Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng, nhà xuất khẩu đang chịu thiệt

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bị ách tắc trong việc xác định nguồn gỗ rừng trồng và tính pháp lý của giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng khiến các doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu này gặp không ít khó khăn.

Những vấn đề nêu trên được chia sẻ tại cuộc hội thảo “Góp ý cho dự thảo của thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các hiệp hội gỗ địa phương và Tổ chức Forest Trends tổ chức ngày 16-9.

Vấn đề tồn tại trong chuỗi cung rừng trồng hiện nay là xác minh tính hợp pháp của nguồn gỗ và xác minh tính hợp pháp của các giao dịch tại các khâu trung gian trong chuỗi. Ảnh minh họa: nongnghiep.vn

Vướng trong quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nguồn gỗ từ rừng trồng hiện có vai trò quan trọng nhất trong các nguồn cung gỗ đầu vào cho nhiều doanh nghiệp trong ngành. Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, xuất khẩu dăm, viên nén, ván ép, ván bóc và ngay cả những doanh nghiệp làm đồ gỗ nội địa cũng sử dụng gỗ rừng trồng trong sản xuất.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Việt Nam hiện có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng và con số này bao gồm trên 1 triệu ha rừng trồng của 1,1 triệu hộ gia đình. Hằng năm, diện tích đó đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu m3 gỗ quy tròn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc xin hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo ông Lập, nguyên nhân chính là do các ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung.

Ách tắc này xảy ra bởi một số diện tích rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai. Đơn cử như đất còn thiếu sổ đỏ, đất có tranh chấp, diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế, đất mua đi bán lại giữa các bên theo hình thức không chính thống, chưa sang tên đổi chủ chính thức…

“Ách tắc cũng xảy ra khi các bên tham gia khâu trung gian của chuỗi không thực hiện đúng với các quy định hiện hành về hồ sơ lâm sản và trách nhiệm về thuế trong các giao dịch của mình. Kết quả là một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm cách hợp pháp hóa đầu vào nguyên liệu của mình. Một số doanh nghiệp tắc trong việc xin hoàn thuế”, ông Lập nêu.

Giải quyết độ vênh giữa các quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 27 quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Thông tư này được đánh giá đi theo hướng đưa ra các quy định thông thoáng về chuỗi cung gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm từ khâu khai thác tới khâu cuỗi cùng của chuỗi.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tính hợp pháp của gỗ rừng trồng trong chuỗi cung không chỉ ràng buộc bởi Thông tư 27 mà còn phụ thuộc vào các khâu trung gian tham gia chuỗi cung thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình ra sao, đặc biệt là các trách nhiệm về thuế được quy định trong các thông tư của Bộ Tài chính, đặc biệt là Thông tư 40 về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Các chuyên gia, đại diện các hiệp hội trong ngành đồ gỗ ở các địa phương, doanh nghiệp… nêu ý kiến tại sự kiện. Ảnh. H.Cẩm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang soạn thảo Thông tư thay thế cho Thông tư 27 nhằm tăng cường sự kiểm soát của chuỗi cung, bao gồm gỗ rừng trồng. Hiện Bộ này đang thực hiện tham vấn với các nội dung của thông tư mới.

Tại hội thảo, đại diện các bên tham gia chuỗi cung, bao gồm đại diện các hộ gia đình, đại diện các xưởng xẻ, các cơ sở ván bóc, dăm, viên nén và các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng đã cùng chia sẻ thông tin, góp ý và tập trung vào các vấn đề vướng mắc nhất trong các khâu của chuỗi cung gỗ rừng trồng hiện nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho rằng Thông tư 27 tạo điều kiện cho người trồng rừng, doanh nghiệp khai thác chế biến. Tuy nhiên, vẫn còn độ vênh trong các quy định giữa Thông tư 27 với các quy định khác của pháp luật. Và hầu hết các bản kê lâm sản là tư hợp đồng thương mại, doanh nghiệp rất khó chứng minh nguồn gốc, gây ra sai phạm. Doanh nghiệp kỳ vọng, thông tư mới sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi những vi phạm, tăng cường tính minh bạch về nguyên liệu trong sản xuất.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư sửa đổi, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trend, cho rằng về xác minh nguồn gốc gỗ, chính quyền địa phương cần xác nhận tính hợp pháp của chủ hộ dựa trên các diện tích đất trồng trong ngắn hạn.

Trong dài hạn, cơ quan quản lý cần thực hiện cấp sổ, điều chỉnh sai sót giữa sổ và thực địa, và hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm. Bởi đây không chỉ đơn thuần là việc của chủ rừng, mà còn là minh bạch hóa nguồn đầu vào cho một ngành xuất khẩu có giá trị hàng tỉ đô la.

Về việc sửa đổi chính sách thuế, theo ông Phúc, nhiều bên tham gia chuỗi sản xuất gỗ là các hộ nhỏ lẻ, hoạt động phi chính thức có doanh thu thấp hơn 1 tỉ đồng/năm, nhưng hiện họ phải chịu mức thuế khoán 1%. Để tạo động lực sản xuất cho người dân, ông đề xuất mức thuế khoán nên về 0%.

Xuất khẩu gỗ là ngành hàng có nhiều triển vọng với doanh thu lên tới hàng tỉ đô la mỗi năm. Các thị trường có giá trị cao như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc gỗ, gỗ từ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường… Do đó, nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được điều kiện này sẽ tự mất đi lợi thế cạnh tranh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới