Thứ Sáu, 22/09/2023, 07:56
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Khó nhưng vẫn phải làm!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó nhưng vẫn phải làm!

Quang Chung

Đủ kiểu kiến trúc trên đại lộ Đông-Tây. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Cảnh quan kiến trúc hai bên những con đường mới mở cần phải được kiểm soát, dù có muộn và khó. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tham dự cuộc tọa đàm “Thiết kế đô thị dọc các tuyến đường mới mở theo hướng nào, cách thức tiến hành ra sao cùng những tác động của nó” do TBKTSG phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và Hội Kiến trúc sư TPHCM tổ chức hôm 27-5-2010.

May áo khoác cho… đường mới

Hiện nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đang lập thiết kế đô thị dọc theo ba tuyến đường mới mở là đại lộ Đông-Tây, Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài và xa lộ Hà Nội mở rộng. Theo dự kiến, trong tháng 6 này, đồ án thiết kế đô thị dọc trục đại lộ Đông-Tây sẽ được trình lên UBND thành phố.

“Đại lộ Đông-Tây đưa vào sử dụng, lãnh đạo thành phố thấy kiến trúc hai bên đường nham nhở quá nên mới yêu cầu sở làm…”, ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, nói về nguyên nhân của việc lập thiết kế đô thị ba tuyến đường nói trên.

Nhưng thực ra, theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, câu chuyện thiết kế đô thị dọc theo các tuyến đường mới mở đã được đặt ra từ lúc thành phố làm đường Hoàng Sa, Trường Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), mở rộng đường Điện Biên Phủ và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi.

Chính sự thất bại trong ý định chỉnh trang, tổ chức lại không gian đô thị dọc theo các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi… đã để lại một hiện trạng kiến trúc chắp vá hôm nay. Hai con đường chạy dọc theo hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đẹp như thế nhưng kiến trúc mặt tiền lại quá lộn xộn, nhếch nhác.

Để tránh vết xe đổ, lần này, các tuyến đường mới mở như đại lộ Đông-Tây, Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội mở rộng được chính quyền TPHCM kiểm soát tình hình xây dựng (sau giải tỏa) bằng cách lập các thiết kế đô thị.

Thực tế, có đến trên 628 héc ta dọc theo đại lộ Đông-Tây và gần 600 héc ta dọc theo đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài đang được nghiên cứu để lập thiết kế đô thị. Có thể thấy, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang cố gắng khoác lên các tuyến đường này những bộ comp-lê sang trọng bằng những đề xuất rất cụ thể.

Chẳng hạn, đối với đại lộ Đông-Tây, để tạo một đường viền đô thị có nhịp điệu hài hòa theo nguyên tắc điểm cao nhất bắt đầu từ lõi trung tâm thành phố và thấp dần về hướng ngoại thành, sở đề xuất một số công trình như dự án phức hợp phường Cầu Kho 50 tầng, các khu khác ở quận 1, quận 5 từ 20-25 tầng; nhà phố liên kế khang trang thuộc khu dân cư hiện hữu cải tạo đủ điều kiện cấp phép xây dựng được xây tối đa 5 tầng + 1 trệt; nhà phố thuộc khu dân cư hiện hữu cải tạo không đủ điều kiện cấp phép xây dựng chỉ cho phép xây dựng sửa chữa theo nguyên trạng cấu trúc cũ hoặc cho xây dựng một trệt, một lầu; khu nhà lụp xụp thì chờ dự án cải tạo đầu tư nên chỉ được sửa chữa…

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, mục tiêu của thiết kế đô thị dọc các tuyến đường nói trên là để cấu trúc lại đô thị hợp lý hơn giữa bảo tồn và phát triển; tạo cảnh quan đô thị đẹp hơn; thu hút đầu tư phát triển đô thị hiệu quả hơn (kết hợp khai thác tối ưu quyền sử dụng đất); cải thiện môi trường đô thị xanh – sạch hơn; và lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị rõ ràng hơn. Vì thế, thiết kế đô thị được thiết lập trên cơ sở điều kiện hiện trạng; tính khả thi về kinh tế và quản lý; lý luận về phát triển đô thị và thiết kế đô thị; cũng như định hướng quy hoạch xây dựng của thành phố.

Không đơn giản

Ông Hồ Quang Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng lập thiết kế đô thị dọc đại lộ Đông-Tây rất khó vì thực hiện trên cơ sở “việc đã rồi”. “Chúng tôi rất xót khi những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử dọc đường Trần Văn Kiểu đã bị phá bỏ”, ông Toàn nói và cho biết thêm rằng hiện nay việc lập thiết kế đô thị phải nghiên cứu kỹ từng ô phố. Thế nhưng, đâu là giải pháp để bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị; giải pháp nào để tạo cảnh quan cho thành phố khi đất dành cho mảng xanh quá hiếm; phải làm sao để hướng dẫn việc xây dựng cho người dân trong số gần 30.000 hộ trong vùng nghiên cứu lập thiết kế?…

Ngoài ra, một điều nan giải nữa là việc lập thiết kế đô thị dọc tuyến đường này phải hoàn tất trong tháng 6 này nhưng phải đến cuối năm nay Ban quản lý dự án đại lộ Đông-Tây mới có bản vẽ hoàn công và giao cho thành phố quản lý. “Liệu từ nay đến khi dự án đại lộ Đông-Tây hoàn thành còn có sự thay đổi nào về lộ giới, về thiết kế… hay không”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Hội Kiến trúc sư TPHCM, đặt vấn đề.

Dù việc lập thiết kế đô thị cho các tuyến đường nói trên được nhiều chuyên gia tham dự cuộc tọa đàm cho là cần thiết nhưng định hướng và cách thức tiến hành cần phải được xem xét thận trọng. Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Hội Kiến trúc sư TPHCM, lưu ý rằng thiết kế đô thị phải dựa trên tính khả thi. “Nếu vẽ cho thật đẹp mà không thực hiện được thì cũng như không”, ông nói.

Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Hội Kiến trúc sư TPHCM, thì hiện trạng kiến trúc dọc các tuyến đường mới mở giống như một người mang nhiều bệnh tật; vì vậy cần phải xác định thứ tự ưu tiên để chữa. “Cần phải quyết các mối nối về lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và nhà quản lý cũng như mối nối không gian giữa đường với vỉa hè và giữa vỉa hè với công trình kiến trúc”, ông Tất nói.

Trong khi, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nếu lập thiết kế kiến trúc và không gian cho toàn bộ các tuyến đường như cách làm của Sở Quy hoạch Kiến trúc hiện nay thì sẽ “làm không xuể và không khả thi”. Ông Sơn cho rằng cần khoanh vùng và đặt ra kế hoạch về thời gian cũng như thứ tự các công việc ưu tiên thực hiện. “Chúng ta nên ưu tiên cho những khu vực có công trình kiến trúc cần bảo tồn trước rồi sau đó mới thực hiện những công trình tạo điểm nhấn thay vì làm dàn trải”, ông Sơn nói.

Kiến trúc sư Dương Hồng Hiến, Hội Kiến trúc sư TPHCM, cũng cho rằng nên xây những công trình tạo điểm nhấn ở những khu đất Nhà nước đang nắm quyền sử dụng. Còn theo ông Hồ Viết Vinh, trường Đại học Kiến trúc TPHCM, dọc trục đại lộ Đông-Tây nên phát triển các trung tâm thương mại cao tầng, chỉ hạn chế chiều cao ở những khu vực có công trình kiến trúc bảo tồn… Thế nhưng, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu lại cho rằng việc thiết kế nên giới hạn lại công việc và định lượng thời gian. “Cần thiết phải thuê tư vấn thiết kế cho từng vấn đề cụ thể khi lập thiết kế đô thị như về bảo tồn, cảnh quan, kiến trúc…”, ông Lưu nói.

Theo ông Võ Kim Cương, để có mỹ quan đô thị dọc các tuyến đường mới mở là một quá trình dài, có thể đến vài ba chục năm nên vấn đề quan trọng hiện nay là phải đưa ra được những quy định, quy chế để đảm bảo tính khả thi cho các công trình kiến trúc mới không bị chắp vá. Luật sư Trương Thị Hòa khẳng định rằng, về mặt pháp lý, chính quyền TPHCM hoàn toàn có thẩm quyền để lập ra các quy định về thiết kế đô thị. “Vấn đề là thiết kế đó phải minh bạch trước quyền lợi hợp pháp của người dân”, bà Hòa nói.

Kết thúc cuộc tọa đàm, ông Hồ Quang Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, vẫn tỏ ra băn khăn. Theo ông Toàn, hiện nay sở vẫn thiếu một yếu tố quan trọng để lập thiết kế đô thị cho các tuyến đường mới mở, đó là thiếu các nghiên cứu về kinh tế đô thị để ứng dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới