Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn còn ở phía trước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó khăn còn ở phía trước

Các chuyên gia cho rằng trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên tập trung xây dựng thị trường cơ sở ở nội địa – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG) – Trong những năm vừa qua tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và kiều hối. Với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam (xuất khẩu tương đương 70% GDP), khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm sút nền kinh tế Việt Nam sẽ dễ dàng bị tổn thương.

Hiện tại, xuất khẩu ở Việt Nam đang gặp khó khăn về thị trường, giá cả, về thanh toán của các đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài, và cả về nguồn hàng trong nước.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nguyên liệu thô, trong đó ba mặt hàng hàng đầu là: gạo, dầu thô và than đá. Giá của các mặt hàng này hiện nay đều đã giảm đáng kể so với năm ngoái (gạo chỉ còn 580 đô la/tấn so với 1.100 đô la/tấn trong năm ngoái).

Các đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài cũng đang gặp khó khăn do tác động của nền kinh tế ở nước họ. Trước kia, các nhà nhập khẩu ở châu Âu hay Mỹ thường ứng trước một khoản tiền cho các nhà sản xuất Việt Nam để mua nguyên vật liệu nhưng nay họ không còn ứng nguồn tiền này nữa mà muốn các đối tác ở Việt Nam tự xoay xở.

Thêm vào đó nhu cầu nhập các mặt hàng gia công như quần áo, giày dép từ các nước phương Tây giảm mạnh. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Do các công ty, xí nghiệp không tìm được đơn đặt hàng, họ bắt buộc phải cắt giảm sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng và đến khi không thể cầm cự được nữa, các chủ công ty hoặc là tuyên bố phá sản hoặc là bỏ trốn.

Hậu quả là hàng trăm ngàn công nhân đã mất việc tại các khu công nghiệp. Số lượng lao động mất việc này có thể chọn lựa giữa sống vật vờ tại các thành phố lớn để tìm công việc mới hoặc về quê và sống dựa vào gia đình. Đời sống ở nông thôn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi người nhà từng làm việc ở nhà máy nay không còn gửi tiền về cho gia đình nữa.

Tương tự như vậy đối với những gia đình có người thân đang sinh sống hoặc lao động ở nước ngoài. Khi các thị trường lao động tiếp nhận nhiều công nhân xuất khẩu lao động người Việt như Qatar, Malaysia, Cộng hòa Séc đóng cửa và việc làm ăn của kiều bào tại Nga cũng như các nước khác trên thế giới không còn thuận lợi thì lượng kiều hối chuyển về không còn dồi dào như trước nữa.

Thậm chí do tình hình kinh doanh ở một số nước như Nga gặp khó khăn, dòng kiều hối còn chảy ngược từ Việt Nam sang Nga, Đức để cầm cự việc kinh doanh ở các khu chợ người Việt hoặc đơn giản là để giúp người thân mua vé về nước.

Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta không xuất khẩu được thì nên tiêu thụ ở thị trường nội địa, tận dụng cơ hội này để xây dựng một thị trường cơ sở cho doanh nghiệp thay vì cứ trông cậy vào xuất khẩu như trước đây

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, các nước lớn đang đau đầu tìm cách giải quyết tình hình suy thoái ở nước mình thì chắc chắn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị giảm đi. Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, tổng đầu tư vào các nước đang phát triển trong năm 2009 là 165 tỉ đô la, chỉ bằng một phần năm so với năm 2007. Với lượng tiền đầu tư từ nước ngoài khiêm tốn như vậy, sẽ rất khó khăn để tạo ra một phép màu để vực dậy nền kinh tế, tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân.

Nhìn vào đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, mấu chốt của việc thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế nằm ở chỗ giải quyết đầu ra cho lĩnh vực xuất khẩu vì có giải quyết được đầu ra, các công ty mới có thể phục hồi sản xuất và tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn lao động đã mất việc.

Bài phỏng vấn ông Trương Đình Tuyển “Quay về thị trường trong nước: Chậm còn hơn không” (TBKTSG số 12-2009) đưa ra một hướng giải quyết khá đúng trong tình hình hiện nay. Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta không xuất khẩu được thì nên tiêu thụ ở thị trường nội địa, tận dụng cơ hội này để xây dựng một thị trường cơ sở cho doanh nghiệp thay vì cứ trông cậy vào xuất khẩu như trước đây.

Giải quyết được bài toán đầu ra thì việc các cơ sở doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất đồng nghĩa với việc tạo ra công ăn việc làm. Để đạt được điều này, tất nhiên các doanh nghiệp không thể cứ sản xuất, gia công chính xác các mặt hàng trước đây dùng để xuất khẩu mà phải có sự điều chỉnh hợp lý về chi phí, mẫu mã để tạo ra sự phù hợp với đối tượng tiêu dùng trong nước. Đây là một công việc khó khăn và quả thật, cuộc khủng hoảng này là một cơ hội tốt để cho các doanh nghiệp xuất khẩu tạo chỗ đứng ở ngay thị trường nội địa.

Tuy nói rằng nếu không xuất khẩu được thì các công ty chuyển hướng sang thị trường nội địa nhưng điều đó không thật sự giúp Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế ngay lập tức. Do nền kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu nên chừng nào kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và EU-hai đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam, chưa hồi phục thì chừng đó kinh tế Việt Nam chưa thể trở lại tình trạng phát triển như trước đây.

TRỊNH VIỆT DŨNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới