Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khóc cười với lúa đông xuân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khóc cười với lúa đông xuân

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Bất ngờ giá lúa gạo tại ĐBSCL quay đầu tăng mạnh trở lại khi chỉ tiêu tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012-2013 sắp hoàn thành (tạm trữ từ 20-2 đến 31-3). Trong khi đó, câu chuyện sản xuất lúa chất lượng cao hay thấp một lần nữa là vấn đề chưa có hồi kết.

Khóc cười với lúa đông xuân
Giá lúa gạo tại ĐBSCL bất ngờ tăng mạnh khi chỉ tiêu tạm trữ 1 triệu tấn gạo sắp hoàn thành. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa – Ảnh: Trung Chánh

Tăng giá khi chỉ tiêu tạm trữ sắp đạt

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị: “Sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2012-2013, triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2013 tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 19-3, cho biết tính đến ngày 13-3, doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã thu mua tạm trữ được trên 827.000 tấn quy gạo, đạt trên 82% kế hoạch tạm trữ vụ đông xuân này.

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ cho không ít hộ nông dân và thương nhân kinh doanh lúa, gạo tại ĐBSCL, đó là giá lúa gạo liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Trao đổi qua điện thoại với TBKTSG Online sáng 19-3, ông Dương Văn Mến, thương nhân mua lúa tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết trong vòng một tuần qua, giá lúa tăng bình quân 200 -350 đồng/kí lô gam và gạo đã tăng 100 – 200 đồng/kí lô gam (tùy loại).

Cụ thể, hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tại An Giang có giá 4.650 – 4.700 đồng/kí lô gam. Đặc biệt, đối với các  lúa chất lượng cao như ÓM 4218, OM 5451, OM 4976, OM 1490… nếu như cách đây không lâu bị “chê”, thì những ngày qua cũng tăng khá mạnh và hiện dao động từ 4.800- 4.950 đồng/kí lô gam (lúa tươi).

Gạo nguyên liệu hiện được các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lương thực tại Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ… đẩy mạnh mua vào với mức giá 6.700 – 7.300 đồng/kí lô gam (tùy loại).

Việc giá lúa gạo bất ngờ tăng mạnh trở lại khi chỉ tiêu tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo sắp hoàn thành đã khiến không ít người tỏ ra ngạc nhiên.

Chất lượng cao hay thấp?

Một trong những vấn đề nhận được không ít sự quan tâm của các đại biểu tham dự hội nghị trên, đó là gieo sạ lúa chất lượng cao hay lúa IR 50404 chất lượng thấp trong vụ hè thu 2013?

Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục trồng trọt khuyến cáo nông dân nên đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, hạn chế IR 50404. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm là chính và hạn chế lúa IR50404, đặc biệt trong vụ lúa hè thu này nên hạn chế đến mức thấp nhất diện tích lúa IR 50404”, ông cho biết.

Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết việc khuyến cáo nông dân sản xuất lúa chất lượng cao là hướng đi đúng nhưng thị trường mới yếu tố quyết định sản xuất.

“Đúng ra doanh nghiệp phải khảo sát thị trường trên thế giới trước, nơi này cần bao nhiêu? Chủng loại gì? Giá cả ra sao?… Biết được như vậy mới quay về khuyến cáo, liên kết với nông dân đầu tư  vùng nguyên liệu thành chuỗi ngành hàng. Như vậy thì làm gì có chuyện khuyến cáo sai?”, ông Bảnh cho biết.

Theo các đại biểu tham dự hội nghị này, với cách tổ chức sản xuất làm theo công đoạn, nông dân trồng, doanh nghiệp bán không có sự gắn kết với nhau thành chuỗi ngành hàng thì tình trạng lúa chất lượng cao bán không ai mua hoặc chỉ mua ngang bằng với giá lúa IR 50404 sẽ còn tiếp diễn.

Lý giải nguyên nhân mua lúa chất lượng cao, lúa thơm có giá thấp như thời gian qua, ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu (doanh nghiệp hội viên của VFA), cho biết lúa thơm nông dân sản xuất ra có tỉ lệ lẫn tạp không quá 10% sẽ được mua với giá lúa thơm theo quy định của VFA (lúa loại 1), còn tỉ lệ lẫn tạp lớn hơn sẽ đánh rớt xuống lúa loại 2 (có giá thấp hơn).

“Độ thuần không đúng như quy định nên chúng tôi không thể nào mua với giá cao được. Nếu lúa thơm có tỉ lệ lẫn tạp thấp, đáp ứng được tiêu chuẩn (không quá 10% tạp chất), chúng tôi vẫn mua với giá cao”, ông Trượng cho biết.

Tuy nhiên, ông Bảnh cho biết: “Vấn đề người ta khuyến cáo là như vậy nhưng khi doanh nghiệp mua, họ chỉ mua theo nhu cầu của họ thôi, nghĩa là thị trường cần loại nào thì doanh nghiệp đẩy mạnh mua loại đó”.

Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết đến ngày 18-3, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được 1,15 triệu héc ta lúa đông xuân 2012-2013, so với diện tích xuống giống hiện chỉ còn khoảng 400.000 héc ta chưa thu hoạch.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới