Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó chồng khó, ngành dệt may nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó chồng khó, ngành dệt may nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Trọng Nghĩa

(KTSG Online) – Hoạt động sản xuất bị đình trệ do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, áp lực giao hàng cho đối tác ngày càng tăng, giá cước vận chuyển tăng phi mã… là những yếu tố đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng trong ngành dệt may.

Khó chồng khó, ngành dệt may nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng trong ngành dệt may đã đứt gãy đến 90%. Ảnh: Trọng Nghĩa

“Chuỗi cung ứng trong ngành dệt may gần như đã bị tê liệt trong thời gian qua. Nếu tình hình không được cải thiện, uy tín của ngành dệt may Việt Nam sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng trong mắt khách hàng thế giới”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận định.

Theo ông Giang, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, hoạt động sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp dệt may ở các tỉnh phía Nam phải tạm ngưng. Ngoại trừ doanh nghiệp trong ngành dệt, sợi còn tổ chức sản xuất thì 35% doanh nghiệp ngành may đóng cửa, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn.

Vẫn có những doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm" nhưng tình hình cũng không khá hơn. Theo bà Lê Uyên Trang Nhã, Tổng giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam (TPHCM), để duy trì hoạt động sản xuất, công ty phải lo chỗ ăn, ở cho công nhân ngay tại nhà máy. Chi phí sản xuất cũng từ đó mà đội lên, bình quân mỗi công nhân ở lại làm việc công ty phải chịu thêm 100.000 đồng người/ngày. “Hiện 150 công nhân, chiếm 1/2 số lượng lao động của công ty, đang còn ở lại làm việc thì mỗi tháng chúng tôi phải bù thêm 450 triệu đồng”, bà Trang Nhã nói.

Ngoài việc tiêu tốn thêm chi phí sản xuất, tâm lý của người lao động ở lại làm việc cũng không ổn định, dẫn đến việc năng suất sụt giảm từ 20-30%. Gần đây một số công ty phải đối mặt với tình trạng công nhân không chịu ở lại làm việc khi xuất hiện những công ty có người nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tình trạng người lao động rời TP.HCM về địa phương tránh dịch. Khả năng người lao động quay lại khi dịch được kiểm soát là một thách thức lớn. Ông Giang dự đoán tỷ lệ quay lại chỉ đạt 60-65%. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng trong thời gian tới.

Hoạt động sản xuất đình trệ, quá trình vận chuyển hàng hóa không thuận lợi giữa các địa phương cũng góp phần vào việc chuỗi cung ứng trong ngành may đứt gãy. Theo Vitas, với việc thực hiện theo chỉ thị 16 của Chính phủ hoạt động vận chuyển nguyên liệu từ Nam ra Bắc bị kiểm tra gắt gao. Một số doanh nghiệp trong miền Nam vẫn có nhà xưởng ngoài Bắc, tuy nhiên việc dịch chuyển đơn hàng ra đó sản xuất là không thể ở thời điểm này.

Việc đi lại trong nước gặp khó, hoạt động xuất khẩu cũng khó không kém. Chi phí vận chuyển trong thời gian qua đã lên rất cao, đến thời điểm hiện tại giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Việt Nam sang châu Âu đã vượt ngưỡng 11.000 đô la Mỹ.

Tuy giá cước vận chuyển lên cao nhưng để thuê được container và tìm được tàu vận chuyển cũng chông gai. Tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng Cát Lái làm các doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng trong những ngày gần đây đã nói lên điều đó.

“Chính vì những yếu tố này đã khiến chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may đứt gãy đến 90%”, ông Giang cho biết.

Khó khăn đã được chỉ rõ, nhưng điều quan trọng là lời giải cho những khó khăn này hiện tại gần như không có. Ông Giang cho biết, trong thời gian qua Vitas đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ có những cơ chế ưu tiên cho ngành dệt may tiếp tục hoạt động. Cụ thể, với những huyện ở các tỉnh phía Nam nếu không có trường hợp nhiễm bệnh trong 15 ngày thì cho phép doanh nghiệp sản xuất bình thường, với điều kiện doanh nghiệp đó đảm bảo thực hiện quy tắc 5K của Bộ Y tế. Tuy nhiên kiến nghị này vẫn chưa được Chính phủ đồng ý.

Các vấn đề về giá cước, thời gian vận chuyển thì đã tồn tại trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa hạ nhiệt. Trong khi phía khách hàng đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết. Khách hàng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam trả lời chính xác thời điểm sản xuất trở lại, nhưng điều này gần như không thể. Vì thế không ít đối tác đã rời Việt Nam, quay trở lại các nước như Bangladest, Myanmar để đặt hàng.

Trước những khó khăn đó, Vitas cho rằng nếu từ đây đến tháng 9 mà Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, ngành dệt may sẽ chịu nhiều tổn thất. Ngoài việc mất đơn hàng, uy tín của các doanh nghiệp ngành may Việt Nam sẽ sứt mẻ trong mắt khách hàng thế giới. Từ đó, để giữ được vị trí thứ 2 là nước cung ứng hàng dệt may toàn cầu là rất khó, bên cạnh đó chỉ tiêu đạt 39 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 cũng không thể hoàn thành.

Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, tỷ lệ được tiêm vaccine của ngành dệt may hiện nay còn rất thấp. Do đó việc lớn nhất mà ngành dệt may mong muốn là toàn bộ công nhân trong ngành được sớm tiếp cận với nguồn vaccine. Ngành dệt may cũng là 1 trong 4 hiệp hội cùng nhau gửi công văn tới Thủ tướng, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine để tiêm cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới