Thứ Năm, 23/03/2023, 16:23
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Khó khăn chưa qua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó khăn chưa qua

Năm 2008 mặc dù GDP tăng trưởng 6,2%, nhưng tính đến cuối năm đã có năm vạn người bị mất việc, theo ESCAP. Ảnh: Thành Trung

(TBKTSG Online) – Các báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế gần đây đều có chung nhận định là nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trước mắt, cho dù nỗ lực của Chính phủ đang mang lại một số kết quả nhất định.

Trung tâm Dịch vụ thông tin Liên hợp quốc (ESCAP) nhìn nhận, mặc dù giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng cao kỷ lục hồi năm ngoái có tác dụng làm dịu bớt một phần những khó khăn của nền kinh tế, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 4% trong năm nay so với mức 6,2% năm 2008.

Phân tích của ESCAP lấy sự biến động của giá gạo xuất khẩu làm dẫn chứng cho thấy mức độ phụ thuộc của xuất khẩu Việt Nam vào một số nước, khi giá gạo tăng tới 150% từ tháng 1 đến tháng 5-2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quí 2 và quí 3-2008 tăng thêm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng khi giá gạo giảm xuống và cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 6,5% trong quí 4-2008 và giảm xuống 3,7% trong hai tháng đầu năm 2009.

“Sự phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu như thế làm cho Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro khi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản bị suy thoái. Nhưng nếu xuất khẩu không được duy trì, nó sẽ tác động trở lại đến tăng trưởng kinh tế”, Tiến sĩ Mia Mikic của ESCAP nói với TBKTSG Online trong cuộc họp báo mới đây ở Hà Nội.

Bà Mia Mikic nhấn mạnh, Việt Nam phải cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách kiểm soát chi tiêu công chặt chẽ khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp và dự kiến bội chi ngân sách sẽ ở mức 8% trong năm nay.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng năm nay thâm hụt tài khóa của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên mức 9,8% trong GDP, phần lớn là do sự suy giảm trong nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25%, tăng trưởng kinh tế chững lại và các biện pháp kích thích tài chính.

“Thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống còn 5,3% GDP vào năm 2010. Giá dầu thế giới được dự báo sẽ tăng vào năm 2010 (do đó nguồn thu từ dầu mỏ cũng tăng) và tăng trưởng kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy tổng thu của Chính phủ. Tổng chi tiêu sẽ giảm xuống do không có biện pháp kích thích tài chính lớn nào dự kiến sẽ được áp dụng trong năm tới”, ADB đánh giá trong báo cáo Triển vọng Kinh tế chấu Á mới đây.

Do thâm hụt tài chính lớn, nợ công và nợ có đảm bảo của nhà nước sẽ tăng từ mức 39,7% trong GDP năm 2008 lên mức 45,8% năm 2009. ADB dự đoán con số này sẽ giảm xuống còn 45,1% vào năm 2010 do thâm hụt tài chính thấp hơn và GPD danh nghĩa lớn hơn. Vì thế, gánh nặng nợ công vẫn duy trì ở mức vừa phải.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì kiến nghị Chính phủ nên đánh giá lại tác động của những điều chỉnh chính sách tiền tệ gần đây trước khi xem xét có nên nới lỏng tiền tệ hơn nữa không, đồng thời nên cải thiện hoạt động thị trường mở và quản lý tính thanh khoản.

Khuyến cáo thứ hai mà TS Mia Mikic của ESCAP đưa ra là các chính sách an sinh xã hội phải được thiết kế phù hợp để hỗ trợ các nhóm người nghèo trong thời điểm suy thoái hiện nay, đặc biệt khi 90% người nghèo hiện sống ở nông thôn.

“Khoảng năm vạn người bị mất việc cuối năm 2008 cũng làm một số hộ gia đình rơi vào tình trạng đói nghèo, vì vậy gói kích cầu của Chính phủ cần lưu ý nhiều hơn đến nhóm người này trong bối cảnh chỉ có 2% từ gói kích cầu dành cho các chính sách an sinh xã hội”, TS Mikic khuyến nghị.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới