Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó dự đoán giá cà phê trong vụ mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó dự đoán giá cà phê trong vụ mới

Ngọc Hùng

Khó dự đoán giá cà phê trong vụ mới
Một người dân ở Đăk Lăk đang phơi cà phê. Ảnh: NH

(TBKTSG Online) – Hiện giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã vọt lên mức 40.000-41.000 đồng/kg nhưng nông dân, công ty không còn nhiều hàng để bán mà phải chờ vụ 2016-2017 sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 10 này. Với tình cảnh "giá lên thì hết hàng", một câu hỏi nơi nhiều nông dân là liệu giá cà phê sẽ ổn định hay có những biến động thế nào trong niên vụ tới.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết, giá cà phê trên thị trường bắt đầu tăng trở lại từ tháng 6 sau một thời gian giảm. Và khi giá lên, lượng cà phê bán ra của Việt Nam cũng tăng dần theo và đến nay, cuối tháng 9 tức là đã cuối vụ 2015/2016, lượng cà phê trong doanh nghiệp, người nông dân không còn nhiều.

Ông Hải cũng cho biết thêm, năm nay do lo ngại sẽ lặp lại “kịch bản cũ” của năm trước nên giá cà phê có dấu hiệu tăng là doanh nghiệp chốt giá để bán thay vì tiếp tục giữ lại để chờ giá lên. “Năm ngoái khi giá cà phê lên, đã có nhiều doanh nghiệp giữ lại không bán ra với kỳ vọng giá tiếp tục tăng nhưng sau đó giá lại giảm, doanh nghiệp trữ hàng thua lỗ. Còn năm nay, giá cà phê tăng nhưng doanh nghiệp không giữ lại mà quyết định bán để chuẩn bị cho vụ cà phê mới”, ông Hải cho biết.

Điều này được thể hiện khá rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cụ thể, tháng 4-2016, giá xuất khẩu bình quân là 1.698 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 18% so với thời điểm cùng kỳ, sau đó, tăng lêm mức 1.713 đô la Mỹ/tấn trong tháng 5, và đến tháng 7 là 1.754 đô la Mỹ/tấn.

Giá thế giới tăng kéo theo giá trong nước cũng tăng tương ứng, vào tháng 4, giá cà phê nội địa dao động ở mức 33.000 -35.000 đồng/kg, sau đó liên tiếp tăng lên và hiện ở mức 40.000 – 41.000 đồng/kg. Như vậy, sau 4 tháng, giá cà phê nội địa đã tăng thêm 7.000 đồng/kg, tương đương 21%.

Tổng hợp lại, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trong những tháng qua, theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2016 đạt 1,27 triệu tấn, giá trị thu về là 2,25 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 40% về khối lượng nhưng chỉ tăng gần 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Ở Việt Nam, niên vụ cà phê thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc thu hoạch vào cuối năm. Theo một số nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng, tại tỉnh này, niên vụ cà phê 2016/2017 có thể bắt đầu muộn hơn vài tuần so với thông lệ hằng năm do thời gian qua, Tây Nguyên bị hạn hán đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và tạo hạt của cây cà phê.

Đối với đa phần nông dân, trước mỗi vụ cà phê, câu hỏi thường được quan tâm nhiều nhất là giá cá phê như thế nào trong thời gian tới và liệu giá cà phê vào đầu vụ 2016/2017 có ổn định như thời điểm hiện nay hay dao động lên xuống. Câu hỏi này, theo VICOFA, là rất khó trả lời.

Ông Hải chỉ cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên sản lượng cà phê trong niên vụ tới có thể giảm. VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2016/2017, sản lượng cà phê của Việt Nam giảm khoảng 20-25%so với niên vụ trước.

Những năm qua, có một điều dễ nhận thấy là khi các quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Việt Nam phát đi thông tin mất mùa cà phê do hạn hán, biến đổi khí hậu, thì giá cà phê thường tăng.

Tuy nhiên, không phải quy luật này đều đúng vì cà phê còn bị chi phối bởi các nhà đầu cơ. Theo VICOFA, khoảng 98% lượng cà phê giao dịch trên thế giới là hàng giấy, chỉ có 2% là hàng thật, và giá cà phê tăng hay giảm không chỉ do bên sản xuất như Brazil hay Việt Nam quyết định.

Xem thêm:

>>> Giá cà phê rục rịch tăng do nắng hạn

>>> Tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam để quảng bá sản phẩm

>>> Cà phê: Một niên vụ thất bát

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới