Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không ai là con số 0

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không ai là con số 0

Nội dung: Vân Ly – Trình bày: Thu Trang

Không ai là con số 0
 

(TBKTSG Online) – Đối với một doanh nghiệp đã tuyên bố dốc toàn lực cho chuyển đổi số, “nếu không làm thì sẽ chết” như phát biểu của ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, thì con người sáng tạo đóng vai trò hạt nhân trong cuộc chuyển hướng mạnh mẽ này.

Cuộc trao đổi giữa người viết bài và ông Lê Đăng Dũng diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, thực hiện qua nhiều cách thức như cuộc gọi thoại, tin nhắn, thư điện tử (e-mail)… Trong cuộc nói chuyện với người "thuyền trưởng" đang lèo lái tập đoàn hơn 70.000 nhân sự trong và ngoài nước này, con người luôn là trọng tâm của mọi cuộc cải tổ và đổi mới theo hướng sáng tạo. Tinh thần này đã được truyền tải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, và trở thành một văn hóa bền vững ở Viettel.

Người viết chợt nhớ lại lời chia sẻ của người tiền nhiệm của ông Lê Đăng Dũng là ông Nguyễn Mạnh Hùng, cũng chính là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay, tại một buổi gặp gỡ báo giới: Ở Viettel không ai là con số không, tức là ai có năng lực nào, đến đâu thì dùng đến đó. Không phải ai cũng thông minh giống nhau, không phải ai cũng có năng lực giống nhau. Mấu chốt là có tấm lòng, có ý chí, có sự lao động hết mình để thực hiện công việc hằng ngày, cho dù đó là việc nấu ăn, bảo vệ, lái xe, bán hàng, kỹ sư, cán bộ quản lý và cả ban lãnh đạo tập đoàn.

Đáp lại lời kêu gọi của ban lãnh đạo tập đoàn, trong vòng 5 năm vừa qua, người lao động ở Viettel đã sản sinh ra khoảng 6.000 sáng kiến ý tưởng, giá trị làm lợi hơn 10.000 tỉ đồng; đồng thời đã ứng dụng thành công vào công tác điều hành, quản lý và các lĩnh vực khác, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng.

Tại Viettel, người lao động là chủ thể vận hành cỗ máy kiến tạo ý tưởng, nhưng đồng thời cũng là đối tượng được hưởng lợi từ kết quả thi đua. Với mỗi ý tưởng, đóng góp, cống hiến, ngay lập tức người lao động được hưởng mức thưởng xứng đáng. Đơn cử, từ kết quả cuộc thi tìm giải pháp xây dựng môi trường làm việc lý tưởng “Tôi xây ngôi nhà mơ ước của tôi”; đã có ba ý tưởng được lựa chọn trao giải là: “Happy time, happy day, happy dinner, happy event”, “Kho việc khó” và “Chuyển việc” được lãnh đạo Tập đoàn tặng thưởng mức 100 triệu đồng/ý tưởng.

Một nét chấm phá rất dễ nhận ra trong bức tranh sáng tạo ở Viettel chính là việc bộ máy lãnh đạo, quản lý liên tục đưa ra những “thách thức” để người lao động suy nghĩ, trăn trở và đưa ra ý tưởng đổi mới. Đó là cách Viettel thể hiện sự trân trọng, tạo cơ hội cho người lao động phát triển, tiến bộ; đồng thời cũng là cách phát huy sức mạnh tổng thể trong nội bộ tập đoàn.

Một câu chuyện mà những thế hệ đầu của Viettel luôn khắc ghi và thế hệ trẻ nhất luôn tự hào khi nghe kể lại: Vào năm 1997, khi Viettel được cấp hai sợi cáp quang trên đường dây 500 KV, giới chuyên môn cho rằng Viettel khó triển khai, vì chỉ có một sợi thu, một sợi phát thì không còn cho việc dự phòng. Việc triển khai cần phải thuê tư vấn của chuyên gia nước ngoài, trong khi yêu cầu đường trục quân sự thì phải tự làm. Khó khăn, trở ngại đó đã không ngăn được ý chí, tinh thần Viettel.

Các kỹ sư Viettel đã tự nghiên cứu thiết kế xây lắp và thông tuyến thành công đường trục cáp quang quân sự Bắc – Nam mà không có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài, với công nghệ SDH, thu phát trên cùng một sợi quang. Đây là công nghệ hiện đại của thế giới vào thời điểm đó, mới triển khai ở Singapore, lần đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam.

Việc xây dựng đường trục cáp quang này là thành công mang tính sáng tạo, đột phá, để ít năm sau Viettel tiếp tục đề xuất tận dụng dung lượng nhàn rỗi của hạ tầng cáp quang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, triển khai kinh doanh dịch vụ viễn thông. Bài học ở đây là phải biết phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo, nội lực.

Theo người đứng đầu Viettel, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, bài học từ những ngày ban đầu gian khó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi lẽ, con người hoạt động trên lĩnh vực công nghệ thông tin cũng giống như một thiết bị công nghệ. Hôm nay là hiện đại, là tối ưu, nhưng ngày mai đã lỗi thời, lạc hậu. Bởi vậy, Viettel luôn biết cách không hài lòng với những gì đang có. Thiết bị này đang bán chạy, cho giá trị lớn, nhưng đó cũng là lúc phải nghĩ đến việc sáng tạo ra thiết bị khác tối ưu hơn, giá trị hơn. Con người cũng vậy, ngày mai mà vẫn như hôm nay là thụt lùi. Tức là con người phải đặt ra yêu cầu cao đến vài trăm phần trăm, để phấn đấu vì mục tiêu cao nhất là đổi mới chính mình. “Trong mỗi con người đều có rất nhiều năng lượng đang ngủ. Muốn đánh thức nó thì phải kích hoạt, phải đặt ra những thách thức thật sự”, ông Lê Đăng Dũng khẳng định.

Một trong tám giá trị cốt lõi của Viettel là “Truyền thống và cách làm người lính”, trong đó đề cao yếu tố đoàn kết, gắn bó, kỷ luật. Khi thực thi thì “quân lệnh như sơn”, còn trong quá trình sáng tạo thì rất dân chủ. Trên thực tế, ở Viettel hiện tại chia làm hai loại hội nghị. Những hội nghị điều hành thì cấp trên triển khai, cấp dưới thực hiện; ngược lại những hội nghị đi tìm ý tưởng mới, trao đổi, đối thoại thì người chỉ huy chỉ là người khởi xướng.

Trong các hội nghị, mọi văn bản, Viettel luôn dành dung lượng lớn để nói về những thách thức, khó khăn, đặt ra hạn mức và chỉ tiêu về sự sáng tạo cho từng đối tượng. Cụ thể, vào đầu năm 2012, mạng Viettel Natcom ở Cộng hòa Haiti xuất hiện chỉ tiêu rớt cuộc gọi là 1% (trong khi tiêu chuẩn của ngành viễn thông chỉ cho phép là 0,25% – PV), Tổng giám đốc tập đoàn yêu cầu trong một tháng phải giảm tỷ lệ này xuống. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó, chỉ tiêu đặt ra vượt 200%, thời gian thực hiện lại gấp rút, nên khi ban điều hành đặt vấn đề, các chuyên gia nước ngoài đều lắc đầu “chào thua”. Thế nhưng, thách thức này lại là động lục thúc đẩy cả tập thể tại Haiti phải cùng trăn trở, đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo sự cộng hưởng trí tuệ. Cuối cùng, các kỹ sư của tập đoàn đã đưa chỉ tiêu rớt cuộc gọi đạt tỷ lệ mong muốn; mang đến cách nhìn mới mẻ về mạng, giải quyết được nhiều vướng mắc, hạn chế về cấu hình.

Một biểu hiện sinh động và thiết thực nhất trong phát huy sáng tạo của người lao động chính là việc Viettel duy trì hiệu quả các phong trào thi đua sáng kiến ý tưởng: “Mỗi ngày một ý tưởng, mỗi tuần một sáng kiến, mỗi tháng một đề tài”; “Ghi nhận, tôn vinh từ những ý tưởng nhỏ nhất”; “Suy nghĩ không cũ về vấn đề không mới”… Đặc biệt, việc triển khai ý tưởng “Kho việc khó” của tập đoàn, với những việc quá tầm của một cá nhân thì họ phải có trách nhiệm “đẩy” lên “kho”. Khi những người khác truy cập, bắt gặp, nhận thấy khả năng mình có thể giải quyết được thì báo cáo cấp trên và thực hiện. Nếu hiệu quả công việc tốt, người đó sẽ được hưởng những phần thưởng xứng đáng cả về vật chất lẫn lợi ích tinh thần.

Trên thực tế, những cách làm điển hình như “Giao đầu, kiểm tra đáy”, “Khoán theo giá trị tăng thêm” của Tổng công ty Viễn thông Viettel, “Lấy trạm BTS làm cơ sở để quy hoạch lại kênh phân phối” của Công ty Viettel Mozambique đã được nhân rộng trong toàn cầu của tập đoàn.

Tại mỗi cơ sở, người lao động không dừng lại ở một mục tiêu thi đua, không bằng lòng với kết quả đạt được của mỗi ngày. Họ luôn tự ý thức, tự tạo ra bài tập cho mình, tự kiếm cái gì đó để suy nghĩ. Đó là cách, mỗi tập thể, cá nhân ở Viettel thi đua với chính mình, thi đua với đồng đội, thi đua với công việc và thi đua với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trong "xã hội số" hiện nay. Phấn đấu trong mỗi người, mỗi công việc, ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và khác ngày hôm qua.

Ông Đào Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel, từng chia sẻ rằng quyết định công bố bản đồ, chất lượng vùng phủ 4G của Viettel xuất phát từ định hướng chuyển đổi số lấy khách khách làm trung tâm. Thay vì ẩn dấu thông tin, Viettel muốn khách hàng nhìn thấy thực tế mạng lưới 4G ở khắp nơi trên cả nước, từ đó chủ động hơn trong các hoạt động, lộ trình của mình. Trong trường hợp mạng lưới chất lượng chưa tốt cũng sẽ được khách hàng phát hiện và giúp Viettel hoàn thiện.

Khi Viettel đưa ra quyết định đầu tư vào dịch vụ ví điện tử tại Burundi – một trong 10 quốc gia có GDP đầu người thấp nhất thế giới, nhiều nhà chuyên môn đã cho rằng đây là một quyết định mạo hiểm và trên một số diễn đàn có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng tập đoàn đang tìm cách "đốt tiền" liên quan các thương vụ tại nước ngoài. Thế nhưng, Viettel đã chứng minh bằng kết quả thực tế rằng Lumitel đã có thể kinh doanh một dịch vụ 4.0 có lãi ở Burundi (châu Phi). Phát triển một sản phẩm fintech như ví điện tử ở một nền kinh tế có trình độ phát triển công nghệ và hạ tầng viễn thông được đánh giá ở mức khá như Việt Nam là một thách thức cho các nhà đầu tư. Còn ở nền kinh tế mà hai yếu tố nói trên bị đánh giá thấp hơn rất nhiều là Burundi, việc ví điện tử Lumitel thoát lỗ đã trở thành một điều đáng khích lệ trong tập đoàn.

Chỉ sau hơn 2 năm kinh doanh, ví điện tử của Lumitel đã vươn lên vị trí số 1 về người dùng với hơn 1,4 triệu, đứng số 1 về kênh phân phối (16.793 đại lý). Đặc biệt, kể từ đầu năm 2019, dịch vụ ví điện tử của Lumitel đã có lãi – điều vô cùng khó tin với một dịch vụ fintech ở Burundi – thị trường quốc tế nghèo nhất của Tập đoàn Viettel.

Và những điều kỳ tích không chỉ đến từ thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, công ty thành viên vốn bị coi là lạc hậu về công nghệ nhất Tập đoàn Viettel – Viettel Post – đã chuyển đổi số thành công để trở thành một công ty công nghệ.

Vốn chủ yếu sử dụng lực lượng lao động chân tay và các phương thức vận hành thủ công, Viettel Post trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam xây dựng thành công ứng dụng chuyển phát trên điện thoại thông minh (smartphone), giúp thay đổi lớn trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Trước đó, chỉ có những công ty thuần công nghệ mới tạo ra ứng dụng như vậy.

Thế nhưng, không giống như cách phát triển một sản phẩm công nghệ truyền thống, ứng dụng của Viettel Post được xây dựng đúng với nguyên tắc chiến lược của một công ty chuyển đổi số: thiết kế theo đúng yêu cầu từ khách hàng và tạo ra dòng giá trị 2 chiều (cho cả khách hàng và công ty). Ứng dụng này giúp Viettel Post có tốc độ tạo đơn hàng tăng gấp 3 lần, thời gian xử lý yêu cầu khách hàng giảm từ 240 giây xuống còn 8 giây…. Ứng dụng này hiện có gần 1 triệu người dùng, với hơn 330.900 người sử dụng hàng tháng.

Một nhân tố khác trong 5 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo với đặc điểm là thử nghiệm nhanh và liên tục. Ở Viettel, câu chuyện thử nghiệm mới về tiếp thị di động (mobile marketing) cả ở Việt Nam (ViettelPay) và quốc tế (Mytel) là ví dụ điển hình.

Bắt đầu với chương trình lắc điện thoại trúng thưởng rất thành công vào dịp Tết Nguyên đán của ViettelPay, Mytel – thương hiệu của Viettel tại Myanmar – đã có nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu người dân địa phương. Mytel thực hiện chiến dịch “Shake the amazing” tại xứ chùa vàng vào dịp khai trương. Kết quả của thử nghiệm kế tiếp này là một thành công không ai ngờ tới.

“Shake the amazing” tạo ra một cơn sốt điên cuồng về lắc điện thoại trên khắp Myanmar. Chỉ cần tải app My Mytel trên điện thoại và lắc là người sử dụng sẽ trúng thưởng, lần lắc nào cũng trúng. Chương trình có tổng cộng hàng trăm triệu giải thưởng là miễn phí tin nhắn (SMS), miễn phí thời gian gọi thoại (theo phút), data (dữ liệu) miễn phí, và cả những giải thưởng có giá trị cao như điện thoại iPhone X, xe ô tô…. Lúc cao điểm, “Shake the amazing” có tới hơn 6 triệu lượt lắc/ngày, một con số vượt quá dự báo đối với một mạng di động vừa ra mắt.

Ở Việt Nam hay nhiều thị trường quốc tế của Viettel, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, sự lên ngôi của các OTT như Youtube, Whatsapp, Facebook, Viber, Zalo… đang đe dọa doanh thu của nhà mạng. Thế nhưng, thay vì lo lắng về điều này, Viettel đã làm đúng điều mà một công ty chuyển đổi số cần làm với yếu tố khách hàng và cạnh tranh: tập trung vào nhu cầu đang thay đổi, hợp tác để tạo ra giá trị mới.

Tại Việt Nam, nhờ việc đầu tư rất mạnh cho hạ tầng 4G, xây dựng nhiều gói cước data tốc độ cao ngắn ngày (1-3-7 ngày) chi phí thấp và cả những gói cước kết hợp với chính đối thủ phi truyền thống như Youtube, Facebook…, Viettel Telecom đã tạo ra tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh thị trường viễn thông đi ngang.

Còn tại Peru, nhờ tạo ra gói cước Ti5, Bitel – thương hiệu của Viettel tại thị trường Nam Mỹ này – đã đánh trúng vào nhu cầu dùng data tốc độ cao và thoại không giới hạn của khách hàng. Với sự phát triển của cách mạng 4.0, nhu cầu này tăng rất mạnh vì việc sử dụng Youtube, Whatsapp, Facebook, Viber… nhưng các nhà mạng lớn ở Peru lại bỏ qua và chỉ cung cấp cho khách hàng giàu.

Cộng với việc đầu tư mạnh cho hạ tầng 4G (Bitel có hạ tầng 4G lớn nhất), Ti5 đã giúp Bitel vượt lên giành thêm 1% thị phần trong 9 tháng đầu năm 2019 và giành luôn vị trí “gói cước quốc dân” về data tốc độ cao ở Peru.

Trong những nhân tố tạo ra quá trình chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp, cái mà nhiều người ít nói tới là dữ liệu. Trước đây, dữ liệu được hầu hết doanh nghiệp thu thập nhưng không được quan tâm và sử dụng đúng cách để phục vụ khách hàng. Thế nhưng, trong thời đại chuyển đổi số “đó chính là tài sản lớn nhất” – ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhận xét.

Nhờ có đầu tư cho số hóa và dữ liệu khách hàng, Viettel tạo ra một chương trình chăm sóc khách hàng được tự động hóa 100% là Viettel++, đưa 100% người dùng vào danh sách chăm sóc, ưu đãi thường xuyên. Đây là điều Viettel không thể thực hiện nếu làm thủ công và cũng không thể tiến hành tốt nếu thiếu sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Và cũng với sự hỗ trợ của AI trên nền dữ liệu của Viettel Post, khách hàng sử dụng ứng dụng chuyển phát sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác so với dịch vụ mà họ từng dùng: sự thân thiện, minh bạch và thuận tiện ở khắp mọi nơi.

Hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình để phục hồi hoạt động trong giai đoạn "bình thường mới" của nền kinh tế hậu Covid-19, và việc cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số không phải là vấn đề về công nghệ mà là chiến lược và cách tư duy mới. Tại Viettel, chuyển đổi số được hiểu một cách đơn giản là “phải thoát khỏi mô hình của nhà điều hành viễn thông truyền thống” với việc số hóa quản trị nội bộ và tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Và cuối cùng, như lời của vị "thuyền trưởng" Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel: “Khi phát hiện ra xu hướng mới rồi thì quyết nhanh và phải làm bằng được. Người nào không quyết tâm thì đứng qua một bên”.

Từ sự quyết tâm này, với sứ mạng tiên phong chuyển đổi số để kiến tạo xã hội số, Viettel đang thực hiện chuyển đổi số toàn diện cho nhiều hoạt động vận hành, kinh doanh trong cả nội bộ lẫn dịch vụ cung cấp cho khách hàng ở toàn bộ 11 quốc gia trên thế giới.

"Hiện tại, những nỗ lực của Viettel đã có những kết quả ban đầu và ghi nhận của quốc tế ở các giải thưởng là một ví dụ. Tuy nhiên, Viettel vẫn còn rất nhiều việc phải làm mới có thể tạo ra sự bùng nổ về chuyển đổi số như đã từng làm với viễn thông”, vị doanh nhân khoác áo lính này chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới