Chủ Nhật, 26/03/2023, 05:54
25 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Khó đạt mục tiêu cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó đạt mục tiêu cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa

Minh Tâm

Khó đạt mục tiêu cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa
Giảm thời gian thông quan hàng hóa, tính từ khi bắt đầu làm tờ khai hải quan đến hàng về kho doanh nghiệp, không chỉ phụ thuộc ở ngành hải quan. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Đến thời điểm hiện tại, nhiều văn bản đã được Nghị quyết 19 của Chính phủ chỉ đích danh phải loại bỏ hay sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa được thực hiện. Các chuyên gia và doanh nghiệp bày tỏ lo ngại, mục tiêu giảm số giờ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu xuống bằng các nước tiên tiến trong ASEAN (mức 13 – 14 giờ) đến hết năm 2015 như đã đề ra trong Nghị quyết 19 sẽ khó thành hiện thực.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh – nhìn từ lĩnh vực hải quan” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức hôm nay, 11-8 đã thẳng thắn cho rằng mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc giảm số giờ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đến hết năm 2015 phải đạt nhóm ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Brunei) là 13-14 ngày và đến năm 2016 phải đạt nhóm ASEAN 4 (tức 10 – 12 ngày) là rất tham vọng và thách thức.

Ở thời điểm hiện tại, theo ông Cung, việc sửa đổi những văn bản đã được điểm danh là gây cản trở cho hoạt động thông quan hàng hóa qua biên giới vẫn còn chậm, chẳng hạn như Nghị định 187. Chậm so với yêu cầu của nghị quyết cũng như sự chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Cung chia sẻ, theo quan sát của ông, ngành hải quan thời gian qua đã chủ động và tích cực cải cách. Tuy nhiên, chỉ ngành hải quan là chưa đủ. Nghị quyết 19 đã chỉ ra gần 300 văn bản liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu phải sửa đổi và cần có sự hợp tác giữa nhiều cơ quan, bộ ngành. Vậy nhưng, hiện tại một số bộ tích cực, một số bộ thì chưa. Công việc đáng lẽ của một tuần thì kéo hàng tháng, việc của một tháng thì kéo thành một quí. “Sửa đổi 1 thông tư, một bộ làm trong một tháng là xong vì thông tư nằm ở thẩm quyền các bộ, thậm chí chỉ một tuần. Nhưng việc như vậy vẫn chưa thực hiện”, ông Cung nói.

Ông Nguyễn Văn Thân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp rất mong đợi Nghị quyết 19 vì việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ giúp giảm chi phí đầu vào qua đó kéo giảm giá thành để đầu ra thấp, tiêu thụ hàng hóa dễ hơn. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hiện tại vẫn chưa nắm rõ các thủ tục, quy định. Vì vậy, ông Thân không lạc quan đến cuối năm nay sẽ đạt được những mục tiêu như Nghị quyết 19 đặt ra vì “phụ thuộc nhiều thứ và nhiều thứ chưa sửa được”.

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, việc cắt giảm giờ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu vướng ở khâu kiểm tra chuyên ngành còn bản thân ngành hải quan đã cải cách nhiều, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nghĩa là hàng cứ đi rồi kiểm tra sau, bỏ hết các thủ tục hành chính trong thông quan mà chuyển sang sau thông quan.

Hiện tại, hải quan thực hiện theo 19 luật, 54 nghị định và hàng trăm thông tư, quyết định… Đến thời điểm này, ngành hải quan đã phối hợp với các bộ ngành để rà soát và có ý kiến với 9/19 luật, 19/54 nghị định, 126/186 văn bản, chỉ ra những văn bản nào cần thay đổi cấp thiết và bản thân nhiều bộ ngành đã sửa đổi và kết nối với cổng thông tin của hải quan.

“Lãnh đạo các bộ đều ủng hộ, chỉ đạo cương quyết. Nhưng vì thay đổi toàn bộ bộ thủ tục hành chính, hệ thống công nghệ thông tin theo bộ thủ tục đó cần có thời gian. Việc chuyển đổi cũng không phải đơn giản, nhất là những bộ kiểm tra chuyên ngành, đa ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế”, ông Anh nói thêm.

Với tình hình hiện tại, ông Cung cho rằng, các bộ ngành cần chủ động, sáng tạo và thực sự quyết tâm thì mới có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng và thách thức mà Nghị quyết 19 đề ra. Bản thân lãnh đạo các bộ phải theo dõi, bám sát từng nhiệm vụ, chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện để khen thưởng những người làm được và thay thế những người không làm được.

Xem thêm:

Thủ tướng không hài lòng về cải thiện môi trường kinh doanh

Không chỉ là ngành hải quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới