Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khổ dài vì biện pháp chống dịch vẫn “trăm hoa đua nở”

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) gần đây nhất, hôm 24-11, đã nhắc lại đề nghị của họ về việc phải có “một chính sách chống dịch nhất quán trên toàn quốc”. Theo bà Mary Tarnowka, Giám đốc AmCham Việt Nam, đây được xem là mối quan ngại rất lớn của doanh nghiệp Mỹ khi mở cửa hoạt động sản xuất trở lại(*).

AmCham cho biết kết quả khảo sát trong hội viên của họ cho thấy có đến 79% số doanh nghiệp Mỹ cảm thấy cách thực thi chống dịch trong điều kiện mới của các tỉnh chưa nhất quán. Nhiều nơi vẫn áp dụng chính sách cách ly F1 tại nhà kể cả khi họ đã tiêm vaccine và có xét nghiệm âm tính.

Từ đầu tháng 10, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800/QĐ-BYT hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Có thể nói đây là hai bộ khung pháp lý và chuyên môn mà các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp phải tuân thủ triệt để.

Tuy nhiên, đã gần hai tháng trôi qua từ khi có hướng dẫn này, các biện pháp chống dịch vẫn mỗi nơi mỗi kiểu, không theo quy chuẩn nào. Việc áp dụng “đa chuẩn” vẫn phổ biến từ quy mô nhỏ như cửa hàng, siêu thị đến quy mô lớn hơn là một địa phương.

Hiện tại, khi đến siêu thị Satra ở Bình Hưng (Bình Chánh) mua sắm thì khách hàng vẫn bị buộc bước vào phòng khử khuẩn, phun hóa chất trực tiếp vô người dù từ đầu tháng 8 năm nay, Bộ Y tế đã yêu cầu không được phun hóa chất trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất(**).

Ở cấp địa phương thì chính sách chống dịch càng “đa dạng” hơn. Trong khi Chính phủ đã quy định khai báo y tế toàn quốc chỉ dùng một ứng dụng (app) PC-Covid, nhưng hiện nay tỉnh Lâm Đồng chỉ chấp nhận app VHD, còn tỉnh Đồng Tháp thì bắt buộc khai báo qua app VNEID. Lâm Đồng còn đi xa hơn là không công nhận giấy xét nghiệm Covid-19 của nơi khác cấp, chỉ có giấy xét nghiệm của cơ quan y tế trong tỉnh này cấp mới có giá trị.

Một số địa phương còn có các quy định chống dịch riêng như tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh thành khác ở đồng bằng sông Cửu Long cấm người dân ra đường vào ban đêm. Theo một số chuyên gia, hạn chế ra đường ban đêm không có tác dụng chống dịch vì ban ngày người dân sẽ đi ra đường nhiều hơn do họ vẫn phải đi lại để giải quyết các nhu cầu công việc của mình.

Một quyết định khác cũng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp là trong khi Bộ Y tế cho phép cách ly F1 tại nhà thì Hà Nội vẫn duy trì cách ly tập trung tại bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, dù F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các doanh nghiệp và người dân mong muốn, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng khi đưa ra các biện pháp phòng chống dịch thì cần dựa trên cơ sở khoa học. Một quy định chống dịch, khi ban hành, phải lý giải được tại sao phải áp dụng, dựa trên cơ sở khoa học nào. Việc ban hành quy định không dựa vào cơ sở khoa học chỉ gây phiền phức cho người dân và cần chấm dứt.

———–

(*)https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-my-cam-ket-rot-them-von-dau-tu-vao-viet-nam/

(**)https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/bo-y-te-yeu-cau-khong-phun-hoa-chat-khu-khuan-ngoai-troi-va-vao-nguoi

1 BÌNH LUẬN

  1. Bên cạnh ứng dụng (app) và nhiều thứ trăm hoa đua nở, bảng biểu cảnh báo Covid cũng có thực trạng tương tự. Thay vì đặt những bảng cảnh báo to tướng trước nhà/ công sở/ ngõ/ hẽm … với ngững ngôn từ hình sự, thì chỉ cần thiết kế một biển F0/ F1 tương tự biển cảnh báo giao thông là đẹp, vừa lịch sự, văn minh, vừa tiết kiệm, không gây phản cảm. Chuyển đổi chiến lược chống dịch từ phong tỏa/ truy nã toàn diện sang thích ứng an toàn/ linh hoạt không chỉ chú trọng đến việc lớn mà cả những việc nhỏ nhất cũng cần phải quan tâm và thay đổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới