Khởi động tuyến metro đầu tiên của TPHCM
![]() |
Quang cảnh lễ khởi công depot Long Bình sáng 21-2 – Ảnh: KINH LUÂN |
(TBKTSG Online) – 9 giờ sáng ngày 21-2, lễ khởi công xây dựng depot (nhà ga, trạm bảo dưỡng kỹ thuật và trung tâm đào tạo) của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đã diễn ra tại phường Long Bình, quận 9, TPHCM, đánh dấu việc thành phố bắt đầu đưa kế hoạch phát triển mạng lưới vận tải công cộng sức chở lớn đi vào hiện thực.
Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, chủ đầu tư dự án, cho biết depot Long Bình là bước khởi động cho dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. Dự kiến, tuyến metro đầu tiên này – với chiều dài 19,7 km nối từ chợ Bến Thành đến công viên Suối Tiên, sẽ khởi công vào đầu năm 2009 và hoàn thành vào năm 2014.
Dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã được UBND TPHCM quyết định phê duyệt với tổng vốn đầu tư là 1,09 tỉ đô la Mỹ, trong đó, phần vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) là 905 triệu đô la Mỹ, còn lại là vốn đối ứng trong nước.
Tuyến đường sắt đô thị được đánh số 1 này sẽ đi qua các quận 1, 2, 9, Thủ Đức và một phần huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
![]() |
Sơ đồ tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên – Ảnh: KINH LUÂN |
Đoạn đi ngầm dài 2,6 km bắt đầu từ ga số 1 tại vòng xoay công viên Quách Thị Trang – trước chợ Bến Thành, đi theo đường Lê Lợi đến ga số 2 là công viên Nhà hát thành phố. Sau đó đi tiếp qua khu vực bên hông Nhà hát TP, trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn, theo đường Nguyễn Siêu qua trụ sở Fafilm đến ga số 3 (Nhà máy Ba Son) chuyển từ đi ngầm sang đi trên cao.
Đoạn metro trên cao dài 17,1km đi theo rạch Văn Thánh, qua sát hồ công viên Văn Thánh, vượt qua đường Điện Biên Phủ và sông Sài Gòn tại vị trí cách tim cầu Sài Gòn hiện hữu 36,78m về phía thượng lưu. Sau đó, tuyến đi tiếp trong hành lang phía bắc xa lộ Hà Nội, vượt sông Rạch Chiếc, rồi theo hành lang phía bắc xa lộ Hà Nội vượt sang phía nam xa lộ Hà Nội để vào ga cuối tại bến xe Suối Tiên, rẽ phải vào depot Long Bình.
Trên tuyến metro có 14 ga, trong đó có 10 ga trên cao và bốn ga đi ngầm. Tại các ga trên xa lộ Hà Nội đều xây dựng các cầu vượt đường ô tô vào lề đường để khách băng đường vào nhà ga. Xây dựng 450,5 m cầu vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh và Điện Biên Phủ và 383 m cầu vượt sông Sài Gòn và sông Rạch Chiếc.
Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cho biết tại các nhà ga đều có bố trí các bãi giữ xe cá nhân, có bến xe buýt trung chuyển đi vào thành phố hoặc đến các khu dân cư các tỉnh lân cận trong khu vực miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai…
UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vào tháng 6-2008. Theo bà Nguyệt, công tác đấu thầu và chọn nhà thầu xây dựng, nhà thầu cung cấp thiết bị sẽ được hoàn thành tháng 10-2008 để khởi công công trình vào đầu năm 2009. Hiện tại, tập đoàn Alstom (Pháp) đã bày tỏ kỳ vọng trở thành một trong những nhà thầu chính của dự án, trong khi đó, hai tập đoàn lớn của Nhật Bản là Nippon Koei và Sumitomo cũng đang nỗ lực được tham gia vào dự án trong vai trò nhà thầu xây dựng, cung cấp thiết bị và công nghệ.
Dù cho nhà thầu nào được chọn, theo bà Nguyệt, tuyến metro đầu tiên này vẫn sẽ là dự án áp dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới.
Quy hoạch các tuyến metro của TPHCM: có tổng chiều dài là 109,7 km, bao gồm: Tuyến 1: Bến Thành – Suối Tiên, dài 19,7 km. Tổng vốn đầu tư 1,09 tỉ đô la Mỹ, sử dụng vốn vay JBIC. Tuyến 2: Ngã tư An Sương – Thủ Thiêm, dài 19 km. Tuyến 3: Quốc lộ 13 – Bến xe miền Đông, dài 24 km. hai tuyến metro số 2 và 3 đã được tập đoàn Siemens (Đức) lập dự án đầu tư sơ bộ và đang được ADB tài trợ nghiên cứu hoàn chỉnh và tìm nguồn vốn đầu tư. Tuyến 4: Cầu Bến Cát – Đường Nguyễn Văn Linh, dài 24 km. Tập đoàn SFECO (Trung Quốc) đang tiến hành khảo sát tuyến thực địa và đang lập dự án đầu tư. Tuyến 5: Cầu Sài Gòn – Bến xe Cần Giuộc, dài 17 km. Đang tìm đối tác để đầu tư. Tuyến 6: Ngã ba Bà Quẹo – Vòng xoay Phú Lâm, dài 6 km. Đang tìm đối tác để đầu tư. Dự kiến giá vé metro khi đưa vào khai thác năm 2014 là 3.000 đồng + (300 đồng x độ dài di chuyển tính bằng km). Vào năm 2015 – 2019 là 4.000 đồng + (400 đồng x độ dài di chuyển tính bằng km) và năm 2020 là 5.000 đồng + (500 đồng x độ dài di chuyển tính bằng km). Với giá này, vào năm 2014, khi đi từ Bến Thành đến Suối Tiên (và ngược lại), hành khách chỉ mất phí 9.000 đồng với thời gian 30 phút, rẻ hơn chi phí tiêu hao nhiên liệu khi sử dụng xe máy (khoảng 0,8 lít xăng, tương đương 10.000 đồng) trên cùng đoạn đường. (Nguồn: Ban quản lý đường sắt đô thị) |
YẾN DUNG