Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khoa học về trưng cầu dân ý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khoa học về trưng cầu dân ý

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

Khoa học về trưng cầu dân ý
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá hai phần ba đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì không khả thi. Ảnh Infonet.vn

(TBKTSG Online) – Vấn đề khoa học về trưng cầu dân ý buộc phải đặt ra, khi đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ thảo luận về dự luật trưng cầu dân ý, phát biểu: “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu (dân ý) có khi gây hại, không thể tùy tiện”.

“Không thể tùy tiện” là đòi hỏi hiển nhiên đối với mọi quốc sách, được mặc định, không riêng gì trường hợp này, nên không phải đối tượng bàn cãi.

Vấn đề cần và phải bàn cãi trong luận điểm trên chỉ ở chỗ: liệu có hay không mối quan hệ tương quan (f) tỷ lệ thuận hoặc ít nhất cùng chiều giữa hàm số (y) hiệu quả “trưng cầu dân ý” với biến số (x) mức độ “dân chủ” và “dân trí”?

Nếu có, thì luận điểm của đại biểu Hà Minh Huệ có thể biểu diễn dưới dạng hàm số: y = f (x). Khi đó, nếu biến số mức độ dân chủ, dân trí cao (x1), thì  hiệu quả trưng cầu dân ý (y1) sẽ cao, và ngược lại.

Trường hợp ngược lại, được đại biểu Hà Minh Huệ phát biểu áp dụng cho nước ta,”dân chủ ta có hạn”, “dân trí thấp”, tức trị giá x2 thấp, nên đương nhiên hiệu quả trưng cầu dân ý y2 = f (x2) thấp, thậm chí “có khi gây hại”.

Xét trường hợp nước ta y2

Liệu có thực dân chủ nước ta “có hạn” hay không? Trong khi, trước đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã khẳng định “dân chủ nước ta gấp vạn lần dân chủ các nước tư bản”. Cũng vậy, có thực “dân trí  ta còn thấp” khi gần đây được một công trình nghiên cứu của khối các nước công nghiệp hàng đầu OECD xếp hạng chất lượng đào tạo PISA đứng thứ 12 thế giới, trên cả cường quốc Mỹ. Nếu khẳng định và xếp hạng trên là đúng, thì giá trị hàm số Hà Minh Huệ y2 sai, bởi x2 nước ta không thấp.

Giả thiết tiếp theo, bỏ qua khẳng định và xếp hạng OECD trên, cứ cho (x2) nước ta thấp, thì trị giá hàm số Hà Minh Huệ y2 = f (x2) trên cũng không được “thực tế (vốn) là thước đo chân lý” kiểm chứng.

Chỉ cần dẫn hai giá trị (y2) của Đức và Việt để so sánh. Ở họ, Luật trưng cầu dân ý được ban hành năm 1933 tức cách đây tới 82 năm, trong khi ở ta hiện đang bàn thảo.

Nếu thừa nhận trị giá hàm số Hà Minh Huệ  y2 = f (x2) đúng, thì dễ dàng rút ra trị  giá (x2) dân chủ và dân trí ta hiện không bằng Đức vào thời điểm chế độ độc tài Đức Quốc xã cách đây gần thế kỷ. Rõ ràng hoàn toàn sai thực tế.

Trường hợp thứ 2 xảy ra ở ta cách hơn nửa thiên niên kỷ trước, khi năm 1284, Vua Trần tổ chức Hội nghị Bình Than để trưng cầu dân ý. Tức trước luật trưng cầu dân ý Đức 731 năm. Tính theo hàm số Hà Minh Huệ, thì với trị giá y2 trên, (x2) dân trí và dân chủ nước ta lúc đó phải bằng (x2) của Đức cách đây 82 năm. Cũng vô lý nốt.

Tại sao hàm số trên sai?

Bởi tác giả hàm số y = f (x) đã đồng nhất hai khái niệm Dân ý và Dân trí. “Trưng cầu dân ý” chứ không phải “Trưng cầu dân trí”.

Khái niệm dân trí đúng như tác giả nêu, nói lên mặt bằng tri thức của tổng dân số một nước. Một khi đã là mặt bằng, thì cũng như thu nhập quốc gia tính bình quân theo đầu người luôn nằm ở điểm chia đôi khoảng cách giữa số lượng người giàu bao giờ cũng ít và người nghèo bao giờ cũng nhiều nhân với thu nhập của họ; dân trí cũng vậy, số người tri thức cao ở bất kỳ quốc gia nào bao giờ cũng chiếm thiểu số, không riêng gì Việt Nam như đại biểu Hà Minh Huệ phát biểu. Nói cách khác chênh lệch tri thức không liên quan gì tới trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên khác với thu nhập bình quân được xếp hạng các quốc gia hàng năm, thế giới chưa nhà chính trị có uy tín hay công trình khoa học nào dám xếp hạng dân trí các quốc gia cả bởi mang tính phân biệt chủng tộc, không được chấp nhận. Nó chỉ là từ ngữ dân dã để chính người dân và lãnh đạo có trách nhiệm với dân tộc đất nước phải tự nhìn nhận mình so với thế giới mà phấn đấu, chứ không phải ngược lại, là chấp nhận nó.

Trong khi đó, khái niệm dân ý, tức ý của dân, hoàn toàn khác, không thuộc phạm trù tri thức, mà thuộc phạm trù chính trị, bởi đó là quyền cơ bản “tạo hóa cho họ”, bất kể họ là ai, không phụ thuộc tri thức họ có như thế nào, thể hiện cao nhất quyền “làm chủ” của mình đối với bộ máy nhà nước họ.

Ngược lại bộ máy nhà nước có chức năng công bộc của dân phải có tri thức, tức có nghiệp vụ thi hành phận sự, nếu không người dân có quyền “đuổi chính phủ “, “nếu chính phủ làm hại dân” (Hồ Chí Minh). Trưng cầu dân ý cũng không có nghĩa người dân làm việc thay chính quyền nên cần tri thức cao, mà chỉ là hỏi người dân xem có chấp nhận sản phẩm của bộ máy chính quyền làm ra hay không, nên muốn chính sách được chấp nhận, bộ máy chính quyền phải có tri thức cao, chứ không phải người dân. Giống như tình huống ra chợ, bất kỳ người bình thường nào cũng biết nguyên lý chọn mua hàng chất lượng tốt nhất giá cả thấp nhất, mặc dù họ hoàn toàn “mù tịt” không hề biết hàng hoá đó được làm ra như thế nào.

Cũng có thể hình dung khái niệm làm chủ như trong doanh nghiệp. Biết bao chủ doanh nghiệp bằng cấp (một thước đo cơ bản thể hiện tri thức) thấp, nhưng nhân công họ toàn bằng cấp cao, điển hình như Bill Gates – tỷ phú đứng đầu thế giới thu hút  biết bao giáo sư tiến sĩ “đầu quân”, còn ông vẫn chưa tốt nghiệp đại học!

Chủ doanh nghiệp dù tri thức thế nào vẫn là chủ doanh nghiệp. Còn nhân công không đủ tri thức nghề nghiệp, sản phẩm không được chủ chấp nhận sẽ buộc phải làm lại hoặc bị thải hồi. Bầu cử và trưng cầu dân ý cũng trên tinh thần đó.

Từ phân tích mối quan hệ giữa ý dân và trình độ tri thức của bộ máy nhà nước nói trên, hiệu quả trưng cầu dân ý (y) có thể biểu thị bằng hàm số y = f (z); trong đó (z) là trình độ tri thức của bộ máy nhà nước, dân dã thường dùng từ “quan trí”. Hàm số trên chính là cơ sở khoa học để nước Đức một khi người dân tự đề xuất sáng kiến trưng cầu dân ý, thì chính quyền cũng có quyền đề xuất phương án so sánh để người dân bỏ phiếu chọn lựa 1 trong 2 nên rất cần bộ máy chính quyền tri thức cao. Mặt khác một khi chính sách được soạn thảo bằng bộ máy nhà nước tri thức cao phù hợp dân ý, thì chẳng người dân nào cần trưng cầu cả, tức nếu trưng cầu kết quả sẽ 100%. Trong cả hai trường hợp, (z) càng cao, hiệu quả trưng cầu dân ý (y) = f (z) càng lớn.

Tính khả thi khi trưng cầu dân ý

Dù ai hiểu dân trí và dân ý như thế nào, thì trưng cầu dân ý cũng như bầu cử một khi đã hiến định, bộ máy nhà nước phải bị chế tài thực hiện, không được phép bàn cãi nên hay không, nếu không thì chẳng cần sinh ra hiến pháp khi lập quốc, mà chỉ có thể bàn cãi xem thực hiện như thế nào.

Trong đó hàm số y = f (z) cho thấy mấu chốt vấn đề nằm ở đâu. Ở các nước xếp hạng dân chủ cao có hai cách trưng cầu dân ý, một là chính quyền các cấp đưa trưng cầu dân ý dự thảo chính sách của mình. Hai là người dân tập hợp chữ ký đòi trưng cầu kiến nghị của họ, để nhà nước tổ chức trưng cầu. Ở đây có hai ngưỡng quan trọng.

Ngưỡng thứ nhất là tập hợp được bao nhiêu chữ ký mới đủ giá trị pháp lý đưa ra trưng cầu dân ý. Ở Đức ngưỡng đó tùy từng điạ phương dao động từ 2,5-33% cử tri, tức tôn trọng quyền đề xuất của thiểu số. Bộ máy nhà nước thực ra cũng chỉ là thiểu số, nếu coi họ cũng là dân. Ngưỡng thứ hai là kết quả bỏ phiếu, phải tuân theo nguyên tắc thông lệ quá bán, riêng đối với hiến pháp phải đạt ngưỡng 2/3. Thay đổi hai ngưỡng trên, rất có thể trưng cầu dân ý không khả thi, nó chỉ còn nằm trên giấy. Chẳng hạn đòi phải tập hợp được trên 50% chữ ký cử tri, thì khó có thể xảy ra, bởi ngay đến bầu cử, ở nhiều nước hiện đại cử tri đi bầu có khi chỉ nhỉnh quá bán.
Cuối cùng, trưng cầu dân ý là tốn kém tiền bạc, ngân sách không phải lúc nào cũng dư thừa, tốn công sức tổ chức đồng thời gây sức ép lên bộ máy nhà nước buộc phải ra sức cố gắng khi hoạch định và triển khai chính sách để được dân chấp nhận vốn không phải công chức nào cũng sẵn sàng. Biểu đồ toán học hàm số dân chủ trong bộ môn khoa học chính trị vì vậy bao giờ cũng tăng theo tổn phí bảo đảm cho nó là vì vậy.

Nói cách khác, dân chủ không tự nhiên có. Nó đòi hỏi chi phí công sức, tiền bạc, thời gian, tâm huyết của cả nhân dân lẫn bộ máy công quyền ! Liệu nước ta có vượt qua được như các nước hiện đại khác, để có thể thông qua dự luật trưng cầu dân ý đã hiến định?

Đọc thêm:

– Chê dân trí thấp: Từ người đại diện bỗng chốc thành người giám hộ cho cả dân tộc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới