Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khởi động tái cơ cấu ngân hàng lớn nhất Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khởi động tái cơ cấu ngân hàng lớn nhất Việt Nam

Hồng Phúc

Khởi động tái cơ cấu ngân hàng lớn nhất Việt Nam
Trụ sở một chi nhánh NH Agribank tại Cần Thơ. Ảnh panoramio,.com

(TBKTSG Online) – Ngân hàng quốc doanh lớn nhất về tổng tài sản, nhân sự, mạng lưới – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa được bổ sung nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp nhằm chính thức bước vào chương trình tái cơ cấu  lớn nhất từ trước tới nay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 9-10 đã công bố quyết định bổ nhiệm hầu hết các thành viên hội đồng thành viên, ban điều hành Agribank (xem box dưới).

Theo trang điện tử Ngân hàng này, tính đến 25-5-2014, tổng dư nợ cho vay (bao gồm cả ngoại tệ quy đổi tiền đồng) của Agribank đạt 530.768 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 380.554 tỉ đồng, chiếm 71,7% tổng dư nợ cho vay.

Những con số trên cho thấy tỷ lệ tín dụng dành cho nông nghiệp của Agribank gần đây đã cải thiện so với tỷ lệ cho vay phi nông nghiệp nhưng cũng chưa cao và vững chắc đúng với tiêu chí là ngân hàng Chính phủ sinh ra để phục vụ ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn, nông dân.

Ngoài ra, theo Báo cáo kiểm toán năm 2013 doTổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn ký công bố ngày 29 tháng 4 năm 2014, Agribank còn là ngân hàng tồn tại nhiều vấn đề cần được khắc phục thông qua một chương trình tái cơ cấu sâu rộng.

Báo cáo kiểm toán cho biết, năm 2012 Agribank thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với tiền đồng.

Trong vòng hai năm qua, số cán bộ của Agribank bị bắt liên quan đến hoạt động ngân hàng được thống kê nhiều nhất trong các ngân hàng, rải đều ở các chi nhánh, điểm giao dịch từ Bắc xuống Nam, gần như tháng nào cũng có các vụ bắt giữ cán bộ của Agribank đăng trên báo chí.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn tại ngân hàng giảm: tỷ lệ lợi nhuận năm 2011 của Agribank là 7,11%, sang năm 2012 giảm xuống còn 5,39%.

Agribank cũng là một trong những tổ chức tín dụng có nợ xấu cao. Theo Báo cáo kiểm toán nói trên, tỷ lệ nợ xấu bình quân vào thời điểm 31-12-2012 của 125 tổ chức tín dụng trong cả nước là 4,08% (đến 30-6-2013 là 4,46%), tuy nhiên kết quả thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với 59 tổ chức tín dụng thì tỷ lệ nợ xấu đến 31-12-2012 là 7,8%. Còn kết quả kiểm toán tại Agribank là 8,16%, tăng 34,43% so cùng kỳ. Nợ có khả năng mất vốn của 2-3 ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn trên tổng nợ xấu, Vietinbank là 2.132 tỉ đồng (chiếm 42,8% dư nợ xấu); Agribank là 23.652 tỉ đồng (chiếm tới 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ).

Báo cáo cũng cho biết, nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 của NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì nợ xấu của Agribank lên đến 15,68%, vượt quá mức an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn. Tại Chi nhánh TPHCM, dư nợ của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương đến 31-12-2012 tại ngân hàng này là 3.700 tỉ đồng (gốc: 2.967,7 tỉ đồng, lãi: 732,3 tỉ đồng). Tại Chi nhánh Tân Bình, đến 30-6-2013, tổng dư nợ của nhóm khách hàng công ty Đông Á là 200,5 tỉ đồng (gốc: 148,1 tỉ đồng; lãi: 52,4 tỉ đồng)

Hoạt động đầu tư của ngân hàng này cũng tỏ ra kém hiệu quả. Thu nhập từ hoạt động đầu tư năm 2012 của Agribank bằng 3,57% giá trị đầu tư; một số khoản đầu tư chưa thu được lợi nhuận, nhiều khoản đầu tư bị suy giảm giá trị. Một số khoản đầu tư của Agribank đã suy giảm trên 60% giá trị đầu tư, như khoản đầu tư vào Công ty CP đầu tư Vietnamnet suy giảm 68% giá trị; Công ty CP Vận tải Vinaconex 72%; Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 là 85,08%; Công ty CP Tập đoàn CMC 90,43%.

Công ty con của Agribank, gồm Công ty Cho thuê Tài chính I, Công ty Cho thuê Tài chính II, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín đã đầu tư vào một số đơn vị kinh doanh thua lỗ không bảo toàn được vốn.

Về hoạt động bảo lãnh, 2/3 ngân hàng được kiểm toán đã thực hiện theo quy định hiện hành, riêng Agribank thực hiện không đúng quy trình, vi phạm quy định về phát hành, theo dõi và quản lý thư bảo lãnh. Chi nhánh Tràng An của Agribank không hạch toán trong thời gian dài khoản bảo lãnh 518,56 tỉ đồng cho Công ty REVN vay Ngân hàng nước ngoài (Landesbank), phê duyệt vay và bảo lãnh vay vượt thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc quản lý an toàn vốn vay nhưng không báo cáo cấp trên 134,9 tỉ đồng. Nguyên Giám đốc Chi nhánh Tây Hà Nội ký phát hành bảo lãnh 389 tỉ đồng nhưng không lưu hồ sơ và chứng thư bảo lãnh, không hạch toán. Đã có 2 đơn vị đã khởi kiện yêu cầu Agribank thực hiện trách nhiệm thanh toán.

Những vi phạm và bất cập như vậy ở Agribank tồn tại đã lâu và chỉ có thể giải quyết bằng một cuộc tái cơ cấu toàn diện. Có lẽ đó là động lực khiến Ngân hàng Nhà nước quyết tâm bổ sung nhiều cán bộ giàu kinh nghiệm vào Ban lãnh đạo Agribank để vực dậy ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất nước này

Các vị trí mới ở Agribank:

Ông Trịnh Ngọc Khánh – Phụ trách điều hành Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Agribank được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

Phó tổng giám đốc ngân hàng gốc quốc doanh khác, ông Phạm Đức Ấn từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chuyển qua làm Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank.

Ông Tiết Văn Thành – Phó tổng giám đốc Agribank được bổ nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng Thành viên và giao làm quyền tổng giám đốc ngân hàng này.

Năm thành viên khác thuộc hội đồng thành viên: Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN; ông Phạm Hoàng Đức – Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán, NHNN; ông Nguyễn Đăng Hồng – Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN; ông Nguyễn Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, NHNN; ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị,Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp.

Hai tân phó tổng giám đốc: bà Nguyễn Thị Phượng – Giám đốc Sở giao dịch Agribank; bà  Đinh Thị Thái – Trưởng phòng Phòng Quản lý rủi ro tín dụng Vietcombank.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới