Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không ai chỉ cho nông dân cách đầu tư nuôi bò sữa 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không ai chỉ cho nông dân cách đầu tư nuôi bò sữa 

Chăn nuôi nhỏ lè, thiếu quy hoạch là những bất ổn lâu dài của chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Bất đồng giá sữa nguyên liệu giữa Vinamilk và nông dân chăn nuôi bò sữa ở ngoại thành TPHCM xảy ra trong thời gian qua chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.  

Đằng sau câu chuyện nông dân muốn bán sữa giá cao, còn Vinamilk vẫn giữ quan điểm thu mua của mình là một câu chuyện dài về những bất ổn của ngành chăn nuôi bò sữa hiện nay.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Lưu Văn Tân, người gắn bó với chăn nuôi bò sữa 25 năm qua và từng làm công tác nghiên cứu bò sữa tại Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, xung quanh câu chuyện giá sữa.  

Thưa ông, phải chăng giá sữa hiện đang bất hợp lý, thiệt thòi cho nông dân nên thời gian gần đây, dư luận trong nông dân nói rất nhiều về vấn đề này, thậm chí chính quyền thành phố phải đứng ra dàn xếp?  

Theo tôi, cái quan trọng của người chăn nuôi không phải là giá sữa, mà là làm sao để người chăn nuôi có lợi nhuận ổn định, lâu dài. Muốn làm được được điều này, phải bắt đầu từ ngành chăn nuôi bò sữa và quy hoạch của nhà nước.  

Cái mà người chăn nuôi đang thiếu hiện nay là thiếu một quy hoạch chi tiết, rõ ràng. Quy hoạch hiện nay có nơi thì chưa có, nơi có thì không đi vào chi tiết. Chi tiết ở đây được hiểu là huyện nào đó có khả năng nuôi bò sữa không, rồi trong huyện thì xã nào nên nuôi, xã nào không, thậm chí trong xã, có ấp nuôi có ấp thì không nên. Chẳng hạn ở huyện Củ Chi thì nên nuôi bò sữa nhưng ngay trong huyện thì thị trấn Củ Chi nuôi bò sữa không thể bằng xã An Nhơn Tây. Ngay trong xã An Nhơn Tây không phải ấp nào cũng nuôi tốt.  

Có quy hoạch chi tiết rồi thì nhà nước, các cơ quan khuyến nông phải hỗ trợ nông dân tính toán các nguồn lực về vốn, hạ tầng, công nghệ và nhiều thứ khác. Hay nói khác hơn là tư vấn cho nông dân hiểu là với nguồn lực của anh như vậy, anh có nên nuôi hay không chứ không phải ai ở trong vùng quy hoạch đều có thể nuôi. Tính toán, tư vấn của cơ quan nhà nước có liên quan phải chỉ ra cho nông dân thấy ngay từ đầu giá thành nuôi bò sữa của cá nhân hộ gia đình mình, trước khi nông dân đầu tư.  

Theo tôi, ở huyện Củ Chi và Bình Chánh thì nuôi bò sữa được, tất nhiên không phải chỗ nào trong hai huyện này đều nuôi được, còn Hóc Môn, quận 12, hay Gò Vấp thì không nên. Làm sao mà nông dân ở thị trấn Hóc Môn nuôi bò sữa có hiệu quả khi giá đất ở đó là giá trên trời, cỏ thì không có. Xung quanh khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và thị trấn Củ Chi giá đất tính bằng tiền tỉ mỗi héc ta mà nông dân nuôi bò sữa thì giá thành sữa cao ngất trời.

Thử hình dung, chỉ cách siêu thị Coopmart ở ngã tư Thủ Đức trong vòng bán kính 2 km, người dân vẫn nuôi bò sữa mà đất ở đó là đất đang đô thị hóa, giá đất cao đến cỡ nào thì hạch toán làm sao giá thành sữa thấp được, nếu xem hộ nuôi bò sữa là một đơn vị sản xuất hàng hóa. Chúng ta phải nhìn nhận nông dân chăn nuôi bò sữa là sản xuất hàng hóa, là vấn đề kinh tế, có đầu ra, đầu vào và lợi nhuận trên đồng vốn bỏ ra là quan trọng nhất chứ giá sữa chưa nói lên được điều gì.  

Nông dân ở Bến Cát, Bình Dương mà bán sữa giá 7.000 đồng/kg thì tỷ suất lợi nhận trên đồng vốn bỏ ra rất cao, còn nông dân ở những nơi tôi nói như Thủ Đức, Hóc Môn, thị trấn Củ Chi hay quận 12, dù giá sữa có 10.000 đồng/kg thì hạch toán đầy đủ họ vẫn lỗ nặng. Đơn giản vì Bến Cát giá đất chỉ bằng 1/10 giá đất ở thị trấn Hóc Môn hay Thủ Đức. Đó là chưa kể nhân công ở Bến Cát cũng có chi phí rẻ hơn.  

Vậy theo ông, ngành chăn nuôi bò sữa đang có vấn đề bất ổn?  

Bất cứ hộ chăn nuôi nào trước khi đầu tư phải tính toán từ kinh nghiệm, công nghệ, đồng vốn, diện tích trồng cỏ, nơi mua thức ăn, ai mua sữa… trước khi bỏ tiền ra xây chuồng trại. Gắn bó nhiều năm tôi mới thấy nông dân, nhiều người không hề tính toán giá thành sản xuất, lợi nhuận trước khi đầu tư, mà nhà nước cũng ít quan tâm vấn đề quan trọng này.  

Một hộ nông dân có 2.000 mét vuông đất ở gần khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi đề nghị được nuôi bò sữa, tôi tư vấn là nên xây phòng trọ cho công nhân thuê vừa thu lợi nhuận cao, vừa khỏe người hơn là nuôi bò sữa, vì miếng đất anh ta rất đắt, lại gần khu công nghiệp.  

Tôi cho rằng, sẽ tốt hơn nếu báo cáo của ngành nông nghiệp nói rằng đàn bò sữa giảm 1/3 hay thậm chí là 1/2 nhưng tự hào vì lợi nhuận tính trên một ki lô gam sữa của nông dân hay tính trên đơn vị diện tích đất nuôi bò sữa tăng gấp đôi, gấp ba.  

Nhưng đáng buồn là ngành nông nghiệp lại chỉ quan tâm tới sản lượng sữa, số lượng bò mà không quan tâm tới chỉ tiêu quan trọng nhất là hiệu quả của đồng vốn đầu tư hay hiệu quả tính trên một đơn vị diện tích. Thấy đàn bò tăng lên là mừng, còn giảm xuống thì lại lo, lại đi tìm nguyên nhân.

Chính vì chúng ta đang chạy theo chỉ tiêu số lượng đơn thuần nên bây giờ, 80% người chăn nuôi bò sữa dạng nhỏ lẻ mà trước khi họ nuôi, không ai nói, hoặc nếu có thì không chi tiết, rằng anh nuôi bò kiểu này thì giá sữa cỡ nào cũng lỗ. Còn nếu nuôi nhiều mà ở sát khu công nghiệp hay ngay trong thị trấn với giá đất trên trời thì cũng lỗ hoặc không cạnh tranh giá so với những nơi khác.  

Cũng chính vì nuôi nhỏ lẻ nên người nông dân khó có thể tạo ra chất lượng sữa tốt. Mà giá sữa thì phụ thuộc vào chất lượng. Một ký sữa có giá 1.000 đồng có khi vẫn đắt, nhưng có khi 8.000 đồng vẫn rẻ, vì 1.000 đồng mà có dư lượng kháng sinh cũng vứt đi, còn 8.000 đồng mà an toàn, chỉ tiêu vi sinh tốt, điều kiện bảo quản, vệ sinh chuồng trại đều tốt thì cũng nên mua.  

Nhiều người cứ lấy Israel ra để nói rằng họ đất chật, khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn đầu tư nuôi tốt, năng suất sữa cao. Xin nói ngay là nông dân ta khác nông dân Israel, công nghệ, quản lý của ta cũng ở trình độ khác. Không nên so sánh khập khiễng như vậy.  

Bất ổn nữa rất dễ thấy là nông dân nuôi bò sữa ở quận 12, Hóc Môn ở gần nhà máy của Công ty liên doanh Bia Việt Nam nhưng họ mua hèm bia của nhà máy này có giá 800 – 900 đồng/kg, gấp đôi giá bán tại cổng nhà máy mà chất lượng lại giảm vì các khâu trung gian đã pha thêm nước vào. Điều này có nghĩa đầu vào của chăn nuôi bò sữa hiện phải gánh quá nhiều chi phí trung gian.  

60-70% giá thành sữa lại nằm ở chi phí thức ăn nhưng một ki lô gam thức ăn cho bò phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian, giá đội lên cao 5-10% so với giá gốc của nhà máy; rồi cỏ cũng mua nhưng mua qua trung gian. Chi phí đầu vào càng đội lên, càng qua nhiều tầng trung gian thì lợi nhận của nông dân nuôi bò sẽ đi theo chiều ngược lại.  

Nhưng giá sữa hiện nay cũng làm nông dân gặp khó khăn?  

Câu chuyện giá sữa hiện nay giữa nông dân và Vinamilk, theo tôi, chỉ là bức xúc của người nông dân trong ngắn hạn, còn về lâu dài, 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa, ngành nông nghiệp cùng nông dân phải tính toán cho bài toán chăn nuôi của mình. Nếu không tính toán, giả sử giá sữa có tăng lên trong ngắn hạn thì thời gian tới, mâu thuẫn lại tiếp tục phát sinh do chính nội tại của ngành chăn nuôi.  

Xin cảm ơn ông!

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới