Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khởi nghiệp: Làm sao để nhận tài trợ từ IPP?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khởi nghiệp: Làm sao để nhận tài trợ từ IPP?

Đức Tâm

Khởi nghiệp: Làm sao để nhận tài trợ từ IPP?
Ông Riku Makela đại diện IPP giới thiệu về chương trình tài trợ dành cho các dự án hỗ trợ khởi nghiệp – Ảnh: Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Sáng nay 8-12, chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2 – Innovation Partnership Program) đã có buổi giới thiệu chi tiết các điều kiện để những dự án hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp có cơ hội nhận được tài trợ từ đơn vị này.

Theo đó, điều kiện tiên quyết là dự án xin tài trợ phải có sự hợp tác của ít nhất ba tổ chức độc lập với nhau.

Theo lý giải của công Riku Makela, chuyên gia đổi mới sáng tạo của IPP, thì một tổ chức đơn lẻ sẽ rất khó có thể hỗ trợ tốt cho cộng đồng khởi nghiệp, nhưng nếu cùng nhau, họ sẽ làm được nhiều điều to lớn hơn.

Để dễ hiểu, ông Riku đưa ra ví dụ về dự án “Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo tại Đà Nẵng”, một dự án được IPP tài trợ trong giai đoạn 1. Đây là một dự án được hợp tác bởi ba đơn vị khác nhau là trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Đại học Đà Nẵng, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng (DISED) và 9StartLab, một câu lạc bộ Kiến tạo khởi nghiệp tại Đà Nẵng.

Dự án ra đời nhằm xây dựng những vườm ươm và các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ngay trong các trường đại học cũng như tại Thành phố Đà Nẵng với sứ mệnh đưa Đà Nẵng trở thành một trong những cộng đồng khởi nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam và là một trung tâm thương mại tại khu vực ASEAN đến năm 2025.

Sau khi các tổ chức độc lập kết nối lại với nhau tạo thành một đơn vị lớn hơn, tạm gọi là tổ hợp (Consortium), theo cách gọi của IPP thì tổ hợp cần gửi một kế hoạch dự án chung mô tả nội dung và chi phí hoạt động đến IPP. Trong đó, bản kế hoạch này cần thể hiện sáu yếu tố cơ bản, gồm: nhu cầu từ thị trường; giải pháp; đội ngũ nhân sự của tổ hợp; khả năng tài chính; ngân sách thực hiện dự án; kế hoạch triển khai. 

Bản kế hoạch cần được nộp đến IPP trước ngày 21-2-2016 qua địa chỉ email: haovu@ipp.vn. Các dự án khả thi, qua phỏng vấn và đánh giá của các chuyên gia IPP, sẽ được công bố vào tháng 4-2016.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4-2016, IPP sẽ thương lượng và ký hợp đồng tài trợ riêng lẻ với từng đơn vị trong các dự án được lựa chọn. Ví dụ như với dự án “Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo tại Đà Nẵng” nêu trên, IPP sẽ ký ba hợp đồng tài trợ độc lập cho ba đơn vị khác nhau là 9StartLab, DISED và trường Cao đẳng CNTT – Đại học Đà Nẵng.

IPP chỉ tài trợ các chi phí liên quan đến nhân sự, cụ thể sẽ bao gồm 70% chi phí nhân lực nội bộ và nhân lực ngoại liên quan đến dự án. Nhân lực ngoại được hiểu là các chuyên gia bên ngoài, có thể từ nước ngoài, mà dự án thuê để tư vấn, hỗ trợ trong quá trình dự án hoạt động.

Nguồn vốn cấp trong giai đoạn 6 – 8 tháng đầu tiên cho mỗi dự án nhiều nhất là 50.000 euro. Các dự án có tiềm năng nhất sẽ có thể nhận được một khoản hỗ trợ bổ sung tối đa là 100.000 euro.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết chương trình tài trợ của IPP tại đây.

Mời xem thêm:

IPP tài trợ các dự án hỗ trợ khởi nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới