Khó có thể vừa nhanh vừa bền vững
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) – Nghị quyết của Chính phủ về mục tiêu phát triển kinh tế năm 2011 đã đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Đây có thể xem là sự thay đổi bước đầu về quan điểm phát triển, nhưng sự thay đổi này có thể bị lu mờ khi mà Việt Nam vẫn đeo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn năm trước, cụ thể là 7-7,5%.
Đây là tốc độ mà nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho là quá nhanh và nó khiến cho việc kiềm chế lạm phát ở mức một chữ số trong năm nay trở nên khó khăn hơn.
Phát triển nhanh và bền vững là ước muốn của Việt Nam nhiều năm qua và sẽ tiếp tục là mục tiêu trong nhiều năm tới. Mục tiêu này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020.
Qua hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, chúng ta đã làm được vế đầu là tăng trưởng nhanh, nhưng tính bền vững của nền kinh tế thì ngày một đi xuống. Trong bối cảnh yếu tố tăng vốn đóng vai trò chủ đạo đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế, cụ thể là đến 60% GDP như hiện nay, phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu vô cùng khó khăn. Nó cũng khó như yêu cầu một người lái xe vừa phải duy trì tốc độ cao vừa phải bảo đảm an toàn.
Năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng 6,78%. Để có được thành quả này, Việt Nam đã phải đánh đổi bằng tỷ lệ lạm phát lên đến 11,75%, mức nhập siêu tuyệt đối 14,2 tỉ đô la Mỹ (không tính xuất vàng và kim loại quý).
Mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là gia tăng sự sung túc và cải thiện mức sống của người dân. Nhưng trong điều kiện tăng trưởng phải đánh đổi bằng lạm phát cao, nền kinh tế luôn trong trạng thái bất ổn, thì đời sống người dân chẳng những khó có thể được cải thiện, mà một bộ phận không nhỏ còn lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng giống như một vận động viên chạy nước rút đã chạy một quãng đường dài. Vấn đề đặt ra là nếu cứ tiếp tục như thế, chúng ta sẽ duy trì được bao lâu? Giải pháp khôn ngoan hiện nay là giảm tốc độ để nền kinh tế có cơ hội lấy lại thăng bằng. Đó cũng là điều người dân mong mỏi – kinh tế tăng trưởng chậm đi một chút, nhưng cuộc sống được ổn định hơn.
Các giải pháp Chính phủ đề ra cho năm 2011 đã bao hàm hầu hết những việc cần làm, nhằm lấy lại sự ổn định cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sự chỉ đạo trong thực tế của Chính phủ có đủ mạnh, đủ cương quyết hay không để có thể khắc phục việc chạy theo thành tích tăng trưởng bằng mọi giá, vốn đã trở thành thói quen từ lâu nay. Đặc biệt là các quyết sách liên quan đến đầu tư công và hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước. Chỉ đến khi nào các chỉ tiêu như hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động được các cấp quản lý, doanh nghiệp nhà nước thực sự xem trọng thay cho chỉ tiêu tăng trưởng, thì khi ấy nền kinh tế Việt Nam mới có thể đạt được sự bền vững.
Cũng chính vì thế mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới là “ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế…”, trước khi nói đến yêu cầu “bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”.