Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khống chế doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào thị trường nội địa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khống chế doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào thị trường nội địa

Quốc Hùng

Khống chế doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào thị trường nội địa
Sản xuất của một doanh nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM – Ảnh minh họa: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp chế xuất sắp tới đây sẽ bị khống chế tỷ lệ bán sản phẩm vào thị trường nội địa nếu dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế được thông qua.

Theo dthảo Nghị định sửa đổi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến, doanh nghiệp chế xuất (doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp xuất khẩu toàn bộ sản phẩm hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế) được bán vào thị trường nội địa hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất ra nhưng phải đảm bảo tỷ lệ doanh thu không vượt quá 10% doanh thu hàng năm.

Trong khi quy định hiện nay là doanh nghiệp chế xuất không bị khống chế về tỷ lệ bán hàng hóa của mình sản xuất vào thị trường nội địa.

Cụ thể ở khoản 2, Điều 15, Nghị định số 108/2006 của Chính phủ quy định doanh nghiệp chế xuất được bán hàng vào thị trường nội địa; các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất và không thuộc diện cấm nhập khẩu; sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất mà thị trường nội địa có nhu cầu và phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất không thuộc diện cấm nhập khẩu hoặc thuộc diện được phép nhập khẩu.

Theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ưu đãi thuế của Việt Nam đối với doanh nghiệp đáp ứng tỷ lệ xuất khẩu sẽ bị bãi bỏ sau 5 năm, kể từ ngày gia nhập. Như vậy, hết năm 2011 các doanh nghiệp chế xuất không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng tỷ lệ xuất khẩu.

Do vậy, đối với khu chế xuất đã hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật có địa điểm thuận lợi để tổ chức sản xuất sẽ thu hút đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất mà không quy định về tỷ lệ xuất khẩu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu 100% sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu được miễn thuế để sản xuất hàng xuất khẩu thì khi đưa sản phẩm vào nội địa để tiêu thụ phải nộp thuế theo quy định hiện hành. Ngược lại, doanh nghiệp trong khu chế xuất sử dụng nguyên vật liệu nội địa để sản xuất sản phẩm cần có sự giám sát theo dõi của hải quan.

Do vậy, nếu quy định của dự thảo trên được thông qua thì sẽ khống chế tỷ lệ bán hàng của doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa, trong khi hiện nay những ưu đãi về thuế của doanh nghiệp chế xuất không còn. Do đó, theo các công ty tư vấn đầu tư, các khu chế xuất sẽ khó thu hút được đầu tư vì không có lợi cho nhà đầu tư và những doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất hiện nay sẽ bị thiệt thòi vì không được bán hàng hóa vào thị trường nội địa nhiều.

Một điểm mới trong dự thảo này nữa là các tỉnh, thành chỉ được lập khu công nghiệp mới khi khu công nghiệp cũ được lấp đầy 60%. Cụ thể theo dự thảo này, chỉ phát triển mở rộng, quy hoạch mới đối với những khu công nghiệp, những địa phương có tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên.

Các chuyên gia cho rằng quy định này nhằm hạn chế nhiều tỉnh thành đua nhau mở khu công nghiệp trong thời gian qua, gây lãng phí tài nguyên, đất canh tác cũng như chi phí đền bù giải tỏa,…

Hiện việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn dàn trải, có địa phương tỷ lệ lấp đầy còn thấp (dưới 60%) nhưng vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác.

Hiện cả nước hiện có trên 267 khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt trên 45%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới