Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó cho nhà ở xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó cho nhà ở xã hội

Dự án xây dựng khu dân cư mới thì nhiều, nhưng chủ yếu là dành cho các đối tượng có thu nhập cao và ổn định – Ảnh minh họa: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Chính phủ đang tiến hành một chương trình dài hơi về phát triển nguồn nhà ở xã hội và khuyến khích doanh nghiệp tham gia bằng những hứa hẹn ưu đãi về thuế.

Các chuyên gia thuộc Bộ xây dựng – cơ quan đang đề xuất lên Chính phủ kế hoạch phát triển quỹ nhà ở xã hội cũng nhận định rằng còn nhiều khó khăn, thách thức để chương trình này được vận hành đúng với mục đích tốt đẹp của nó.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà, Bộ Xây dựng về vấn đề này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Thưa ông, có thể hiểu nhà ở xã hội là loại nhà dành cho tất cả những đối tượng có thu nhập thấp hay không?

Ông Nguyễn Trọng Ninh: Đối tượng được thuê nhà ở xã hội là công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và đối tượng ở nhà ở công vụ hết thời hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh các điều kiện đó thì những đối tượng trên còn phải đảm bảo những điều kiện sau: có thu nhập thấp và chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được thuê hoặc mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng hoặc dột nát.

Như vậy, nhà ở xã hội không phải loại nhà dành cho tất cả những đối tượng khó khăn về nhà. Mà chỉ những người đáp ứng được những điều kiện trên thì mới được thuê, hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Các nước khác, tiền lương được tính luôn cả tiền nhà. Nhưng ở nước ta, tiền lương so với tiền nhà lại quá thấp. Hiện đang có xu thế công chức, viên chức bỏ ra làm tư nhân. Vì vậy nhà nước phải có chính sách cho một số đối tượng làm nhà nước nhưng lương thấp.

Vậy khi nào những người có thu nhập thấp không nằm trong nhóm đối tượng nêu trên, ví dụ như những người bán hàng rong, lao động cơ bắp, người nghèo tại các khu tạm cư… có cơ hội sở hữu nhà?

Thật khó để tiên lượng trước về vấn đề này. Chính phủ vẫn biết là nhu cầu của những người có thu nhập thấp rất cao. Nhưng trong điều kiện nguồn vốn còn khó khăn, chỉ riêng xây nhà xã hội cho những đối tượng có đủ điều kiện nêu trên trong những năm tới đã ngốn tới gần 2 tỉ đô la Mỹ. Ước tính chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân khoảng 20 tỉ đồng/héc ta. Ước tính 500.000 căn nhà được phát triển trong thời gian sắp tới cũng mới chỉ giải quyết được nhu cầu cho 2 triệu người.

Còn hàng chục triệu người dân khác có thu nhập thấp cũng có nhu cầu về nhà ở, nếu muốn đáp ứng được hết phải cần số vốn gấp nhiều lần như thế. Đây thực sự là một thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Có nhiều lo ngại chương trình nhà ở xã hội không thể đến đúng đối tượng khi các cơ quan quản lý nhà nước cho thuê nhà sai mục đích, hoặc biến nhà ở xã hội thành nhà ở thương mại bán lại cho giới đầu cơ?

Nhà ở xã hội không phải là loại nhà giao dịch trên thị trường bất động sản. Đây là loại nhà đặc biệt chỉ để cho những đối tượng đặc biệt thuê hoặc thuê mua. Tất cả những đối tượng đặc biệt này đều được quản lý.

Trong Luật Nhà ở đã nêu rõ, người mua nhà phải có đơn và có sự xác nhận của cơ quan quản lý lao động về các điều kiện khó khăn để được mua nhà. Cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh sẽ đưa ra thang điểm cụ thể để lựa chọn đối tượng được ưu tiên. Những đối tượng này sẽ được công bố công khai tại chính quyền địa phương và tại nơi quản lý. Hơn nữa, những đối tượng được thuê mua cũng phải trong thời gian từ 15-20 năm. Sau khi mua xong mới được phép giao dịch.

Chính phủ đã lường trước trường hợp này nên đã có những quy định rất chặt chẽ. Nếu thuê mua thì phải trả trước 20%, còn lại sẽ trả dần trong khoảng từ 15-20 năm tùy theo từng địa phương quy định. Kể cả trong trường hợp đối tượng thuê mua nhà xã hội muốn trả hết một lần tiền cũng không được, mà bắt buộc phải trả dần theo từng năm. Điều này sẽ cắt đứt mọi cơ hội để đối tượng được mua nhà xã hội biến thành sở hữu mua bán sang tay tức thì. Điều này cũng giúp tránh được giới đầu cơ nhăm nhe vào loại nhà này.

Đây sẽ là một chương trình quy mô lớn và kéo dài. Vậy có biện pháp nào để đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới, thưa ông?

