Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó xử lý doanh nghiệp nước ngoài “bỏ trốn”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó xử lý doanh nghiệp nước ngoài “bỏ trốn”

Quốc Hùng

Khó xử lý doanh nghiệp nước ngoài
Doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, cơ quan thuế, hải quan thất thu thuế mà người lao động cũng bị mất lương. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Tình trạng doanh nhiệp có vốn đầu tư nước ngoài “bỏ trốn” ngày càng gia tăng ở các địa phương, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người lao động, đối tác trong nước và thất thu thuế nhà nước… Nhưng việc xử lý như xóa tên, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của những doanh nghiệp này cũng không dễ.

>>> Nợ thuế, hàng trăm chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn

Gia tăng doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn

Ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM,… việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động có chủ bỏ trốn khỏi địa bàn không phải mới mà đã diễn ra từ nhiều năm qua. Điều đáng quan tâm là số doanh nghiệp nước ngoài có chủ bỏ trốn mỗi năm càng tăng, khiến Nhà nước thất thu thuế, đối tác không thu hồi được nợ và người lao động bị nợ lương cùng các khoản khác…

Đơn cử như ở tỉnh Bình Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh gần đây phát hiện chủ đầu tư công ty chuyên gia công ba lô túi xách, hàng may mặc Ado Vina (Hàn Quốc) đã bỏ trốn khỏi nhà xưởng của mình ở Thuận An, để lại một khoản nợ tiền lương 245 triệu đồng cho người lao động. Ado Vina chỉ là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thuê lại nhà xưởng và máy móc của một doanh nghiệp trong nước để sản xuất, nên khi ra đi cũng không để lại tài sản gì. Chủ cho thuê mặt bằng tại đây không những không thu được tiền cho thuê mặt bằng mà còn phải lo thanh toán một số khoản phí của Ado để lại gồm tiền điện thoại, điện…

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tính từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ nhà xưởng sản xuất mà tỉnh không thể liên lạc được, để lại một khoản nợ lớn về lương, phúc lợi cho người lao động và thuế nhà nước…

Con số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn trên địa bàn TPHCM cũng không ít. Theo Ban quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM (Hepza), hiện có 24 dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trong khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố mà Hepza không thể liên lạc được với chủ đầu tư. Phần lớn đây là những doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ.

Thống kế của Hepza chưa bao gồm kết quả của nhiều doanh nghiệp hoạt động ở ngoài khu chế xuất và khu công nghiệp. Những doanh nghiệp hoạt động bên ngoài do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM quản lý và hiện sở đang rà soát lại tất cả các dự án doanh nghiệp bỏ trốn, vắng chủ hoạt động bên ngoài khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Tình hình chủ đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn cũng diễn ra ở Đồng Nai và phần lớn là doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp. Cũng giống như TPHCM, Bình Dương, theo bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, phần lớn các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn là doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ nên không ảnh hưởng đến việc biến động lực lượng lao động.

Khó xử lý

Điểm chung của các dự án nói trên là nhà đầu tư đều đã bỏ về nước mà không làm thủ tục giải thể và để lại những cục nợ lớn tại ngân hàng, cơ quan thuế, tiền lương công nhân và các hợp đồng chưa được thanh lý với các đối tác trong nước…

Theo các địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang xây dựng nhà máy hoặc đã đi vào hoạt động, nhưng chủ đầu tư bỏ về nước, không liên lạc được đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Đó là không thể yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục giải thể, khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp là nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất gắn liền với đất thuê. Trong khi đó các dự án vắng chủ vẫn chưa thực hiện thủ tục thanh lý, giải thể, chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nên vẫn tồn tại pháp nhân.

Do vậy, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư không thể cấp cho một dự án khác vào cùng địa điểm của dự án vắng chủ này. Trình trạng này đã tồn tại và kéo dài nhiều năm qua, gây lãng phí quỹ đất, thiệt hại cho công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và gây khó khăn cho ngân hàng trong việc tìm đối tác mua lại tài sản thế chấp…

Trong tháng 11 đầu năm nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 17 dự án có quy mô vừa và nhỏ, do mất liên lạc với chủ đầu tư từ các năm trước, không có báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh… Mặc dù vậy, theo bà Thu, việc xử lý các doanh nghiệp vắng chủ hiện gặp rất nhiều khó khăn do nhà nước chưa có quy định.

Theo bà Thu, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 7566/BKHDT-PC hướng dẫn việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các trường hợp vắng chủ đối với dự án chưa triển khai thực hiện hoặc dự án vắng chủ đã có các phán quyết của toà án. Tuy nhiên, các trường hợp khác chưa có hướng dẫn xử lý.

Tương tự, theo Phòng quản lý doanh nghiệp của Hepza, hiện nay, việc thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp đã triển khai một phần hoặc toàn bộ vốn đăng ký, nhưng không hoạt động, chủ đầu tư đã rời khỏi Việt Nam và Hepza không thể liên hệ được, thì quá trình xử lý hiện nay vẫn là một vấn đề nan giải.

Về thẩm quyền và thủ tục thu hồi giấy phép thì đã được quy định tại Khoản 6 Điều 158 và Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp, Khoản 3 Điều 60 Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ, và Điều 23 Thông tư 14/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng vấn đề khó khăn là sau thời hạn quy định là 6 tháng, doanh nghiệp không thực hiện giải thể theo quy định, và Hepza khó có thể thực hiện việc xóa tên doanh nghiệp khi vẫn còn hiện diện tài sản (đặc biệt là bất động sản) và nợ của doanh nghiệp không thể xử lý được.

Ngoài ra, theo Hepza, việc phá sản doanh nghiệp vắng chủ cũng là một vấn đề bức thiết cần được giải quyết ngay. Trong quá trình giải quyết các hồ sơ giải thể doanh nghiệp, Hepza cũng phát hiện một số trường hợp đã hội đủ điều kiện của doanh nghiệp phá sản theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp 2004, và hầu hết các trường hợp này đều thuộc dạng chủ doanh nghiệp đã rời khỏi Việt Nam, để lại tài sản và nợ, và Ban quản lý không thể liên lạc được theo địa chỉ trong hồ sơ đăng ký đầu tư.

Ban quản lý cũng đã hướng dẫn các chủ nợ, đặc biệt là người lao động, thực hiện khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Phá sản. Tuy nhiên, cho đến nay các vụ việc này vẫn “dẫm chân tại chỗ” do Tòa án không thể mở thủ tục phá sản do không thành lập được tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 9 Luật Phá sản (vì thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản phải có đại diện hợp pháp của doanh nghiệp). Hepza cho rằng các vụ việc này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị, cá nhân có liên quan (người lao động, ngân sách, ngân hàng, doanh nghiệp phát triển hạ tầng, các đối tác khác…) và làm xấu đi môi trường đầu tư. Mặt khác, các tài sản do doanh nghiệp để lại ngày càng xuống cấp, thậm chí gây nguy hiểm cho môi trường hoặc các doanh nghiệp xung quanh.

Trong năm 2012, Hepza đã tiến hành xác minh thông tin về nghĩa vụ nợ của các trường hợp dự án vắng chủ và đang thực hiện thủ tục giải thể để thu hồi giấy phép đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư của các dự án này. Theo kết quả xác minh nghĩa vụ nợ (thuế Nhà nước, bảo hiểm xã hội), các doanh nghiệp này đa phần còn các khoản nợ chưa thanh toán, cũng như chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị cần tiến hành sửa đổi Luật Quản lý thuế và Luật Đầu tư để hỗ trợ địa phương về mặt pháp lý kiểm soát chặt hơn hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm đạt được hiệu quả tích cực, tránh gây thất thoát ngân sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới