Khó tìm lao động đạt yêu cầu
Thu Nguyệt thực hiện
![]() |
Ông Kurimoto Mitshuharu, tổng giám đốc công ty chuyên cung cấp lao động cho các công ty Nhật Bản. Ảnh: Thu Nguyệt. |
(TBKTSG Online) – Thị trường tiềm năng, tăng trưởng kinh tế cao và lao động giá rẻ là những yếu tố khiến nhiều công ty nước ngoài quyết định hoạt động tại Việt Nam cách đây chục năm. Nhưng giờ đây, lao động đang là trở ngại cho việc thu hút vốn đầu tư khi chi phí lao động tăng trong khi trình độ lao động không đáp ứng được hết yêu cầu của các công ty nước ngoài.
Bàn về vấn đề này, TBKTSG Online đã có cuộc nói chuyện với ông Kurimoto Mitshuharu, một doanh nhân kinh doanh ở Việt Nam được 13 năm và hiện là Tổng giám đốc Công ty Top Globis chuyên cung ứng lao động cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu là các công ty Nhật Bản.
TBKTSG Online: Các công ty Nhật Bản thường tìm kiếm những đối tượng lao động nào tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Kurimoto Mitshuharu: Họ thường tìm kiếm những lao động có trình độ đại học, được đào tạo tốt và có kinh nghiệm làm việc ở các công ty cùng ngành từ 2 – 3 năm. Họ chủ yếu tuyển lao động ở trong ngành công nghệ thông tin, phần mềm, kỹ sư.
Cách đây 10 năm, các công ty Nhật Bản đến Việt Nam chủ yếu để đầu tư vào việc sản xuất, nhưng từ nay trở về sau tình hình có thể khác đi, sẽ có nhiều công ty nhỏ của Nhật vào Việt Nam hơn và hoạt động ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ và đặc biệt là tư vấn.
Các công ty tư vấn có nhu cầu cao về nhân lực biết nói tiếng Nhật và am hiểu về luật pháp, quy định của Việt Nam để tư vấn cho các công ty nước ngoài, không chỉ từ Nhật Bản mà còn từ những nơi khác như Hàn Quốc, Đài Loan, muốn đầu tư vào Việt Nam.
Công ty của ông thường gặp khó khăn gì khi tìm kiếm nhân lực cho các công ty Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam?
Chúng tôi thường khó tìm được những lao động xuất sắc tại Việt Nam. Phần lớn những người tìm việc là các sinh viên mới ra trường, họ thường không có kinh nghiệm làm việc. Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp khó khăn khi tìm các lao động biết tiếng Nhật. Bạn biết đấy, giám đốc các công ty Nhật Bản nói tiếng Anh thường không tốt lắm, vì thế họ rất cần các nhân viên giỏi tiếng Nhật.
Bản thân công ty tôi cũng gặp những khó khăn tương tự khi tìm lao động cho chính công ty.
Theo ông, giải pháp cho sự thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề là gì?
Hiện có nhiều người Việt Nam tốt nghiệp đại học, nhưng các sinh viên này thiếu khả năng thực hành, do đó có sự cách biệt giữa yêu cầu thực tế của các công ty nước ngoài tại Việt Nam và khả năng của các sinh viên đại học. Vấn đề chính là làm cách nào khắc phục được khoảng cách này.
Theo tôi, nên có những viện đào tạo sau đại học để làm bước đệm, cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng những kiến thức cần thiết và thực tiễn để họ có thể đáp ứng được yêu cầu của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Các học viện này có thể do các đại học hay các doanh nghiệp nước ngoài mở ra. Ví dụ như các doanh nghiệp Nhật Bản có thể lập một học viện, trong đó giáo viên có thể là các quản lý công ty để hướng dẫn cho sinh viên cách làm việc tại một công ty Nhật Bản, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hiểu biết về các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản….
Về lâu dài, các doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với các trường học để tìm ra khác biệt giữa giáo dục hiện nay và nhu cầu thực tiễn, và tập trung giải quyết các khác biệt đó. Hoặc, theo tôi, các trường học có thể mượn cơ sở hay nhân lực của các công ty nước ngoài để tìm hiểu về cách làm việc của các công ty này.
Hiện ở Việt Nam có Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) chuyên giúp nâng cao hiểu biết và kiến thức thực tế cho sinh viên Việt Nam qua các cuộc hội thảo, các khóa đào tạo kinh doanh và học tiếng Nhật. Trung tâm được thành lập vào năm 2000 theo chương trình viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật.
Ông có đề xuất nào giúp các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có thể vượt qua sự thiếu hụt về nhân lực có tay nghề và tận dụng hiệu quả nhân lực hiện nay?
Tôi nghĩ hiện nay có thể có nhiều công ty chưa tìm ra giải pháp cho việc này, nhưng theo bản thân tôi, giải pháp là thuê các lao động tốt nghiệp từ các trường đại học, sau đó dành thời gian đào tạo. Công ty chính là người thầy tốt cho các sinh viên mới ra trường.
Để sử dụng hiệu quả lao động Việt Nam hiện nay, theo tôi, các công ty nước ngoài có thể sử dụng một hệ thống lương chi tiết, tùy thuộc vào năng lực của từng nhân viên mà trả lương. Tiếp đến là các công ty nên giúp lao động Việt Nam học cách làm việc theo nhóm để cùng nhau tạo ra sức mạnh lớn hơn.
Một điều nữa cũng hết sức quan trọng là luôn đem lại cho người lao động cơ hội học tập.
Xin cảm ơn ông!