Thứ Sáu, 29/09/2023, 23:20
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Khi tình át lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi tình át lý

Bùi Việt Phương

(TBKTSG Online) – Vừa đi vào đường một chiều tôi đã phải phanh gấp xe. Đứa trẻ chỉ chừng mười tuổi nhổm mông đạp xe ngược chiều, tay móc chai rượu trắng và ít đồ nhậu (chắc mang về cho bố). Mắt nó nhìn tôi như nhìn thấy một đứa trẻ to xác chưa biết chạy xe. Cậu bé đi sai đường nhưng chỉ cần va quệt là bao nhiêu hệ luỵ của cái tình sẽ xâu xé lấy cái lý yếu đuối của tôi, đơn giản vì tôi là người lớn, lại chạy xe gắn máy. Cuộc sống có lắm thứ vô lý mà mình vẫn phải chấp nhận!

Nhớ một lần người bạn làm giáo viên kể: Không sợ bạo lực học đường hay những đứa trẻ ngỗ ngược mà sợ nhất cái kiểu đem tình ra “uy hiếp” nhau của phụ huynh. Nào là: nâng đỡ, tạo điều kiện, giơ cao đánh khẽ, thương cháu như con cháu trong nhà… tóm lại là những lý sự, “điều khoản” chân tình và sướt mướt.

Ra chợ thì gặp khối cái tình theo kiểu: em xem mà không mua mở hàng làm chị xui cả ngày. Hẳn một người ở xứ sở khác thoạt nghe sẽ nhầm tưởng là một nét văn hoá duy tình vẫn tồn tại đối trọng với kinh tế thị trường. Thế nhưng, chỉ cần từ chối khéo những tình cảm đó là bị áp luật rừng ngay.

Một phụ huynh ấm ức vì con mình bị xử lý đúng luật, có thể làm cho giáo viên phải chuyển trường. Người bán hàng có lăng nhục bạn bằng lời lẽ thô thiển mà vẫn được chị em xung quanh thương cảm sáng ra gặp vận xui. Và, chẳng may tôi quệt phải đứa trẻ kia chắc chắn mọi người sẽ hạch tội đứa to đầu.

Cứ thế, trong một xã hội đang tiến lên văn minh bằng những quy định, chế tài, phương tiện thì lại nảy ra lắm thứ “tình cảm nanh nọc” rình rập những cái lý ngây thơ. Sự nguy hại đó tồn tại được là nhờ bám víu vào cái nhìn cũ kỹ, cảm tính và bảo thủ của nhiều người theo kiểu có lợi trước mắt cho mình.

Điều nguy hại nhất là cái tình cá nhân chủ nghĩa đó làm lệch những tiêu chuẩn xã hội. Ông bảo vệ đóng cổng không cho anh cán bộ đi muộn 5 phút thành ông dở người. Cô giáo không nhận phong bì nâng điểm thành bảo thủ, khó tính. Mỗi thứ bị lệch chuẩn đi một chút đã kéo theo bao nhiêu hệ luỵ, tích tiểu thành đại gây ra những hậu quả cho xã hội.

Đã từng có những đợt tuyên truyền, đã từng có nhiều bài báo phân tích, mổ xẻ tật xấu của người Việt. Và hình như, lúc trà đá, thuốc lào nhiều người cũng bàn tán. Nhưng giữa nói và làm vẫn là hai thế giới, nhận thức chỉ là thứ trang sức không biến thành hành động.

Nói đến đây tôi lại nhớ đến câu chuyện của đứa cháu:

– Chú ơi hôm nay cháu được khen là giỏi.

– Ai khen cháu?

– Bác lao công?

– Vì sao?

– Vì bác ấy bảo cháu là người đầu tiên ném vỏ bánh rơi vào thùng rác, còn các bạn khác chả bao giờ ném trúng cả.

Thật mỉa mai, cái sự đúng tối thiểu cũng trở thành giỏi bởi thói quen xấu ngang nhiên. Nhìn ở góc độ khác cháu bé phải là người thật dũng cảm vì đã… làm đúng!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới