Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khởi kiện Trung Quốc: Cần một quy trình xác lập chứng cứ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khởi kiện Trung Quốc: Cần một quy trình xác lập chứng cứ

LS. Châu Huy Quang (*)

(TBKTSG) – Trong cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài quốc tế, đương đơn được đệ trình bất cứ bằng chứng nào mà họ cho là hữu ích cho vụ kiện của mình. Bên cạnh vai trò nhân chứng, chuẩn bị nguồn chứng cứ cũng là việc trọng yếu.

Trong thực tiễn, việc xác lập chứng cứ luôn là vấn đề gây tranh cãi, phụ thuộc hội đồng trọng tài (HĐTT) cũng như nơi tiến hành tố tụng (nguyên tắc lex loci arbitri). Đối với vụ kiện như vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc, đạt được một phương thức xác lập chứng cứ làm cơ sở cho một phán quyết “làm tâm phục khẩu phục” cho các quốc gia có hệ thống luật pháp, lợi ích pháp lý chính trị đối lập nhau là vấn đề trọng yếu.

Nguyên tắc chứng cứ chung

Thực tế, quy tắc đệ trình chứng cứ do HĐTT thiết lập tương ứng với từng vụ kiện cụ thể. Do vậy, quy tắc này thường ít chặt chẽ hơn so với quy định về thu thập chứng cứ theo quy định pháp luật dân sự, hành chính hay hình sự của mỗi quốc gia riêng biệt.

Do tính chất phức tạp của tố tụng trọng tài quốc tế, các nguyên tắc chứng cứ xét về lịch sử có kế thừa luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia. Các nước theo hệ thống thông luật (common law) như Anh – Mỹ thường xây dựng nguyên tắc bộc lộ chứng cứ (discovery of evidence) cởi mở linh hoạt hơn so với hệ thống dân luật (civil law) như Việt Nam. Nguyên tắc này thường được ghi nhận trong các hiệp định song phương và đa phương như Hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc (1998), Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Trong tố tụng, chứng cứ được thể hiện dưới dạng chứng cứ thành văn và lời khai của nhân chứng. Trong quá trình đánh giá chứng cứ, HĐTT có thể triệu tập các chuyên gia cung cấp ý kiến kỹ thuật liên quan chứng cứ.

Chuyên gia có thể cung cấp ý kiến về một vấn đề cụ thể và có thể gây ra bất lợi đối với một bên. Tuy nhiên, HĐTT không bị ràng buộc bởi ý kiến chuyên gia và sử dụng các ý kiến đó như một nguồn tham khảo. HĐTT và nhân chứng chuyên gia cũng có thể kiểm tra thực địa nơi xảy ra tranh chấp để thu thập, đối chứng nếu có liên quan đến bối cảnh, nguồn gốc của tranh chấp.

Kết hợp nguyên tắc chứng cứ của thông luật và dân luật

Quy trình lựa chọn chứng cứ của hệ thống thông luật dựa trên khía cạnh kỹ thuật, các quy tắc thẩm định chứng cứ khá chặt chẽ. Theo đó, sự kiện (facts) phải được minh chứng bằng các bản chứng thực (testimonial evidence) và lời khai (oral testimony) của nhân chứng tại phiên xử. Điểm đặc trưng của quy trình này là chú trọng kiểm chứng bằng chứng và nhân chứng thông qua phiên thẩm vấn chéo (cross-examination).

Một vụ kiện công pháp phức tạp do sự kiện đan xen và xảy ra trong một thời gian dài, do vậy HĐTT không thể giải quyết hiệu quả được vụ kiện nếu không xác lập được quy trình thu thập, thẩm định chứng cứ.

HĐTT thường khuyến khích các bên đạt thỏa thuận chung về quy trình xác lập chứng cứ trong tố tụng trọng tài. Quy trình xác lập chứng cứ không có khác biệt đáng kể giữa vụ kiện tư pháp và vụ kiện công pháp quốc tế.

Do vậy, nhóm nguyên tắc – quy tắc chứng cứ của trọng tài UNCITRAL và IBA cũng có điểm tương đồng và trùng lặp với quy tắc của Tòa án trọng tài thường trực La Haye hay quy tắc của Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID), cơ quan chuyên trách giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ của nước thành viên Công ước Washington (1965).

Chấp nhận chứng cứ

HĐTT có trách nhiệm tiếp nhận trình bày từ đương đơn và có quan điểm sau khi thẩm định các chứng cứ của các bên. HĐTT sẽ tự định lượng tính liên quan, khách quan, tầm quan trọng và giá trị của chứng cứ do các bên đệ trình. Việc các bên tranh cãi, suy diễn hay biện hộ thay cho tài liệu chứng cứ không được khuyến khích trong đánh giá chứng cứ. Ví dụ, đối với việc Trung Quốc suy diễn công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là văn bản pháp lý thừa nhận chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa, gặp sự phản đối của Việt Nam, HĐTT có quyền “định đoạt” số phận chứng cứ tương tự. Các chứng cứ trùng lặp, đánh tráo nội hàm, suy diễn nguồn gốc xuất xứ, mang tính áp đặt hoặc xác lập không minh bạch sẽ bị loại bỏ.

Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp

Chứng cứ tài liệu trong tố tụng trọng tài quốc tế gồm chứng cứ trực tiếp (chứng cứ chính) và chứng cứ gián tiếp (chứng cứ bổ sung). Một bản sao tài liệu, bản tuyên thệ hay chứng cứ dựa vào việc nghe, đọc được từ một người khác (hearsay testimony) chỉ được xem là chứng cứ gián tiếp. Với tinh thần “trọng chứng hơn trọng cung”, chứng cứ trực tiếp được xem là đáng tin cậy hơn so với chứng cứ gián tiếp. HĐTT thường chỉ xem đến chứng cứ gián tiếp khi không có chứng cứ trực tiếp hoặc có nhưng bị nghi vấn. Thông thường bên nào thu thập và cung cấp được nhiều chứng cứ trực tiếp sẽ chiếm ưu thế trong tố tụng trọng tài quốc tế.

Giả định và suy đoán

Khi một bên không đệ trình được chứng cứ trực tiếp, HĐTT buộc phải giả định hoặc suy diễn về một sự kiện dựa trên cơ bản các bằng chứng và sự kiện khác được xác định từ chứng cứ gián tiếp. HĐTT có quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ trên cơ sở bên đó đang chiếm hữu chứng cứ cần xem xét. Ngay ở giai đoạn tiền tố tụng, các bên cần cân nhắc kỹ lưỡng khi công bố các chứng cứ nếu chưa xác định rõ ràng liệu chứng cứ đó có “chống” lại luận cứ của mình.

Bộc lộ chứng cứ tài liệu

Biết sử dụng quyền yêu cầu cung cấp, phát hiện hay buộc bộc lộ chứng cứ tài liệu của một bên trong vụ kiện là quan trọng. Nhìn chung các bên thường có xu hướng “thoái thác” nghĩa vụ bộc lộ chứng cứ bất lợi cho mình. Nếu HĐTT đã có “trát lệnh” cung cấp tài liệu và bên bị yêu cầu không cung cấp mà không có lý do chính đáng HĐTT có thể suy đoán và quyết định bất lợi đối với bên từ chối cung cấp chứng cứ. Các quy tắc liên quan đến việc giao nộp các tài liệu gốc trong tố tụng quốc tế ít nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu tính xác thực của một tài liệu bị nghi ngờ là ngụy tạo, bên đệ trình tài liệu phải chứng minh tính xác thực của nó.

Chứng cứ xác lập trong quá trình đàm phán ngoài tố tụng

Như một ứng xử chung, HĐTT không có nghĩa vụ xem xét bằng chứng xác lập trong quá trình giải quyết thương lượng ngoài tố tụng. Một vấn đề có thể gây tranh cãi là liệu có một “chứng cứ chính” chỉ được bộc lộ trong giai đoạn đàm phán có thể dùng để chống lại một bên trong tố tụng trọng tài hay không? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự suy đoán và quyết định của từng HĐTT trong bối cảnh vụ việc cụ thể.

Trở lại vụ kiện Trung Quốc, việc chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa nếu nước này tiếp tục “tận dụng” công thư 1958 có thể dễ bị bác bỏ.

(*) Luật sư điều hành Rajah & Tann LCT Lawyers

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới