Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không chỉ tại El Nino

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không chỉ tại El Nino

Tấn Đức

(TBKTSG) – Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực đang trải qua một trong những thời kỳ khô hạn khắc nghiệt nhất trong một thế kỷ qua. Tại miền Bắc, mực nước sông Hồng có lúc chỉ còn 68 cen ti mét, thấp nhất kể từ năm 1902 đến nay. Còn ở ĐBSCL, mực nước sông cũng xuống đến mức kỷ lục trong 50 năm gần đây, khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa đến 60 ki lô mét.

Trên hệ thống sông Đồng Nai và Sài Gòn, Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước và Môi trường ghi nhận độ mặn tăng mạnh ngay tại cầu ông Nhiêu (quận 9, TPHCM) và khu vực Thủ Thiêm (quận 2). Lời giải thích chính thức cho hiện tượng này từ phía cơ quan khí tượng là do hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, một số tổ chức môi trường quốc tế lại hướng sự chú ý vào các đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, nơi khởi nguồn của cả sông Hồng và sông Mêkông.

El Nino là nguyên nhân chính gây ra hạn hán. Năm nay, nó làm cho lượng mưa ở vùng Tây Nam Trung Quốc và các nước lưu vực sông Mêkông giảm hơn 20% so với trung bình hàng năm và nhiệt độ tăng tới bảy độ bách phân, gây nên nắng nóng gay gắt và khô hạn.

Tuy nhiên, tình trạng hạn hán năm nay có thể đã không khắc nghiệt như những gì đang diễn ra, nếu không có sự tiếp sức của bàn tay con người, thông qua các công trình nhân tạo đang phá hủy sự cân bằng của tự nhiên, mà một trong số đó là các đập thủy điện trên cả dòng sông này.

Trên thực tế, những nghi ngại về hậu quả xấu của các đập thủy điện trên sông Mêkông, như góp phần làm hạn hán vào mùa khô và lũ lụt trong mùa mưa thêm trầm trọng, đã được nhiều chuyên gia và tổ chức môi trường cảnh báo từ nhiều năm trước. Thế nhưng, bất chấp mọi cảnh báo và trước sức ép về nguồn cung năng lượng để phát triển kinh tế, các dự án thủy điện vẫn được triển khai ồ ạt.

Mùa khô cũng là giai đoạn nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh nhưng nguồn nước lại suy giảm, do vậy các nhà máy thủy điện đều phải tăng cường tích trữ nước để duy trì hoạt động. Việc hàng chục tỉ mét khối nước bị giữ lại ở các hồ chứa vào những thời điểm thiếu nguồn bổ sung, do không có mưa, làm cho tình trạng thiếu nước ở các vùng hạ lưu sông càng trở nên trầm trọng.

Cùng với các dự án thủy điện, hàng trăm ngàn héc ta rừng, vốn nắm giữ vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung nguồn cho các nhánh sông vào mùa khô, cũng bị đốn hạ để xây hồ chứa, nhà máy và công trình giao thông. Vào mùa mưa, lại diễn ra kịch bản trái ngược, gây nên lụt lội, lũ quét…

Dự báo 100 năm tới, thời tiết sẽ ngày càng khắc nghiệt do hậu quả của biến đổi khí hậu. Hạn hán vào mùa khô và tần suất xuất hiện bão lũ trong mùa mưa sẽ nhiều hơn. Nhưng nếu con người tiếp tục khai thác tự nhiên vô tội vạ như hiện nay, hậu quả của biến đổi khí hậu có thể còn nặng nề hơn những gì các chuyên gia đã dự báo.

Biến đổi khí hậu là vấn đề của toàn cầu, do vậy biện pháp ứng phó không thể gói gọn trong ranh giới của một quốc gia, mà phải là nỗ lực chung của khu vực và cả thế giới. Một trong những tác động của biến đổi khí hậu là nguồn nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm.

Thực tế đó đòi hỏi con người phải biết sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả. Việc khai thác, sử dụng tiềm năng của các dòng sông nhất thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia có dòng sông đi qua. Có như vậy mới có thể thích nghi và ứng phó tốt với tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của cả khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới