Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khiếu kiện về đất đai sẽ giảm nếu khắc phục được tình trạng ‘đất 2 giá’

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng nếu Chính phủ làm tốt được những vấn đề Trung ương nêu ra thì sẽ tạo sự chuyển biến tốt về mặt chính trị – xã hội; khiếu kiện, khiếu nại của người dân về đất đai sẽ giảm, cán bộ bị xử lý liên quan tới đất đai sẽ giảm.

Đây là một trong những nội dung kết luận được ông Võ Văn Thưởng nêu ra tại hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Hội nghị diễn ra trong hai ngày 21 và 22-7 với 4 chuyên đề được giới thiệu, quán triệt tới hơn 1 triệu Đảng viên trên cả nước.

Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-7. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5. Nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các nghị quyết. Từ đó, thấy rõ các nghị quyết này là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đời sống của nhân dân, đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Lưu ý một số nội dung cốt lõi cần quan tâm trong tuyên truyền trong Nghị quyết về quản lý và sử dụng đất đai, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, có rất nhiều vấn đề rất mới, trong quá trình thảo luận Trung ương tin tưởng rằng nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra những chuyển biến rất tích cực.

Ông Thưởng nêu ví dụ như việc sẽ bãi bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ khắc phục được tình trạng 2 giá trong thời gian vừa qua. Hay là đối với những dự án phải thực hiện tái định cư thì phải tái định cư xong mới thu hồi đất…

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, nếu làm tốt những vấn đề được Trung ương nêu ra chắc chắn về mặt chính trị – xã hội sẽ có chuyển biến tốt; khiếu kiện, khiếu nại của người dân về đất đai sẽ giảm, cán bộ bị xử lý liên quan tới đất đai sẽ giảm.

Tại hội nghị trên, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã truyền đạt chuyên đề “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.”

Bà Mai cho biết, toàn Đảng có 51.988 tổ chức cơ sở đảng. Song một số tổ chức, cơ sở Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ – một trong nguyên tắc cốt lõi của Đảng ta. Vừa qua, chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Giai đoạn 2016-2020, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503 tổ chức, cảnh cáo 161 tổ chức), tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010-2015. Trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức cơ sở Đảng (khoảng 0,2%).

Theo bà Mai, 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở Đảng, nhưng không thể xem thường. Mỗi một nơi, tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút.

Bà Mai cho biết một giải pháp quan trọng mà nghị quyết đề ra là thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; kịp thời chấn chỉnh đối với đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên không thực hiện đúng quy định về chuyển sinh hoạt đảng; đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước; đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp.

Được biết, cũng tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trình bày chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.

Theo đó, về mục tiêu tổng quát, Trung ương xác định: phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết để thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

Về mục tiêu cụ thể, Trung ương phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới