Khi Vietjet cất cánh trên đường băng HOSE
Như Mai
Ngày 28-2, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã trao quyết định niêm yết, chào mừng ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet. Vietjet trở thành hãng hàng không đầu tiên nêm yết trên sàn HOSE.
![]() |
Nghi thức đánh cồng chào mừng cổ phiếu VJC niêm yết tại HOSE ngày 28-2-2017. |
Cổ phiếu Vietjet chào sàn HOSE
Với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng và mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu, ở thời điểm chào sàn, vốn hóa của Vietjet đạt 27.000 tỉ đồng, tương đương 1,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 1,5% vốn hóa của HOSE (1,63 triệu tỉ đồng tính tới 15-2-2017), Vietjet nằm trong top 15 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE. 24 tổ chức quốc tế đã tham gia đặt mua cổ phiếu Vietjet, trong đó có nhiều quỹ đầu tư lớn như GIC, Wellington, Eaton Vance, Morgan Stanley, Dragon Capital, Vina Capital… Số lượng cổ phiếu VJC mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã chiếm tới 24,48% trong tổng giới hạn tỷ lệ 30% mà họ được phép.
Theo thống kê, năm 2016, thị trường vận tải hàng không tăng trưởng 29% và tỷ lệ hành khách sử dụng đường hàng không trong dân chúng tăng từ 0,5% năm 2012 lên 0,8% năm 2016. Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Viet Nam và nằm trong số ít các hãng trên thế giới có lãi ngay từ năm thứ hai hoạt động. Kết thúc năm 2016, Vietjet đạt doanh thu 27.532 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 2.394 tỉ đồng, EPS đạt 8.762 đồng/cổ phiếu.
“Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, chúng tôi tin tưởng về một tương lai tốt đẹp trên không cho hành khách của mình, cho công ty và cho các nhà đầu tư. Vietjet hướng tới trở thành hãng hàng không có chất lượng, hiệu quả quản trị công ty niêm yết tuân theo những chuẩn mực tốt nhất của thế giới. Bên cạnh việc mang lại những giá trị mới mẻ cho hành khách, chúng tôi mong muốn mang lại những giá trị mới cho nhà đầu tư và cho thị trường vốn Việt Nam và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet khẳng định tại lễ đánh cồng chào mừng phiên giao dịch đầu tiên.
VJC cất cánh
VJC tăng kịch biên độ 20% trong phiên giao dịch đầu tiên, lên 108.000 đồng/cổ phiếu với vỏn vẹn hơn 12.000 cổ phiếu được chuyển nhượng. Dư mua giá trần lên tới 3-4 triệu đơn vị. Sang hai phiên tiếp theo, dư mua giá trần vẫn ở mức cao, chỉ có một số ít được chuyển nhượng mà chủ yếu là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Sang phiên thứ tư, giao dịch tăng vọt, chốt phiên với giá 132.100 đồng cổ phiếu. Thanh khoản ở mức 2,75 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 395 tỉ đồng, chiếm trên 12% tổng giao dịch toàn thị trường.
Phiên giao dịch sáng 6-3, mặc dù đã tăng gần 50% kể từ khi chào sàn song cổ phiếu VJC vẫn tiếp tục tăng hơn 4%, lên 137.400 đồng/cổ phiếu nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ dòng vốn ngoại. Trong tổng số 1,15 triệu cổ phiếu VJC khớp lệnh trong phiên 6-3 thì khối ngoại mua vào 524.400 cổ phiếu, chiếm gần một nửa khối lượng giao dịch. Tính chung cả phiên, khối ngoại mua ròng 198.400 cổ phiếu VJC, đánh dấu việc mua ròng 5 phiên liên tiếp. Với mức giá này, cổ phiếu VJC đã tăng 52,6% kể từ khi chào sàn, vốn hóa thị trường đạt 41.200 tỉ đồng, chính thức vượt hãng hàng không Vietnam Airlines về mặt vốn hóa (39.772 tỉ đồng).
Như vậy sau năm phiên giao dịch, cổ phiếu Vietjet đã mang lại lợi nhuận gần 59% cho nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cổ phiếu này trong đợt chào bán tháng vào tháng 12-2016. Thế nhưng với khối lượng giao dịch khớp lệnh hơn 4,2 triệu cổ phiếu sau một tuần lên sàn, có vẻ như nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng một mức giá cao hơn nữa.
Dự báo triển vọng
Cũng tại lễ đánh cồng của Vietjet, ông Jasper Reiser – Giám đốc Điều hành khối thị trường vốn khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BNP Paribas, cho biết “Ngân hàng BNP Paribas đã tham gia trong tổ hợp các nhà tư vấn quốc tế vào dự án IPO Vietjet. Sự kiện IPO này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Sự thành công của IPO là minh chứng cho năng lực quản lý, vận hành kinh doanh của đội ngũ điều hành công ty cũng như sự phát triển vượt bậc trong suốt thời gian qua”.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành thị trường hàng không quốc tế lớn nhất thế giới kể từ năm 2009.
Việt Nam với dân số trẻ và đông, thu nhập khả dụng của người dân tăng cao nhất trong khu vực, trong khi các loại hình vận chuyển như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hạn chế phát triển là điều kiện thuận lợi cho Vietjet cũng như các hãng hàng không hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Hiện room khối ngoại tại VJC chỉ còn hơn 4% trong khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục gom cổ phiếu này bằng cả thỏa thuận và giao dịch trên sàn trong những phiên vừa qua. Quỹ GIC của Chính phủ Singapore hiện là quỹ ngoại sở hữu VJC nhiều nhất với 5,48%, trong khi Dragon Capital cũng đã chi ra gần 1.000 tỉ đồng để sở hữu các cổ phiếu này. VJC hiện cũng chiếm gần một nửa danh mục tự doanh của HSC. Nhiều nhà đầu tư ngoại cũng chỉ mua được trên dưới 50% số lượng cổ phiếu đặt mua trong đợt phát hành tháng 12-2016.
Vốn hóa lớn, lợi nhuận cao, nhà đầu tư tổ chức nắm giữ nhiều, ngành nghề hoạt động nhiều tiềm năng…VJC dường như đang hội tụ những nét hấp dẫn quyến rũ nhà đầu tư.
Vietjet trở thành thành viên IATA và xây học viện hàng không Trung tuần tháng 2-2017, Vietjet đã đón nhận chứng nhận thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Để trở thành viên chính thức của IATA, Vietjet đã đạt và được cấp chứng nhận an toàn khai thác IOSA của IATA. Trên thế giới, chỉ có khoảng 20% số hãng hàng không hội tụ các tiêu chuẩn của IATA. IATA là tiếng nói mạnh mẽ, thống nhất và chuyên nghiệp đại diện cho toàn ngành hàng không thế giới hỗ trợ và nâng cao lợi ích của các thành viên thông qua việc hãng hàng không được công nhận quốc tế, định hướng các ưu tiên của ngành, xúc tiến thực hiện những đổi mới trong ngành, giảm chi phí, các chiến dịch truyền thông, đào tạo và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, Vietjet cũng nhận chứng nhận đầu tư dự án trung tâm công nghệ hàng không nằm trong chương trình xây dựng Học viện Hàng không Vietjet của UBND TPHCM, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM. Dự án sẽ được khởi công trong tháng 3-2017. Dự kiến sau 12 tháng thi công sẽ đưa vào vận hành hạng mục đầu tiên là trung tâm thiết bị buồng lái giả định đào tạo phi công (Full flight simulator), hợp tác với tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. Trung tâm Công nghệ hàng không Vietjet được triển khai trên khu vực có diện tích 5,54 héc ta thuộc khu Nghiên cứu phát triển và Đào tạo, Vườn ươm (khu Không gian khoa học) – “trái tim” của Khu công nghệ cao TPHCM. Vietjet đặt mục tiêu phát triển trung tâm trở thành cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hàng không tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2016, Vietjet vận chuyển trên 14 triệu lượt khách, hệ số sử dụng ghế đạt 88,9%. Hãng đã thực hiện 84.535 chuyến bay an toàn với 121.213 giờ bay. Độ tin cậy kỹ thuật của Vietjet đạt 99,56%, đây là tỷ lệ thuộc nhóm cao nhất của đội máy bay A320/321 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. |