(KTSG) – Doanh nghiệp Mỹ có thể thỏa thuận với Chính phủ nộp một khoản tiền để tạm hoãn khởi tố hoặc tránh khởi tố hình sự. Vẫn còn tranh cãi nhưng đây là một trong những phương án làm giảm thiểu tổn thất do doanh nghiệp phá sản gây ra cho nền kinh tế.
- Doanh nghiệp Mỹ dựa vào trái phiếu chuyển đổi để tiết kiệm chi phí lãi vay
- Doanh nghiệp Mỹ đang mất quyền định giá
Năm 2015, sau gần 10 năm kể từ khủng hoảng tài chính 2008 tại Mỹ, Standard & Poor’s – cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu của Mỹ ra thông báo đã đi đến một thương lượng với Bộ Tư pháp Mỹ (Justice Department) và 19 tổng chưởng lý (người đứng đầu về tư pháp) các bang. Theo thương lượng này, Standard & Poor’s sẽ trả số tiền 1,37 tỉ đô la Mỹ để Bộ Tư pháp và các chưởng lý chấm dứt điều tra cũng như các cáo buộc đối với công ty này về hành vi bóp méo mức xếp hạng tài sản, nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng nói trên.
Trong thời gian cuộc khủng hoảng, các ngân hàng Phố Wall và các công ty tài chính lớn khác được coi là “quá lớn để sụp đổ” và vì thế được hưởng một vị thế khá đặc biệt về mặt pháp lý, đó chính là việc họ được hưởng cơ chế DPA hoặc NPA.
Nói một cách đơn giản, các doanh nghiệp lớn có thể được hưởng cơ chế thương lượng hình sự. Doanh nghiệp trả một số tiền lớn cho Chính phủ để được tránh truy tố, tương đương với việc người đứng đầu công ty có thể tránh bị kết án tù.
Nguồn gốc của cơ chế thương lượng công lý
Cơ chế “tạm hoãn khởi tố” (Deferred Prosecution Agreement – DPA) và “không khởi tố” (Non-Prosecution Agreement – NPA) hành vi phạm tội của pháp nhân ngày càng trở nên phổ biến trong hoạt động tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở Mỹ, từ những năm 1990 và đặc biệt là sau năm 2002. Năm 2002, Công ty Arthur Andersen gắn liền với vụ bê bối Enron gần như sụp đổ. Một công ty kiểm toán hàng đầu thế giới với 85.000 chuyên gia và 89 năm lịch sử thành cát bụi chỉ còn không đầy 200 người vào năm 2007, chủ yếu do nhân viên phải hầu tòa.
Hai cơ chế DPA và NPA cho phép các pháp nhân thương mại được đàm phán, thương lượng để tránh bị khởi tố hình sự. NPA là những thỏa thuận chính thức giữa công ty bị truy cứu và công tố viên trong giai đoạn đầu khởi tố, nhưng mang tính “riêng tư” không được công bố.
Để tránh bị truy tố ra tòa, công ty đối tượng điều tra khởi tố có thể chọn cách kí NPA, tuân thủ theo một chương trình phối hợp và hợp tác với công tố viên trong điều tra, nhất là điều tra nội bộ, tìm chứng cớ, đền bù bất cứ thiệt hại nào có thể gây ra, đóng tiền nộp phạt và chấp nhận bị siết tài sản nếu đó bị coi là bất hợp pháp… Cơ quan điều tra sẽ đánh giá mức độ hợp tác (trong việc hỗ trợ điều tra, cải thiện cấu trúc doanh nghiệp để hạn chế tham nhũng, gian lận, chấp nhận bị giám sát, theo dõi…) để được hưởng cơ chế “thương lượng công lý”. Sau giai đoạn thử thách này, công tố viên sẽ không truy tố công ty, như thỏa thuận đã ký kết.
Điểm chính khác biệt của DPA (so với NPA) chỉ là thương lượng có thể được thống nhất ở một giai đoạn tố tụng muộn hơn và cần phải có sự cho phép của tòa án. Nếu như công ty – đối tượng bị điều tra khởi tố tuân thủ các quy định của DPA thì cũng có thể được giảm tội trạng hoặc tránh bị kết án.
Nguồn gốc của cơ chế này có thể từ hoạt động tương tự trong những năm 1960 tại cơ quan các chưởng lý liên bang đặt tại New York, vốn tập trung vào giải quyết các vụ tội phạm cổ cồn trắng (tội phạm lừa đảo, gian lận tài chính, kinh tế). Sau đó, mục tiêu bảo hộ các doanh nghiệp dần hình thành. Vào năm 1992, cơ chế NPA được chính thức ký kết giữa Ngân hàng đầu tư Salomon Brothers và chính quyền liên bang Mỹ.
Trong những năm 2000, Mỹ có 25 thương lượng được ký kết. Đặc biệt từ năm 2008-2018, số lượng thương lượng tăng vọt lên 398 vụ với tổng số tiền nộp phạt là hơn 10 tỉ đô la Mỹ. Có lẽ hậu quả của vụ sụp đổ Công ty tư vấn Arthur Andersen năm 2002 tới nền kinh tế Mỹ đã làm cho các chưởng lý Mỹ phải suy nghĩ đến việc tìm một giải pháp khác để tránh những hậu quả lớn như thất nghiệp, bất ổn.
Vẫn còn dấu hỏi về sự phân biệt đối xử trong luật
Theo những người ủng hộ hệ thống này, cơ chế thương lượng công lý này cho phép cơ quan tư pháp có cách tiếp cận mềm dẻo hơn và vì thế hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống gian lận, tham nhũng. Đây có thể là cách giải quyết nhanh gọn nhất trong các vụ việc phức tạp, cần nhiều thời gian để điều tra. Khi doanh nghiệp đối tượng điều tra hợp tác và cung cấp thông tin phục vụ điều tra, cơ quan tư pháp sẽ tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc. Không chỉ thế, cơ chế này đặc biệt phù hợp với môi trường kinh doanh. Việc ký kết một thương lượng đền bù và nộp phạt có thể còn có tác dụng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp và tránh gây ra hiện tượng thất nghiệp hàng loạt của nhân viên.
Hai cơ chế DPA và NPA hiện đã được đón nhận ở một vài quốc gia khác, như Anh, Pháp, Canada và Nhật Bản. Ở Anh, cơ chế DPA được đưa vào hoạt động của CPS (Crown Prosecution Service – Cơ quan Khởi tố Hoàng gia) và của SFO (Serious Fraud Office – Cơ quan về các hành vi gian lận nghiêm trọng) từ năm 2014. Ở Pháp, luật về DPA được thông qua vào tháng 12-2016. Ở hai quốc gia này, cơ chế thương lượng công lý nói trên có thể được áp dụng cho các pháp nhân thương mại, trong hoạt động điều tra khởi tố các tội phạm kinh tế như gian lận, tham nhũng, lừa đảo…
Cho dù những thương lượng hình sự này chỉ là một phần nhỏ trong các vụ việc điều tra tội phạm cổ cồn trắng, nó vẫn thể hiện sự tư nhân hóa luật pháp cũng như sự phân biệt đối xử trong hệ thống luật. Vì thế, cho dù có những ưu điểm, thương lượng hình sự vẫn không thực sự được coi là phương pháp có thể được áp dụng ở nhiều quốc gia khác.