Xét về mặt quản lý nhà nước, vấn đề xây dựng nhà ở cho người lao động là nhiệm vụ của cấp chính quyền địa phương. Nhưng hiện nay các địa phương lại không xắn tay vào thực hiện. Vì vậy, nhà ở xã hội dù đã có chủ trương chính sách nhưng việc phát triển lại rất ì ạch. Vẫn biết cái khó của các địa phương là nguồn vốn. Nhưng không phải là không có cách để tạo thêm quỹ vốn cho chương trình. Ví dụ, số tiền thu được từ việc bán nhà theo nghị định 61, tại sao các địa phương không trích số tiền đó ra để đầu tư xây dựng quỹ nhà xã hội. Thực tế là các địa phương lại đem số tiền đó chi tiêu vào nhiều việc khác, không chú tâm đầu tư cho nhà ở xã hội.

Trong đề án thí điểm được trình trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng xác định không thể trông chờ quá nhiều vào doanh nghiệp. Hiện giờ chúng ta phải chấp nhận việc doanh nghiệp đã hạch toán, đã trả chi phí cho người lao động, tức là đã có chi phí tiền nhà ở trong đó. Tuy nhiên, nhà nước sẽ can thiệp để mức sống của người lao động phần nào được nâng lên qua chương trình này.

Đối với các địa phương, Chính phủ sẽ có kiểm soát cụ thể, bằng việc giao cho các tỉnh chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội phải triển khai trong từng năm. Địa phương cũng phải báo cáo rõ nguồn vốn xây dựng đó được khơi thông từ nguồn nào, cần hỗ trợ bao nhiêu từ ngân sách của trung ương hoặc địa phương. Sắp tới trong quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải xác định rõ quy hoạch xây dựng quỹ nhà ở xã hội. Cũng có thể sẽ có một tổng công ty nhà nước đại diện để thực hiện việc này. Cái khó nhất để triển khai trương chình này hiện nay là thiếu vốn và không có bộ máy thực hiện

Việc phát triển nhà ở xã hội liệu có giúp cải thiện tình trạng mất cân đối cung-cầu về nhà ở, dẫn đến giá bị đẩy lên cao bất hợp lý trong tình hình thị trường nhà đất hiện nay?

Theo thống kê, số lượng cán bộ, công chức viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên phạm vi cả nước khoảng hơn 2 triệu người. Người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là trên 1 triệu người, trong đó số lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 70%, vào khoảng 700.000 người.

Chúng tôi dự báo nhu cầu về nhà ở của các đối tượng trên sẽ rất cao. Nhu cầu của nhóm thứ nhất cần thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo dạng căn hộ gia đình chiếm khoảng 32%, tương đương 716.000 người. Trong khi nhóm thứ hai có nhu cầu về căn hộ tập thể chiếm 70% trong tổng số lao động ngoại tỉnh. Vì vậy, việc phát triển nhà ở xã hội chính là một giải pháp giảm sức ép cho thị trường nhà đất, vốn sốt giá phần lớn vì thiếu nguồn cung.

Tại sao doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi cụ thể từ chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhưng đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều không mặn mà với chương trình này?

Đúng là có thực tế như vậy. Chính phủ cũng đang rất băn khoăn về chuyện này. Trong Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, quy định rõ những ưu đãi cho doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên doanh nghiệp không mặn mà với chương trình này cũng có nhiều lý do. Thị trường bất động sản đang có nhiều cơ hội như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh phải “mua đứt bán gọn” thì mới thu được tiền ngay, mới có lãi. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay hầu hết phải đi vay ngân hàng với lãi suất khá cao, nếu đầu tư vào loại nhà ở xã hội có giá thấp như vậy, chắc chắn họ phải chịu thua thiệt, có khi phải bù lỗ. Thời gian cho thuê nhà rất dài, phí vận hành lớn nên hiện tại khó có doanh nghiệp nào tự nguyện đăng ký để xây nhà xã hội.

Tuy nhiên chúng ta không thể ép doanh nghiệp kinh doanh những loại nhà không đem lại lợi nhuận. Chính vì vậy trong Luật Nhà ở cũng quy định rõ, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội.

Vừa qua Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 90/2006/NĐ-CP, theo đó sẽ có nhiều ưu đãi cụ thể hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động cho thuê, mua nhà ở. Cùng với đó, bộ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án về nhà ở xã hội.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài băn khoăn, họ muốn xây nhà ở cho công nhân liệu có được hưởng những ưu đãi về thuế hay các quyền liên quan đến đất đai hay không?

Xây nhà ở xã hội là việc làm luôn được chính phủ khuyến khích. Vì vậy bất cứ doanh nghiệp và tổ chức nào tham gia phát triển chương trình này đều được hưởng những ưu đãi cụ thể. Tuy nhiên phải tùy vào từng trường hợp, chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

HẠNH LIÊN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới