Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khởi động một tiềm năng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khởi động một tiềm năng

Dịch vụ viễn thông di động ngày càng phổ cập cũng là tiền đề tốt để phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến. Ảnh: Thanh Hải.

(TBVTSG) – Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công thương, kể rằng một người bạn ông mở trang web bán túi xách; túi khá đẹp nên có nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải tất cả những người quan tâm đều trở thành khách hàng của bạn ông, bởi trang web này không tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến.

Khách hàng ở xa nếu muốn mua phải chuyển tiền qua tài khoản rồi chờ nhận hàng. Nhiều người sợ mất tiền nên không thiết mua hàng theo phương thức này.

Ông Linh cho rằng, đã đến lúc trang web của các doanh nghiệp cần tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến để thúc đẩy thương mại điện tử.

Câu chuyện kể trên của ông Linh đã phần nào nói lên thực trạng của hoạt động thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện hình thức thanh toán trực tuyến mới chiếm 3,2% trong tổng số các hình thức thanh toán trong thương mại hiện nay (chuyển khoản, trả tiền mặt, chuyển tiền qua bưu điện…).

Vì sao chưa phổ dụng?

Hai năm trước, hãng hàng không Jetstar Pacific là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam bán vé máy bay và thanh toán qua mạng.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Jetstar Pacific, cho biết lúc bắt đầu cung cấp dịch vụ này, hãng đã gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là khách hàng băn khoăn không biết thanh toán theo cách này có an toàn không. Thứ hai là Jetstar Pacific đã phải chịu thiệt cả tỷ đồng trong hai năm qua do rủi ro trong thanh toán.

“Chỉ những vụ lớn mới được cơ quan chức năng can thiệp và những người gian lận đã bị xử lý. Nhưng còn những vụ nhỏ lẻ thì chúng tôi đành chịu mất tiền,” ông Nam cho biết.

Do đó, ông Nam kiến nghị, quy định pháp luật liên quan đến tội phạm thẻ tín dụng, tội phạm mạng cần được chỉnh sửa. Theo ông Nam, mức xử phạt đối với những hành vi phạm tội liên quan đến vấn đề mạng hiện nay còn nhẹ nên chưa đủ tính răn đe.

Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng hiện vẫn còn một số vướng mắc để phát triển phương thức thanh toán trực tuyến tại Việt Nam như : thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, an ninh bảo mật trong thanh toán chưa được bảo đảm, dịch vụ thanh toán còn chưa đa dạng, cơ sở pháp lý cho hoạt động này còn đang trong quá trình hoàn thiện…

Trong lúc đó, ông Linh cho rằng trở ngại lớn nhất đối với thanh toán trực tuyến hiện nay là tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng của người sử dụng. Giả sử có trang web tích hợp phương tiện thanh toán trực tuyến thì người tiêu dùng cũng chưa chắc đã dám nhập mã thẻ tín dụng vào trang web đó để mua hàng. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao tính bảo mật trong giao dịch thương mại điện tử để người tiêu dùng tin tưởng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc mạng thanh toán Paynet, cho rằng để tạo niềm tin đó cần phải có một quá trình. Theo ông, thanh toán trực tuyến chưa phát triển chủ yếu là do hạ tầng thanh toán chung của hệ thống các ngân hàng chưa được hoàn thiện. “Để giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến, các ngân hàng đều phải có hệ thống Internet Banking, Mobile Banking. Việt Nam có khoảng 40 ngân hàng nhưng mới có mươi ngân hàng cung cấp các dịch vụ này,” ông Thắng nói.

Tại Diễn đàn Phát triển thanh toán trực tuyến 2009 diễn ra vào ngày 16-3 vừa qua, có không ít ý kiến cho rằng một trong những lý do làm cho thanh toán trực tuyến chưa phát triển được là hiện nay đa số các đơn vị chỉ chấp nhận thanh toán bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế. Lượng thẻ nội địa chiếm tỷ lệ lớn trong các loại thẻ được sử dụng tại Việt Nam lại không được chấp nhận, chủ yếu chỉ dùng để rút tiền tại các máy rút tiền tự động (ATM). Cần làm sao để cho các loại thẻ thanh toán nội địa có thể dùng để thanh toán được như tại các nước trên thế giới.

Có cơ sở để phát triển

Ông David Chan, Phó chủ tịch phụ trách việc phát triển các giải pháp kỹ thuật mới trong thanh toán, vùng Đông Nam và Nam Á của MasterCard Worldwide, nhận định rằng với 21 triệu người sử dụng Internet, Việt Nam là một thị trường tiềm năng của thanh toán trực tuyến.  

Đa số các chuyên gia đều tin vào tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, mặc dù có rất nhiều khó khăn. Ông Thắng cũng lạc quan khi nhận định về tương lai của thanh toán điện tử. “Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tư cho hạ tầng thanh toán nên có thể hy vọng khó khăn nói trên sẽ sớm được giải quyết”.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng đang có kế hoạch tạo mọi điều kiện thuận tiện cho khách hàng trong thanh toán trực tuyến. Cả hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đều cho biết, không chỉ chấp nhận thanh toán trực tuyến bằng các loại thẻ tín dụng quốc tế mà trong thời gian tới, cả hai sẽ tăng cường kênh thanh toán dùng các thẻ giao dịch nội địa, bên cạnh đó còn tận dụng kênh thanh toán qua điện thoại di động.

Nhận định về sự thay đổi này, bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ thẻ Smartlink, cho rằng hoạt động thanh toán sẽ qua nhiều giai đoạn : tiền mặt – thẻ quốc tế – thẻ nội địa. Do đó sắp tới sẽ ngày càng có nhiều đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ nội địa.

Còn ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông – Bộ Thông tin-Truyền thông, cho rằng việc bộ này mới thành lập hai tổ chức liên quan đến thanh toán điện tử là Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp các sự cố máy tính (giúp phối hợp với các bên liên quan để tăng cường hạ tầng bảo mật trên mạng), được hy vọng cũng sẽ đóng góp cho việc phát triển thanh toán trực tuyến trong thời gian tới.

Lực đẩy cho thương mại điện tử

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT, cho biết trong các cuộc khảo sát mà cục thực hiện trong bốn năm vừa qua, thanh toán điện tử đều được xếp là trở ngại đứng thứ hai trong các trở ngại để phát triển thương mại điện tử. Do đó, muốn thương mại điện tử phát triển, phải làm sao để “trở ngại thứ hai” không còn tồn tại nữa.

Lý giải về đề xuất của ông Hưng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng thanh toán trực tuyến cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật cho thanh toán điện tử, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã không ngừng củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại, trong đó có thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, hoạt động thanh toán trực tuyến mới ở trong giai đoạn khởi đầu nên còn rất nhiều việc cần phải làm để cung cấp cho thương mại điện tử những phương tiện thanh toán bảo đảm an toàn.

VÂN OANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới