách.

Khi được hỏi có cần phải áp dụng cả 64 quy tắc này không trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The New York Times điện tử, Pollan cho rằng có những quy tắc thích hợp với một số người hơn các quy tắc khác. Nhưng điều quan trọng là người ta phải tuân thủ ít nhất là một nguyên tắc trong ba nhóm nguyên tắc chính được ông tóm lược trong bảy chữ (tiếng Anh) như sau: “(i) Eat food. (ii) Not too much. (iii) Mostly plants” [Ăn thực phẩm. Đừng quá no. Chủ yếu là rau, quả (thực vật)].

Một số quy tắc ăn tốt cho sức khỏe theo Michael Pollan

– Đừng rời bàn ăn khi chưa ăn hết phần trái cây của mình.

– Thức ăn được nấu ở nhà và bày ra bàn ăn tốt hơn là thức ăn phải vừa ăn vừa chạy.

– Hãy ăn sáng một mình, ăn trưa với bạn bè, còn dành bữa ăn tối cho kẻ thù.

– Nên tự làm bữa trưa và mang theo đến chỗ làm. Điều này giúp bạn vừa tiết kiệm tiền bạc vừa kiểm soát được mình ăn những gì.

– Ăn no đến mức bảy phần mười sức chứa của dạ dày và dành ba phần còn lại cho cái đói. Bằng cách này, bạn luôn cảm thấy ngon miệng và không ăn quá nhiều.

– Đừng ăn bất cứ cái gì mà bạn cảm thấy chùn tay khi phải giết nó.

– Không ăn phần thứ hai cùng một món ăn cho dù nó ngon miệng cách mấy chăng nữa.

Vậy thì “ăn thực phẩm” là sao? Không phải tất cả những gì ăn được, tạm gọi là thức ăn trong ngữ cảnh này, đều không có hại cho sức khỏe. Điều này càng đúng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, khi người ta có thể chế biến một món ăn nào đó bằng những thành phần hoàn toàn không liên quan gì đến những thành phần vốn được dùng để chế biến món ăn đó. Nói một cách khác, thức ăn tốt thường là những thực phẩm càng ít chế biến càng tốt.

“Đừng ăn quá no”, chắc khỏi cần phải bàn nhiều. Nhưng Pollan cũng đưa ra được một số nguyên tắc ông cho là giúp người ta bớt chứng ăn quá nhiều. Ví dụ ông bảo: cứ mặc sức mà ăn những món khoái khẩu của mình với điều kiện là chính tay mình nấu những món đó.

Ông cho ví dụ món khoai tây chiên (French fries) chẳng hạn. Món này vừa ngon vừa rẻ (bên Mỹ). Nhưng thử nghĩ bạn phải tự mình làm món này từ mấy củ khoai tây xem sao, chắc kết quả sẽ hoàn toàn khác. Nào là gọt vỏ, cắt, chiên, xử lý dầu đã chiên xong, lau dọn bếp sạch sẽ. Pollan cho rằng bao nhiêu đó cũng đủ khiến bạn chỉ ăn món này mỗi tháng một lần!

Thậm chí Pollan còn “xài” cả kinh tế học trong “quy tắc giúp bớt ăn đi” của ông. Pollan gọi cách này là “The banquet is in the first bite” (Bữa tiệc nằm trong lần nhai đầu tiên). Kinh tế học gọi quy luật này là “the law of diminishing marginal utility” (“quy luật tính hữu dụng biên giảm dần”.

Pollan giải thích rằng khi bạn nhận ra rằng cảm giác khoái khẩu đến từ những lần nhai nuốt thức ăn đầu tiên trong một bữa ăn rồi sau đó giảm dần, bạn sẽ tập trung thưởng thức cảm giác đó. Cho đến lần nuốt thứ… 20, thì chẳng còn ngon miệng nữa mà bạn chỉ lấy vào năng lượng mà thôi.

Còn “chủ yếu là rau, quả (thực vật)” thì cũng đã rõ. Nói thêm bên lề, ở đây Pollan có cách chơi chữ rất hay (trong tiếng Anh). Ông bảo: “If it came from a plant, eat it. If it was made in a plant, don’t”. Tạm dịch là: Nếu (thức ăn) đến từ thực vật thì ăn, nếu đến từ nhà máy, xin đừng. Cái hay là ở chỗ trong tiếng Anh, từ “plant” vừa là “thực vật”, vừa là “nhà máy”.

Theo Pollan, không phải chỉ có khoa học mới chỉ ra được cách con người ăn tốt cho sức khỏe mà chính trong nền văn hóa của mỗi dân tộc đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chắc bạn đọc cũng đã đôi ba lần nghe nói là nhiều món ăn Việt Nam tốt cho sức khỏe vì có rất nhiều rau, củ. Đó là một trong những điều tốt ông bà để lại cho chúng ta.Ăn ít hơn nhưng ăn ngon hơn là cả một nghệ thuật sống đó nghe bạn!

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, vui lòng truy cập địa chỉ: www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/suckhoe. Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi đến các bác sĩ chuyên về từng lĩnh vực để giải đáp cho bạn đọc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới