Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi trồng lúa không lo lỗ!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi trồng lúa không lo lỗ!

Hồ Hùng

Thu hoạch lúa tại Hợp tác xã Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG) – Gentraco (Cần Thơ) đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên cùng nông dân xây dựng thương hiệu và áp dụng quy trình sản xuất Global GAP cho hạt gạo thơm. Nông dân vui vì lúa bán được giá cao, còn Gentraco cũng khấp khởi vì đầu ra cho hạt gạo khá hứa hẹn.

“Đây là lần đầu tiên, lúa thơm sản xuất theo quy trình và được công nhận tiêu chuẩn Global GAP”, kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết. Ông Cua chính là tác giả của giống lúa này: giống ST 5 ngon cơm, dẻo hạt.

Giữa tháng 7- 2010, Hợp tác xã Lúa – Tôm Hòa Lời (xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đã được trao giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và giống lúa ST 5 được trồng tại đây, do Gentraco bao tiêu toàn bộ và đăng ký thương hiệu gạo thơm Ngọc Đồng trên toàn quốc.

Khoảng tám năm trở lại đây, những giống lúa đặc sản ST do ông Cua nhân giống đã được người dân trồng đại trà. Từ giống ST 3, ST 5, hay mới nhất là giống lúa ST hạt đỏ mà ông Cua tạm đặt là ST Đỏ… đều là lúa thơm, hạt dẻo, xốp mềm, giàu dinh dưỡng với độ đạm khoảng 10%. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm làm ra vẫn chưa ổn định.

Đến năm 2008, Gentraco đã kết hợp cùng kỹ sư Hồ Quang Cua… nghiên cứu phát triển giống lúa thơm tại Sóc Trăng và công ty quyết định mua sản phẩm với giá cao hơn so với các loại lúa thường. Và khi 12 hộ nông dân ở Hợp tác xã Hòa Lời quyết tâm sản xuất lúa “sạch” theo tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2009, Gentraco cũng hăng hái tham gia mua lúa. “Đợt đầu tiên mua được khoảng 100 tấn lúa, quy ra khoảng 50 tấn gạo đạt chuẩn”, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Gentraco, nói.

Đầu năm 2008, cũng có một doanh nghiệp tại Sóc Trăng dự tính xây dựng thương hiệu loại gạo thơm này nhưng Gentraco mới là doanh nghiệp đầu tiên quyết định hỗ trợ nông dân, từ trang thiết bị sản xuất, hơn 140 triệu đồng cho vay không lãi, đến những cam kết về đầu ra. Những hạt lúa “sạch” đúng tiêu chuẩn Global GAP được Gentraco mua cao hơn giá thị trường 20-25% so với lúa thơm không đạt chuẩn. Ông Kiên cho biết, trong những năm tới, Gentraco sẽ hỗ trợ nông dân toàn bộ chi phí để tái công nhận tiêu chuẩn Global GAP, khoảng hơn 3.000 đô la Mỹ/lần.

Ông Cua cho biết, Gentraco mua lúa đạt chuẩn Global GAP với giá 7.800 đồng/ki lô gam, trong khi lúa thường chỉ trên dưới 4.000 đồng/ki lô gam. Như vậy, với một héc ta trồng lúa đạt chuẩn, riêng giá trị tăng thêm đã ở mức bình quân 6,76 triệu đồng, trong tổng số gần 20 triệu đồng lợi nhuận. Năm 2010, riêng tại Hợp tác xã Hòa Lời sẽ có khoảng 50 héc ta lúa đạt chuẩn.

Về quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP, ông Cua cho rằng không khó để nông dân áp dụng. “Đơn giản là phải làm những gì mà đáng ra lâu nay nông dân hay người chủ gia đình phải làm”, ông nói. Thậm chí có những thứ tưởng chừng không liên quan gì đến sản xuất, nhưng lại nằm trong yêu cầu sản xuất sạch như phải có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhà bếp gọn đẹp… Thiết thực hơn là phải có kho chứa phân, thuốc, sân phơi, nơi trữ lúa, sổ ghi chép… Tổng chi phí đầu tư, thuê tư vấn… để được công nhận đạt chuẩn Global GAP khoảng 400 triệu đồng.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khẳng định: “Muốn sản phẩm bán được giá cao thì đòi hỏi phải đạt chuẩn. Việc xây dựng thương hiệu và các mô hình sản xuất để được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP không khó! Điều quan trọng là phải giữ được tiêu chuẩn đó qua những đợt tái công nhận. Thành công trong việc nhân rộng diện tích hay không đòi hỏi phải có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu với giá cao hơn các sản phẩm thông thường. Bởi chi phí sản xuất để đạt chuẩn chắc chắn phải cao hơn so với cách làm thông thường”. Việc một số nông dân trồng bưởi theo tiêu chuẩn Global GAP ở Mỹ Hòa đòi rút lui vì sản phẩm bán chỉ bằng giá bưởi thường là một ví dụ. Vú sữa Vĩnh Kim cũng vậy, người trồng theo chuẩn Global GAP đang nản lòng vì đầu ra rất bấp bênh…

Với Gentraco, ông Kiên khẳng định công ty sẽ gắn bó với Hợp tác xã Hòa Lời trong việc tiêu thụ sản phẩm. Gentraco đã được chứng nhận HACCP trong quy trình chế biến, nên chỉ cần có nguyên liệu tốt, đạt chất lượng Global GAP trong quy trình trồng trọt là xem như ổn thỏa!

Ông Kiên cũng cho biết, lượng gạo thơm đã mua được công ty tung ra thăm dò thị trường và kết quả rất khả quan. Hiện tại, gạo Ngọc Đồng đang được bày bán tại chuỗi cửa hàng Đại Khánh (thuộc Gentraco), các hệ thống siêu thị như Maximark, Co.op Mart, BigC… “Cái khó bây giờ là số lượng quá ít, chưa thể xuất khẩu”, ông Kiên nói.

Một chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, với chứng nhận Global GAP, sản phẩm rất dễ thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… Tuy nhiên, chỉ cần khai thác tốt thị trường nội địa thì lợi nhuận cũng không kém phần hấp dẫn. Ông cho rằng, chỉ khi có thương hiệu thì mới tính được vấn đề nâng giá hạt gạo, chí ít là so với đối thủ Thái Lan… Tuy nhiên, cũng như Tiến sĩ Bảnh đã đề cập, cái khó là phải làm sao để nông dân gắn kết được với doanh nghiệp khi áp dụng tiêu chuẩn Global GAP.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới