Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó đạt tăng trưởng 3% kim ngạch xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó đạt tăng trưởng 3% kim ngạch xuất khẩu

Mộng Bình thực hiện

Ông Lê Đăng Doanh – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Việt Nam sẽ phải đạt kim ngạch gần 6,5 tỉ đô la Mỹ (khoảng 111.150 tỉ đồng) cho mỗi tháng còn lại của năm 2009 thì mới đạt chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu gần 65 tỉ đô la Mỹ, tăng 3% so với năm 2008. Nhưng tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thuộc Viện nghiên cứu Phát triển cho rằng chỉ tiêu này cũng rất khó đạt được trong tình hình hiện nay.

Ông Doanh đã trao đổi thêm với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề trên bên lề hội thảo có chủ đề “Doanh nghiệp tận dụng thời cơ hậu khủng hoảng” được tổ chức bởi Công ty tư vấn Sao Việt và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM ngày 15-8.

– TBKTSG Online: Phải chăng chúng ta vẫn có cơ sở để hy vọng tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng 3% so với năm ngoái?

– Ông Lê Dăng Doanh: Chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cho năm 2009 đã được điều chỉnh giảm xuống còn tăng 3% so với chỉ tiêu ban đầu, nhưng theo tôi chỉ tiêu này cũng rất khó đạt được.

Nếu năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu có thể duy trì ở mức tăng 0% đã là một thành tích rồi, bởi vì trên thế giới xuất khẩu của Nhật giảm 40% và các nước khác cũng giảm rất nhiều.

Việt Nam có thể duy trì ở mức bằng năm ngoái là tốt rồi, do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là các mặt hàng thiết yếu. Khi thu nhập bị giảm thì người ta không mua ô tô, tivi, bàn ghế, giường tủ mới nhưng vẫn phải mua giầy dép, quần áo… Việt Nam vẫn bán được gạo, cá basa cho dù giá có giảm.

Khó khăn, thiệt hại lớn nhất của Việt Nam là giá các mặt hàng xuất khẩu giảm nhiều quá vì nhu cầu giảm, cạnh tranh gay gắt hơn và các nhà nhập khẩu cũng ép giá các nhà xuất khẩu, do đó chúng ta bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể tăng về lượng hàng xuất khẩu nhưng về mặt giá trị thì chúng ta khó có thể đạt được mức như mong đợi.

– Ý ông là việc đạt kim ngạch xuất khẩu tăng 3% là nhiệm vụ bất khả thi?

– Tôi không dám nói là bất khả thi, nhưng theo tôi hiểu thì rất khó để biến thành hiện thực. Cũng không nên lấy chỉ tiêu 3% này để đánh giá là Việt Nam không hoàn thành nhiệm vụ về xuất khẩu. Theo tôi trong tình hình biến động như thế này thì nên có một cách tiếp cận cầu thị, linh hoạt… để tránh nói rằng Bộ Công Thương không hoàn thành nhiệm vụ, vì bộ cũng đâu thể ấn định được giá xuất khẩu trên thế giới.

Tôi nghĩ việc tăng lượng xuất khẩu chưa chắc là giải pháp tốt nhất và đôi khi còn gây thiệt hại. Nếu không đạt được chỉ tiêu tăng 3% thì không nên coi đây là một vấn đề quá nghiêm trọng. 

– Kinh tế Mỹ vẫn còn đầy khó khăn nhưng tại sao tại hội thảo ông lại khuyên các doanh nghiệp vẫn ưu tiên tập trung vào thị trường này?

– Dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng Mỹ vẫn là thị trường rất lớn, phong phú, đa dạng và là thị trường của hơn 1 triệu người Mỹ gốc Việt. Cho nên tôi nghĩ chúng ta vẫn phải nỗ lực rất lớn để tăng thị phần của chúng ta ở thị trường này. Cũng xin lưu ý là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa chiếm lĩnh tỉ trọng cao trong tổng các hàng nhập khẩu của Mỹ vì cà phê mới có khoảng 8%, giầy dép chỉ có 4% còn các mặt hàng khác thì thấp hơn. Do vậy, chúng ta còn tiềm năng để nâng cao hơn. Về lâu dài, thị trường Mỹ vẫn là thị trường quan trọng đối với chúng ta.

Để thâm nhập tốt hơn vào thị trường này, các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt để họ giúp đỡ cho mình hiểu về các tiêu chuẩn, chất lượng… và cũng giúp bao tiêu sản phẩm. Sau khủng hoảng sẽ có điều chỉnh tại thị trường Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải tiết kiệm hơn và chính phủ Mỹ sẽ phải có điều chỉnh vì họ không thể tiếp tục bội chi ngân sách mãi. Doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt thông tin, đẩy mạnh liên kết hợp tác và nghiên cứu thị trường để kịp thời biết được những thay đổi tại thị trường này.

– Nhiều chuyên gia khuyên các doanh nghiệp cũng không nên quá lệ thuộc vào thị trường Mỹ mà phải cần tìm thị trường mới để tránh rủi ro. Làm sao các doanh nghiệp trong nước, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể làm tốt cả hai vì tiềm lực của họ có hạn?

– Đúng là một doanh nghiệp quá nhỏ không thể phân phối sức tốt vừa tại thị trường này và vừa tại thị trường kia được. Do vậy, các duy nhất là doanh nghiệp phải liên kết, hợp tác và có sự phân công hợp lý. Mỗi doanh nghiệp có chuyên môn, thế mạnh về một thị trường nào đó.

Tôi biết ở TPHCM có những doanh nghiệp chuyên sản xuất những mặt hàng cho các nước Ả Rập từ lâu rồi và khi có đã có được chữ tín tại thị trường này rồi thì họ xuất các mặt hàng “rất khỏe.” Điều này có nghĩa là ngoài chuyên môn, các doanh nghiệp phải mở rộng quy mô sản xuất để có thể đáp ứng các đơn hàng lớn và chiếm lĩnh nhiều thị trường.

– Ngoài thị trường Ả Rập, đâu là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh bán hàng khi các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là châu Âu, Nhật và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt?

– Cần phải lưu ý đến thị trường Trung Quốc vì Trung Quốc đang dịch chuyển từ một nền kinh tế xuất khẩu sang kinh tế tiêu dùng. Người Trung Quốc đang xài nhiều hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường này thay đổi. Các doanh nghiệp Việt Nam phải xem xét cơ hội để đẩy mạnh các sản phẩm mà thị trường này cần, trước hết là phần phía Nam của Trung Quốc như Vân Nam và Quảng Tây. Đây là phần thị trường mà các mặt hàng giầy dép Biti’s và một số mặt hàng của Việt Nam đã vào được.

– Xin cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới