Thứ Sáu, 24/03/2023, 00:18
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Khi tội phạm hình sự “trẻ hóa”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi tội phạm hình sự “trẻ hóa”

Nguyễn Vinh

Khi tội phạm hình sự
Phiên tòa xử vụ trộm chó giết hai người trong một gia đình ở tỉnh Gia Lai, vừa diễn ra hôm 20-7 – 2015. Theo mô tả của nhiều tờ báo, bị cáo Nguyễn Văn Tiến, 23 tuổi tỏ ra bình thản trước bản án đề nghị mức án nặng nhất: tử hình. Ảnh: laodong.com.vn

(TBKTSG Online) – Liên tục những vụ án mạng dã man gần đây có thủ phạm và nghi can là những thanh niên tuổi còn rất trẻ hoặc vị thành niên. Tình hình tội phạm hình sự có xu hướng "trẻ hóa" đang báo trước về một xã hội tương lai đầy bất trắc.

Trong cuộc họp báo khẩn cấp chiều 11-7-2015 công bố thông tin điều tra của cơ quan an ninh về vụ thảm sát sáu người trong một gia đình tại Bình Phước, một lãnh đạo Bộ Công an cung cấp con số đáng ngại về tình hình tội phạm thời gian gần đây đã được nhiều báo trích dẫn: các vụ án có khoảng 70% trường hợp phạm tội lần đầu và có từ 30% đến 40% tội phạm là người trẻ tuổi. 

Trước đó, ngày 3-1-2015, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống tội phạm, Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, đưa ra thông tin: năm 2013 tội phạm xâm phạm trật tự xã hội xảy ra gần 60.000 vụ (tăng hơn 5% so với năm 2012), xu hướng tội phạm là trẻ hóa. Trong số tội phạm giết người, nguyên nhân xã hội chiếm tỉ lệ cao, hơn 86% (1.342 vụ), nhiều hành vi gây án hết sức dã man, tàn bạo, gây bức xúc dư luận (theo báo Tuổi Trẻ).

Một trong những điều đáng lưu tâm, cùng với xu hướng trẻ hóa độ tuổi phạm tội hình sự, thì tâm lý tội phạm cũng đã thay đổi. Trên tờ Nhà báo & Công luận ngày 16-7-2015, GS-TS Đặng Vũ Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên), người đang thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ về tình hình tội phạm vị thành niên, thanh niên đã kể rằng:Cách đây 10-15 năm, khi phạm tội, kẻ gây tội ác cảm thấy rất ăn năn, hối lỗi, run sợ, lương tâm bị cắn rứt đến ăn không ngon, ngủ không yên. Họ thực sự thấy rằng việc làm tổn thương người khác, vi phạm pháp luật là xấu xa, xâm phạm giá trị sống mà họ cho là đúng. Nhưng gần đây, đa số kẻ phạm tội lại không ăn năn. Họ cho rằng hành vi của mình là hợp lý, không đáng lên án, nạn nhân đáng bị họ trừng phạt như vậy.”

Và, nếu chú ý có thể nhận thấy sau những vụ giết người tàn  bạo như Lê Văn Luyện (Bắc Giang) hay mới đây là vụ hạ sát sáu người trong gia đình chủ xưởng gỗ tại Bình Phước, khi thủ phạm bị đem ra xử theo pháp luật, khi nghi can được phát hiện, thì trên mạng xã hội xuất hiện một số trang với những ý kiến bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho các nghi can, hung thủ. Những người tham gia vào trong các trang này hầu hết là người trẻ.

Thực tế đó cho thấy cái ác có sức lan truyền trong đời sống tâm lý con người nhanh hơn chúng ta tưởng.

Thực tế đó cũng cho thấy, đã có một sự đảo lộn, lệch lạc trong quan niệm và giá trị sống qua hiện tượng này. Tức, tâm lý của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng trẻ, đang có những trục trặc nặng nề.

Và điều đó báo trước nguy cơ tội phạm trẻ tiếp tục bùng phát. Sự lệch chuẩn trong tâm lý nơi những công dân trẻ đã không được phát hiện, ngăn chặn, điều chỉnh kịp thời. Rất nhiều nguyên nhân, đạo đức lẫn pháp luật, văn hóa lẫn giáo dục, đã được các chuyên gia cắt nghĩa, thậm chí đổ lỗi. Nhưng giải pháp là gì thì vẫn là chuyện mơ hồ.

Hiện tại việc phòng chống tội phạm của ngành chức năng, an ninh mới chỉ dừng ở mức “kiềm chế”, nếu không muốn nói là chỉ có thể xử lý phản ứng khi cái ác, sự tàn độc đã xảy ra. Trong những vụ án mạng gần đây, từ vụ việc sát hại sáu người tại Bình Phước lẫn vụ giết bốn người ở Nghệ An, cơ quan an ninh cao nhất đã được điều về phá án, cho thấy mức độ nghiêm trọng khó ngờ của tính chất phạm tội.

Qua những vụ việc trên, dư luận xã hội hoang mang. Và câu hỏi đặt ra là: làm sao để những người trẻ có kỹ năng sống, hành xử tỉnh táo, lý trí, tuân thủ quy chuẩn đạo đức và pháp luật để mầm ác không có điều kiện khởi sinh ngay từ trong ý nghĩ ? Đó là câu hỏi mở; chưa khi nào xã hội cần đến những lời giải cụ thể như lúc này.

Viễn cảnh xã hội tương lai bình yên hay đen tối, còn tùy thuộc vào những nỗ lực chỉnh đốn và xây dựng cái gốc nhân bản, đảm bảo an ninh tâm lý cho thế hệ trẻ ngay từ hôm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới