Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khoa học: giữa vô tư và lợi nhuận!

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gần đây, các ý kiến trái chiều liên quan tới việc dỡ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 làm nhiều người đặt câu hỏi về mối liên kết giữa khoa học và lợi nhuận.

Nhà khoa học Gilbert, “mẹ đẻ” của vaccine AstraZeneca.

Ở đầu thế kỷ 21, chúng ta thấy đó là một điều hiển nhiên khi khoa học luôn luôn đi kèm với khai thác kinh tế, với lợi nhuận, với thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, ít người biết rằng ý tưởng về quyền sở hữu trí tuệ mới chỉ ra đời từ vài trăm năm trước đây. Ít nhất là từ thời Trung đại, ở phương Tây cũng như ở phương Đông, tồn tại suy nghĩ rằng kiến thức thuộc về tất cả mọi người, kiến thức phải được tự do sử dụng để giáo dục con người, hay kiến thức là một món quà của Chúa, và vì thế người ta không thể mua bán, tìm kiếm lợi nhuận nhờ vào kiến thức.

Cho dù suy nghĩ này có vẻ như đã không còn phù hợp chút nào với thời đại hiện nay, nhưng trên thực tế, nó không hoàn toàn biến mất. Ví dụ như năm 1980, người được mệnh danh là “thuyền trưởng của nhân loại”, nhà hải dương học nổi tiếng người Pháp Jacques Cousteau đã có một bài phát biểu gây rung động, khi ông được bầu làm thành viên của viện Hàn lâm Pháp.

Kêu gọi sự “cống hiến” vô tư không lợi nhuận của khoa học, ông cho rằng đây chính là việc cần phải làm đối với kết quả nghiên cứu liên quan tới sức khỏe cộng đồng. Cũng vào thế kỷ 20, nhà xã hội học người Mỹ Robert Merton đã coi sự “vô tư”, không vì lợi ích riêng như một tiêu chí cần phải có của nghiên cứu khoa học, và sự sở hữu cá nhân cần giới hạn ở mức độ thực sự cần thiết. Không chỉ thế, ông còn nhấn mạnh hơn vào khía cạnh “không thiên vị”, trong đó mọi người đều bình đẳng trước khoa học.

Trong khủng hoảng dịch bệnh, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò to lớn của khoa học. Truyền bá kiến thức khoa học, đồng thời thúc đẩy tư duy khoa học, đang càng trở nên cần thiết hơn. Ở nhiều quốc gia phát triển, xây dựng một “văn hóa khoa học” ở giới trẻ đã được thực hiện từ lâu.

Tuy ý tưởng về sự “vô tư” của khoa học rất hấp dẫn về mặt biểu tượng, chúng ta không thể phủ nhận rằng khoa học sẽ không thể có những tiến bộ vượt bậc khi không có những “cú hích” cần thiết, mà ở đây chính là quyền sở hữu trí tuệ.

Ví dụ như với một sáng chế khoa học, tác giả của nó không chỉ cần được đền đáp bởi một sự công nhận về mặt tên tuổi (quyền nhân thân, có nghĩa là quyền được đứng tên trên bằng sáng chế) mà còn là khả năng khai thác lợi nhuận (quyền tài sản) đối với sáng chế.

Điều này cũng đóng vai trò quan trọng giúp các nhà nghiên cứu tìm được những nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học, mà ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Những sự đền đáp về mặt tinh thần và mặt kinh tế nói trên có tác dụng khuyến khích khoa học phát triển, và rõ ràng là hệ thống quyền sở hữu trí tuệ đã mang lại tác dụng to lớn trong nhiều thế kỷ qua.

Đồng thời, không hề tồn tại một quyền sở hữu “tối cao” nào cả, mọi nghiên cứu khoa học đều có thể rơi vào trường hợp “ngoại lệ” của quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, một khi sức khỏe cộng đồng bị đe dọa, hay vì một lợi ích chung, thì hoàn toàn có khả năng chủ sở hữu bằng sáng chế bị buộc phải chấp nhận việc khai thác sáng chế theo yêu cầu của chính phủ. Ví dụ như trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, chính chủ Mỹ đã nhiều lần dỡ bỏ bảo hộ của một số bằng sáng chế Đức, trong lĩnh vực hóa học và y dược.

“Ngay từ ban đầu, chúng tôi nhận thấy rằng, vaccine này sẽ tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19 chứ không phải tranh đua với các vaccine khác. Chúng tôi làm việc ở đại học và không có ý định kiếm tiền từ vaccine”.
– Nhà khoa học Gilbert, “mẹ đẻ” của vaccine AstraZeneca –

Khi nhìn lại quá khứ, chúng ta thường có cảm tưởng rằng các nhà khoa học của những thế kỷ trước ít quan tâm đến lợi nhuận hơn ngày nay. Thực tế thì trước đây, các nhà khoa học thường ít đề cập đến lợi nhuận, mà coi rằng hoạt động nghiên cứu là một hoạt động vô tư, vì lợi ích toàn dân, và vì thế họ dễ có thể nhận được sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ hơn.

Nhưng cũng không thiếu các nhà khoa học nhiều thế kỷ trước vừa cống hiến cho nhân loại, vừa không ngại ngần khai thác lợi nhuận từ nghiên cứu khoa học. Louis Pasteur đã có khai thác kinh tế đáng kể với bằng sáng chế cấp năm 1871 liên quan tới việc sản xuất bia, hay nhà hóa học người Đức Justus Liebig đã xây dựng được cả một hệ thống khai thác trên toàn thế giới các bằng sáng chế của ông liên quan tới phân bón hóa học.

Rõ ràng là ngày nay hoạt động nghiên cứu đang ngày càng trở nên “tư nhân hóa”. Hỗ trợ tài chính cho khoa học đến từ khu vực tư nhân trở nên chủ chốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng dẫn đến nguy cơ lợi nhuận bị đặt lên cao hơn lợi ích chung, hơn sức khỏe toàn dân.

Đây chính là một nguy cơ lớn khi khoa học chạy theo lợi nhuận. Vì thế, ở một số nước, chính phủ luôn cố gắng duy trì được một mối “tương quan lực lượng” với các “ông lớn” ngành dược, để đảm bảo cung cấp được nguồn thuốc men cho một số loại bệnh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, cũng xin bổ sung rằng, không còn là chuyện hiếm khi những người dân bình thường đang ngày càng có nhiều đóng góp không vì lợi nhuận vào nghiên cứu khoa học. Ví dụ như gần đây, các nhà nghiên cứu đã đăng tải một kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng chim trên trái đất – có khoảng 50 tỉ cá thể chim đang sinh sống trên hành tinh của chúng ta. Để có được kết quả này, nghiên cứu dựa nhiều vào Ebird, một hệ thống dữ liệu của Cornell Lab of Ornithology mà rất nhiều người trên thế giới tham gia đóng góp xây dựng nó một cách phi lợi nhuận.

Cho dù ngày nay không dễ dàng gì để thực hiện một nghiên cứu khoa học một cách đơn lẻ, nằm ngoài một trung tâm nghiên cứu tư hay công nào đó, thì cũng không thiếu các nghiên cứu kết hợp người “ngoại đạo” với các nhà khoa học chuyên nghiệp. Chính những người này cũng góp phần rất nhiều trong việc truyền tải kiến thức khoa học đúng đắn đến người dân, hạn chế tình trạng fakenews (tin giả) đang lan tràn như nấm độc trên mạng xã hội.

Trong khủng hoảng dịch bệnh, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò to lớn của khoa học. Truyền bá kiến thức khoa học, đồng thời thúc đẩy tư duy khoa học, đang càng trở nên cần thiết hơn. Ở nhiều quốc gia phát triển, xây dựng một “văn hóa khoa học” ở giới trẻ đã được thực hiện từ lâu. Các chương trình giáo dục với mục đích này được đem tới cho trẻ em ngay từ cấp một, qua nhiều hoạt động khác nhau.

Trẻ em từ rất sớm đã được học cách xây dựng năng lực liên quan tới sự sáng tạo và tư duy khoa học như đưa ra một giả thuyết để trả lời một câu hỏi khoa học, học cách quan sát và phân tích hiện tượng khoa học, tìm kiếm thông tin khẳng định kết luận khoa học. Với những đứa trẻ được khuyến khích tìm cảm hứng trong khoa học, thì tương lai đang nằm trong tay chính các em. Lợi nhuận hay vô tư, mọi tiến bộ khoa học đều có ích cho xã hội.

1 BÌNH LUẬN

  1. Về vật chất, khoa học đang bị giằng co giữa Tiền và Quyền (bản quyền). Có tiền mới tạo ra quyền, có quyền mới bảo đảm mang lại tiền. Về tinh thần, khoa học bị giằng co giữa hai thế lực: Lương tâm và Pháp luật. Vì lương tâm nhà khoa học luôn sẵn sàng phụng sự, vì luật pháp họ phải tuân thủ. Nước Mỹ trong thế chiến thứ 2 có Đạo luật sản xuất quốc phòng rất hay, nhà nước toàn quyền yêu cầu mọi nhà máy phải đáp ứng nhu cầu trang thiết bị để bảo vệ đất nước. Trong thời dịch Covid thì cũng nên áp dụng đạo luật tương tự như vậy. Nhưng khổ một nỗi, thế giới có hàng trăm nước, nhưng chỉ có một vài nước có bản quyền và cũng vài nước có khả năng sản xuất vaccin. Như vậy quy luật thống trị xã hội, thống trị thế giới vẫn phải ngự trị, miệng các nhà chính trị thì nói nên bãi bỏ bản quyền, nhưng thực tế không bao giờ làm vậy. Quyền và Tiền vẫn là công cụ át chủ bài của họ mà thôi. Chúng ta không nên đổ lỗi cho các nhà khoa học, họ cũng chỉ là nạn nhân của thể chế thống trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới