Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

Thanh Thương

Ông Vũ Đình Ánh trao đổi với các đại biểu trong hội thảo “Những tác động đối với doanh nghiệp sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII” sáng 15-7. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Các diễn giả tại hội thảo “Những tác động đối với doanh nghiệp sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15-7 cho rằng trong khi lạm phát có thể bằng hoặc thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra thì việc cần làm hiện nay là nên khơi thông nguồn vốn đến doanh nghiệp.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, trong những tháng đầu năm, những thông tin lo ngại lạm phát sẽ trên 2 con số, cùng theo đó lãi suất cho vay lên cao, nếu cộng cả các loại phí thì có thể lên đến 16-18%/năm, đã khiến cho các doanh nghiệp rất dè dặt trong việc vay vốn.

“Trong khi đó, lãi suất cao cũng khiến nhiều ngân hàng lo ngại doanh nghiệp không có khả năng trả nợ nên cũng không mặn mà với việc cho vay, vì vậy, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó trong kinh doanh những tháng đầu năm”, ông Kiêm nói thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Kiêm, nếu lạm phát hơn 10%, lãi suất thêm khoảng 16% nữa thì doanh nghiệp phải có lợi nhuận rất cao mới bù đắp được.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội TPHCM, cũng cho rằng độ trễ của các chính sách tác động sâu sắc đến doanh nghiệp từ đầu năm 2010, khi gói kích cầu của chính phủ kết thúc, và lạm phát bắt đầu tăng lại, khiến cho chính sách tiền tệ không được nới lỏng, vì vậy, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã gặp khá nhiều khó khăn. Trong giai đoạn giá xăng đã giảm, giá điện, giá than cũng đã được cam kết không tăng trong 6 tháng thì đây là thời cơ thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Kiêm cho rằng khi lạm phát đã ở mức có thể kiểm soát được thì việc mang vốn đến cho doanh nghiệp là việc cần triển khai sớm. Song theo ông Kiêm thì với việc kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay như hiện nay thì chính phủ cần giám sát kỹ, và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, vì nếu ngân hàng có khoảng chênh lệch thấp giữa lãi suất huy động và cho vay thì sẽ khó giữ được mức lãi suất thấp như đã công bố.

“Như vậy, lại quay về vấn đề ngân hàng tiếp tục tăng các loại phí lên để bù cho khoản lợi nhuận thiếu hụt đó, và doanh nghiệp lại quay về với bài toán xoay xở cùng lãi suất”, ông Kiêm nói thêm.

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Ngân hàng TPHCM, với tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ dừng ở mức 10,52%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 25% thì trong thời gian 6 tháng còn lại của năm, việc nới lỏng tín dụng là việc nên làm để nguồn vốn được khơi thông đến nhiều ngõ ngách của nền kinh tế.

Theo ông Dương, về phía ngân hàng, bản thân bộ phận thẩm định cho vay của nhiều ngân hàng hiện nay còn yếu, do vậy, chưa nhìn nhận đúng tính khả thi của các dự án, nên hầu như buộc doanh nghiệp phải thế chấp. “Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ chủ yếu là thuê mặt bằng, nhà xưởng nên cũng không có tài sản thế chấp”, ông Dương nói.

“Một kênh dẫn vốn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ nên phát huy hiện nay là quỹ bảo trợ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc Ngân hàng Phát triển. Nếu ngân hàng này làm tốt công tác thẩm định thì doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ hơn trong việc tíếp cận vốn”, ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quí 3 có thể tiếp tục tăng với mức thấp, từ 0,2 – 0,5%/tháng, trước khi bước vào giai đoạn tăng cao hơn, khoảng từ 0,5 – 1,5%/tháng trong quí 4. Như vậy CPI cả năm có thể tăng từ 8 – 9% so với cuối năm 2009.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới