Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó huy động vốn cho chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng mới tại Việt Nam đang đối mặt với rào cản về chi phí và thương mại.

Tại tọa đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam” ngày 22-6, ông Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương – cho biết Việt Nam đang đối mặt với hai thách thức gồm nguồn tài nguyên sơ cấp truyền thống như than, thuỷ điện đang suy giảm nhanh chóng, khó khăn trong huy động lượng vốn lớn cho quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang dạng năng lượng mới.

Theo tính toán nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn, lưới điện tại dự thảo quy hoạch điện VIII là gần 14 tỉ đô la Mỹ một năm, gồm 75% vốn cho nguồn điện, 25% vốn cho lưới điện. Nguồn vốn này chưa bao gồm chi phí thay đổi công nghệ, nhiên liệu cho chuyển đổi năng lượng.

Con số này, theo ông Hưng, đồng nghĩa với lượng vốn cần huy động để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững và giảm phát thải về 0 vào 2050 là rất lớn.

Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh minh hoạ: H. Thắng

Tương tự, ông Nguyễn Tài Anh – Phó tổng giám đốc EVN – cho biết chi phí chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng mới hơn như biomass, amoniac hay hydrogen trong tương lai là rất cao và chưa được chấp nhận thương mại.

“Có nhiều thách thức về chính sách, cơ chế để thực hiện và đảm bảo chuyển đổi năng lượng thành công nhưng chi phí phải hợp lý nhất”, ông Tài Anh cho biết.

Ông Nguyễn Thái Hà – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng thuộc Tập đoàn T&T – cũng thừa nhận chuyển đổi năng lượng đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ với nguồn vốn rất lớn nên cần có sự tham gia tham gia của nhiều bên.

Còn ông Deepak Maloo – Giám đốc mảng điện gió, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn GE (Mỹ) – cho rằng tài chính, giá hợp lý là bài toán hóc búa mà bất kỳ quốc gia nào cũng gặp trên con đường chuyển đổi năng lượng sạch hơn. Nhưng ông cho rằng, phát triển tích hợp các nguồn năng lượng song hành cùng ứng dụng công nghệ sẽ giải quyết được bài toán này.

Bên cạnh vấn đề chi phí, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết năng lực và trình độ công nghệ trong nước hiện còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho sử dụng hiệu quả năng lượng mới và tái tạo chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng hiện ở mức thấp, đồng thời thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy.

Để thu hút đầu tư vào dạng năng lượng mới thân thiện với môi trường, ông Nguyễn Thái Hà cho biết doanh nghiệp cần có sự đảm bảo về các chính sách được thực thi liên tục, dài hạn và ổn định.

“Các chính sách cần cụ thể hơn trong việc huy động vốn của các tổ chức nước ngoài, đơn giản nhất là hợp đồng mua bán điện. Chúng tôi rất cần các quy hoạch về tổng thể không gian biển, các hướng dẫn chi tiết về lắp đặt, khảo sát, đo gió”, ông Hà nói.

Ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) – kiến nghị thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ, cơ chế cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS). Cơ chế BESS có thể hoạt động như một nguồn tích hợp để cung cấp nguồn dự trữ khi xảy ra chênh lệch giữa cung và cầu trong hệ thống điện (sự cố tổ máy, giảm đột ngột thế hệ năng lượng tái tạo…).

“Nếu thiếu cơ chế phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ thì rất khó đưa BESS, nguồn phân tán… vào vận hành chung trong hệ thống điện, thị trường điện khi chuyển đổi năng lượng”, ông Ninh cho biết.

Cũng theo ông, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy các chương trình điều chỉnh phụ tải điện thương mại nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của tải trọng dựa trên thị trường. Đồng thời, cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về vận hành hệ thống điện và thị trường.

Ông Sean Lawlor – chuyên gia năng lượng thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam – cho rằng các cơ quan quản lý cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng – vốn đã thực hiện từ 2019, và chuyển đổi nhiên liệu.

“Ngoài khai thác tối đa, hợp lý các nguồn điện tái tạo từ điện mặt trời, điện gió…, cần xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch dùng than sang LNG, biomass, amoniac hoặc hydrogen khi công nghệ đã được kiểm chứng, thương mại hoá”, ông Sean Lawlor nói và cho biết định hướng này sẽ giúp Việt Nam đạt các mục tiêu gồm phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới