Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khơi dậy ham muốn làm giàu để giảm nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khơi dậy ham muốn làm giàu để giảm nghèo

Đời sống người nông dân ĐBSCL còn gặp khá nhiều khó khăn – Ảnh minh họa: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Nhiều vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn rất khó khăn do tình trạng dân nghèo, cận nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao, đã trở thành gánh nặng kinh tế và kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.

Để cho công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt, đảm bảo về mặt chất lượng, xin đề nghị:

– Tăng cường tuyên truyền vận động người nghèo tham gia bảo vệ, khai thác các nguồn tài nguyên thật hợp lý, không được hủy họai hay lạm sát. Đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn và hỗ trợ người nghèo chuyển đổi phương thức lao động sản xuất, từ “săn bắt hái lượm” lạc hậu, chuyển sang “nuôi trồng có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật”, để bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên rừng, biển tốt hơn, như không bắt bán cá non mà khoanh nuôi bảo vệ, khai thác tỉa dần khi chúng lớn để có được giá trị cao hơn…   

– Để giúp những hộ nghèo thoát nghèo và không bị tái nghèo, thì yếu tố quan trọng nhất là làm sao khơi gợi cho họ có ý thức tự lực cánh sinh và ước muốn làm giàu chánh đáng, mà không trông chờ đồng vốn của nhà nước hay quá ỷ lại vào sự cứu trợ của cộng đồng thì mới thật sự có hy vọng. Theo đó, phải xác định là chỉ “cho cần câu”, tức là hướng dẫn cách tạo công ăn việc làm để đánh thức tiềm năng lao động, khơi gợi tính sáng tạo, ý chí vươn lên và kích thích lòng tự trọng chính đáng, chứ “không cho xâu cá”, vì sẽ khiến cho người nghèo sinh lòng ỷ lại mà lười nhát lao động, mất đi dần ý thức tự lực cánh sinh.

– Các địa phương cần tiến hành điều tra nắm chặt số lượng hộ nghèo trên từng địa bàn, rà soát, phân loại đối tượng và xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ, để có điều kiện tiếp cận giúp đỡ phù hợp.

– Theo đó, từng địa phương cũng rất cần nắm lại khả năng, thực lực của lực lượng xóa đói giảm nghèo mà mình có trong tay, từ nhân lực, năng lực tài chính hiện có, khả năng huy động thêm (hoàn trả và biếu không), cả các cơ sở có khả năng tham gia chương trình thông qua việc tiếp nhận lao động, tạo công ăn việc làm, hay hỗ trợ vốn đào tạo nghề…Trên cơ sở đó đối chiếu với nguyên nhân nghèo mà hỗ trợ cho thật cụ thể và phù hợp.  

Điều quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, “vốn” không phải là vấn đề quan trọng tiên quyết, mà cái chính là khơi gợi cho người dân lòng ham muốn làm giàu chính đáng, giúp họ nhận thức được nguồn vốn sẵn có từ đất đai, sức lao động, sự cần kiệm…là nguồn vốn hiệu quả nhất. Họ cần phải khai thác hợp lý và không trông chờ, ỷ lại vào các nguồn đầu tư của nhà nước hay sự ủng hộ cứu giúp từ bên ngoài. Có như thế thì kết quả xóa đói giảm nghèo mới thật sự bền vững.                   

Nguyễn Văn Thước (Sở Khoa học Cà Mau)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới