Khó hy vọng cứu hạn, chống lũ với hồ thủy điện
Tấn Đức
(TBKTSG) – Việc thiết kế, xây dựng các hồ chứa nước của các dự án thủy điện, về nguyên tắc, phải bảo đảm cùng lúc cho ba mục tiêu: phát điện, chống lũ và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng trong thực tế, rất nhiều công trình thủy điện chẳng những chẳng giúp ích được gì cho công tác chống lũ và cấp nước, trái lại còn trở thành nguyên nhân làm cho lũ lụt, hạn hán thêm nghiêm trọng. Đó cũng là những gì đã xảy ra từ nửa cuối năm ngoái đến nay.
Sau hai trận bão kinh hoàng Ketsana và Mirinae xảy ra vào tháng 10 và 11 năm ngoái, công luận mới có cơ hội được biết rõ hơn về khả năng điều tiết lũ thực sự của các công trình thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ. Thông qua các bài viết trên phương tiện truyền thông đại chúng, các chuyên gia về thủy lợi và môi trường đã chứng minh nhiều nhà máy thủy điện chẳng những không giúp giảm tác hại của lũ lụt, mà còn làm cho nó có sức tàn phá ghê gớm hơn.
Đến mùa hạn hán năm nay, đến lượt vai trò bổ sung nguồn nước tưới để chống hạn hé lộ. Việt Nam và một số nước trong khu vực đã phải hứng chịu một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.
Lẽ ra, tình trạng đã không đến mức nghiêm trọng như vậy, nếu không bị những hồ chứa ở đầu nguồn những con sông lớn như Mêkông, sông Hồng và hàng loạt những con sông khác nhỏ hơn… lấy đi hàng tỉ mét khối nước để dành phát điện.
Theo nguyên tắc, thiết kế hồ chứa của các nhà máy thủy điện luôn phải chừa một phần dung tích để chứa nước nhằm chống lũ trong mùa mưa bão và cung cấp nước tưới vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, đợt kiểm tra các dự án thủy điện của Bộ Công Thương tiến hành vừa qua cho thấy, điều này chỉ được tuân thủ ở những công trình lớn, là đối tượng được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ở cấp trung ương.
Riêng những dự án thủy điện nhỏ, việc bảo đảm các chức năng điều tiết lũ và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp hầu như đã không được chủ đầu tư quan tâm. Nhưng ngay cả những dự án được thiết kế để làm chức năng điều tiết nước, chưa chắc đã có thể thực hiện trong thực tế, nhất là đối với những dự án ở khu vực Tây Nguyên, nơi các hồ chứa được xây trên nền đất bazan xốp, có độ thấm nước cao và tốc độ xói mòn, bồi lắng lớn.
Thông thường, phần dung tích dành cho việc điều tiết lũ và cứu hạn của những hồ chứa được thiết kế cho chức năng này chỉ sâu vài mét nước. Do đó, nó sẽ nhanh chóng mất đi tác dụng do quá trình bồi lắng. Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết hồ thủy điện Hòa Bình, dù là một trong những hồ có tốc độ bồi lắng chậm nhất, nhưng đến nay đáy hồ đã bị bồi lắng, nâng cao đến hàng chục mét.
Giáo sư Vũ Trọng Hồng, Tổng thư ky Hội Thủy lợi, cho biết do đất xốp và độ thấm nước cao, tốc độ bốc hơi lớn vì mùa khô rất nóng, nên các hồ thủy điện ở Tây Nguyên và miền Trung thường phải làm rộng hơn so với ở các tỉnh miền Bắc. Điều đó đồng nghĩa với rừng bị phá nhiều hơn, dẫn đến xói lở, bồi lắng mạnh hơn.
Sau trận bão Ketsana hồi tháng 10 năm ngoái, nhiều khu vực ở vùng hạ lưu thuộc miền Trung đã bị chôn vùi dưới hàng mét cát. Ông Hòe nói: “Sự kiện đó cho thấy tốc độ bồi lắng ở các hồ thủy điện trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên là rất lớn”. Ông dự báo, chỉ sau 10-20 năm vận hành, nhiều hồ thủy điện ở khu vực này có thể bị đất, cát lấp đầy và khi ấy nhà máy thủy điện sẽ mất và rừng cũng không còn.