Thứ sáu, 13/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khởi động sáng sủa cho ngành dệt may

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khởi động sáng sủa cho ngành dệt may

Văn Nam

Số lượng, giá cả đơn hàng dệt may xuất khẩu tăng ngay từ tháng 1 là dấu hiệu lạc quan cho ngành dệt may trong năm 2010 - Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất của ngành dệt may đang có bước khởi đầu khá thuận lợi sau khi nhiều doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng khối lượng lớn ngay trong tháng 1.

Một số doanh nghiệp có đơn hàng lớn, góp phần ổn định việc làm cho người lao động thời điểm sau Tết Nguyên đán phải kể đến Tổng công ty May Việt Tiến, Công ty May 10, Công ty May Sài Gòn 2, Công ty May Sài Gòn 3, Tổng công ty Dệt Phong Phú …

Trong báo cáo hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 1-2010, ngoài những đơn hàng xuất khẩu khối lượng lớn, các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước đang bứt phá để giành thị phần ngay trên thị trường nội địa.

Đơn hàng ổn định đến tháng 6

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 1 đạt 750 triệu đô la Mỹ, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2009. Trong nước, sản phẩm dệt may như quần áo người lớn tại thị trường nội địa cũng tăng đến 31,9% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục và tăng trưởng đã tạo đà tốt cho doanh nghiệp ngành dệt may phát triển tích cực ngay từ tháng 1, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010 và tăng lên 16-18 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 9-2, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết so với những tháng cuối năm 2009, sức tiêu thụ, số lượng đơn hàng xuất khẩu trong tháng 1-2010 có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật.

Theo ông Hồng, nhiều nhà nhập khẩu đang chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, tạo ra dấu hiệu tương đối tích cực cho các doanh nghiệp may tại TPHCM, giá cả đơn hàng cũng tăng khoảng 10-15% so với tháng 12-2009. “Phần lớn doanh nghiệp dệt may tại TPHCM đã có đơn hàng sản xuất cho cả 6 tháng đầu năm, đây là dấu hiệu đáng mừng hơn năm 2009 rất nhiều”, ông Hồng nói.

Riêng tại Công ty May Sài Gòn 3, ông Hồng cho biết thêm ngay trong tháng 1, công ty xuất khẩu được 850.000 sản phẩm, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 80.000 đô la Mỹ, tăng 15% so với cùng kỳ. Công ty Sài Gòn 3 cũng đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 85 triệu đô la Mỹ trong năm 2010, tăng 15% so với năm 2009.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Hồng cũng lưu ý là mặc dù tình hình tuy có sáng sủa hơn, nhưng doanh nghiệp cần liên kết thông tin chặt chẽ về giá cả các đơn hàng xuất khẩu, chia sẻ đơn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đừng để đầu năm thì quá thừa đơn hàng, cuối năm lại thiếu.

“Việc tăng đơn hàng ngay từ những tháng đầu năm không chỉ có ý nghĩa khích lệ mà còn giúp Sài Gòn 3 tạo việc làm ổn định cho hơn 2.600 công nhân sau Tết”, ông Hồng cho biết.

Một số doanh nghiệp may khác tại TPHCM cũng cho biết, họ đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho kế hoạch mở rộng sản xuất và mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa trong năm 2010.

Bài toán thiếu lao động cần giải quyết căn cơ

Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sơn Việt ở quận Tân Phú, TPHCM, cho biết ngay sau Tết, công ty sẽ bắt đầu khai trương hàng loạt phòng trưng bày sản phẩm tại tất cả các quận, huyện của thành phố. Theo ông Anh, với chủ trương đẩy mạnh mạng lưới phân phối thị trường trong nước, kế hoạch của công ty trong năm 2010 sẽ khai trương ít nhất 5 phòng trưng bày ở mỗi quận, huyện.        

Tuần qua, Công ty cổ phần May Sơn Việt cũng vừa hoàn tất việc mở rộng nhà máy sản xuất mới ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, thu hút thêm 300 công nhân để tăng sản lượng sản phẩm đồ lót nam và đồ lót nữ mang thương hiệu Relax.

Bộ Công Thương nhận định, trước tình hình sản xuất dệt may tại một số nước khu vực Nam Mỹ, Caribean, Trung Đông và Đông Âu có xu thế giảm sút do chi phí tăng cao, các đơn hàng đang chuyển dịch sang các nước châu Á, nơi có lực lượng lao động dồi dào và chi phí thấp.

Do vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần khai thác triệt để việc thu hút khách hàng nước ngoài bằng các sản phẩm trung, cao cấp đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng.

Bên cạnh đó, để giải bài toán thiếu hụt lao động ngành dệt may một cách căn cơ, Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện chiến lược di dời cơ sở sản xuất dệt may về các vùng nông thôn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới