Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn, dịch bệnh, hàng chục ngàn doanh nghiệp rời thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó khăn, dịch bệnh, hàng chục ngàn doanh nghiệp rời thị trường

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Chỉ trong 2 tháng đầu năm có đến hơn 28.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Giới phân tích dự báo với tình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế thì khả năng số doanh nghiệp rời thị trường sẽ tiếp tục tăng cao, nếu các chính sách hỗ trợ không kịp thời và nhanh chóng đi vào thực tế.

Hơn 300 sàn bất động sản phải đóng cửa vì khó khăn

Covid-19 kéo tăng trưởng bán lẻ xuống thấp nhất trong 7 năm

Khó khăn, dịch bệnh, hàng chục ngàn doanh nghiệp rời thị trường
Nhiều mặt bằng nhà phố trên địa bàn TPHCM được trả lại và được chủ rao cho thuê. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn thành lập mới

Báo cáo của Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay có đến 28.344 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi đó, lượng doanh nghiệp được thành lập trong khoảng thời gian này là gần 17.400.

Những doanh nghiệp phải từ bỏ "cuộc chơi" trên thương trường chưa hẳn nằm trong diện bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngay cả dịch Covid-19 chưa bùng phát trển toàn cầu thì doanh nghiệp trong nước cũng đã gặp nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương do quy mô quá nhỏ và khả năng ứng biến thấp. Các doanh nghiệp nhỏ đã phải rời khỏi thị trường khi có sự thay đổi về chính sách hoặc tác động bên ngoài.

Trong những tháng đầu năm 2020, sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó doanh nghiệp trong mọi ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh đã bị tác động ngay lập tức. Sự ngưng trệ hoạt động kinh doanh của các công ty du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng bán lẻ,  trung tâm thương mại… trong thời gian gần đây đã phần nào phản ánh được thực tế khó khăn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn và tài chính hạn hẹp, ít nguồn lực dự phòng, và cũng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng phương án khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chuyên gia Phạm Chi Lan, trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online, cho rằng doanh nghiệp nhỏ vốn đã khó khăn, đứng trước thử thách gây ra bởi dịch bệnh càng gần hơn với nguy cơ phá sản nếu không nhận được sự hỗ trợ ngay từ bây giờ.

Các trung tâm thương mại vắng khách vì dịch do Covid-19 -Ảnh: T. Hoa.

Theo thống kê của hội ngành nghề về môi giới bất động sản, đã có hơn 300 sàn giao dịch (chiếm 1/3 số sàn giao dịch có trên thị trường) phải đóng cửa trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiếu hàng để bán. Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ trên cả nước tạm ngưng hoạt động do vắng khách. Nhiều cơ sở trường mầm non tư nhân điêu đứng không có khoản thu nhập do học sinh nghỉ học,…

Hậu quả của dịch Covid-19 đã để lại cho ngành giáo dục và đe dọa sự phát triển cả về mặt kinh tế lẫn xã hội trong tương lai. Cụ thể, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. “Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí” là tiếng kêu của 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập trong kiến nghị thư về việc khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 3-3 vừa rồi.

Ngành giáo dục chỉ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài trong 6 tháng, gần 74% số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, lương cho người lao động, tiền lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm do ảnh hưởng dịch trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%.

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì Covid-19, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…

Đáng chú ý, khoảng 20% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết "không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh". Thực tế này cho thấy sự bị động của các doanh nghiệp, nhưng cũng phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thế xảy ra sau dịch.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn cũng sẽ ảnh hưởng nếu dịch kéo dài trong 6 tháng. Theo bà Lan, một số doanh nghiệp dệt may, da giày… cho biết khả năng nguyên phụ liệu tồn kho chỉ còn sử dụng cho sản xuất đến hết tháng 3 này hoặc tháng tới. Số rất ít kéo dài đến hết tháng 6 tới.

Trong khi hầu hết những doanh nghiệp này lại phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, do đó nếu dịch chưa dứt trước thời điểm trên thì sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất và phá đơn hàng của nhà nhập khẩu. "Một khi nhà nhập khẩu chuyển hướng đơn hàng sang thị trường khác thì rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam và cả người lao động vì sẽ mất luôn những khách hàng này về sau này", bà Lan nhận định.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất bị thiếu nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc do Covid-19, trong đó có ngành may mặc. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả

Ngoài việc tự cứu mình, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ họ, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, miễn lãi với thuế nộp chậm,… Chính phủ cũng cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, và giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông qua nhập nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước…

Bà Phạm Chi Lan cho rằng nếu dịch bệnh kéo dài thêm 3 tháng nữa thì tình thế sẽ vô cùng khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp bởi nguồn tài chính dự phòng cạn kiệt. Nhận định của bà Lan trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch SARS-CoV-2. Trong đó, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế lên tới 280.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp.

Cụ thể, chính phủ sẽ triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng sẽ tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí…

Đây là động thái quan trọng và cần thiết trong bối cảnh kinh tế – xã hội đang chịu những tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Theo bà Lan, trong bối cảnh hiện nay, sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người bị ảnh hưởng là biện pháp cần làm và phải thực hiện nhanh nhằm sớm mang lại hiệu quả trong thực tế.

Nhiệm vụ xây dựng chính sách và thực thi chỉ thị này thuộc về các bộ, ngành. Bà Lan tin rằng rút kinh nghiệm từ bài học thực thi gói hỗ trợ lãi suất 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2008-2009, các bộ ngành sẽ xác định đúng đối tượng, doanh nghiệp nào cần được hỗ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chứ không phải là bao cấp cho sự yếu kém hoặc đồng tiền vào tay nhà đầu cơ bất động sản… Do đó, không những không được để lâu, chính sách và tiền phải đến được với người dân, doanh nghiệp ngay, mà còn phải minh bạch, không để xảy ra tình trạng xin – cho.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới