Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không có sự lựa chọn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không có sự lựa chọn

(TBKTSG Online)- Liên minh các hợp tác xã vận tải TPHCM đã gửi văn bản chính thức đến Thủ tướng, kiến nghị xem xét sai trái của Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong việc ra các quy định buộc chủ sở hữu xe tải phải chuyển hình thức sở hữu từ cá nhân sang hợp tác xã.

Động thái này được thực hiện sau một thời gian tranh cãi kéo dài mà không đi đến đâu, giữa các bên liên quan, bao gồm cả Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định ấy.

Có thể nói ngay rằng trong chuyện này, Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn sai. Không có quy tắc nào trong Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp cùng các luật và nghị định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, đặt cơ sở cho việc tiến hành tập thể hóa phương tiện kinh doanh của các cá nhân. Mặt khác, biện pháp tập thể hóa tài sản đầu tư thuộc sở hữu tư nhân cũng đi ngược lại các xu thế tích cực của một nền kinh tế đang hội nhập.

Tuy nhiên, cũng trong khung cảnh của pháp luật hiện hành, không có nhân vật nào trong bộ máy nhà nước đủ tư cách để, nhân danh công lý, khẳng định một cách công khai, chính thức và có thẩm quyền, rằng Bộ Giao thông Vận tải đã ra một văn bản trái luật.

Ở các nước tiên tiến, có một nguyên tắc được coi là một phần nền tảng của hệ thống pháp lý:

Nếu người dân buộc phải tuân thủ một quy tắc ứng xử nào đó do nhà chức trách ban hành, thì họ có quyền yêu cầu kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của nó. Hơn nữa, trong khuôn khổ kiểm tra khách quan, người dân không đóng vai trò người đi kêu nài đối với cơ quan ra quy định, thậm chí đối với cấp trên của cơ quan đó. Trái lại, người dân và cơ quan-tác giả của quy định gây tranh cãi đứng vào vị trí của hai bên trong một cuộc tranh chấp pháp lý trực tiếp, đối tịch và bình đẳng; cả hai đều phải nỗ lực trong việc thuyết phục một người thứ ba, đứng trung lập, chấp nhận lý lẽ và yêu cầu của mình, để từ đó ra phán quyết có lợi cho mình.

Đối với văn bản lập quy, tức là văn bản do nhà chức trách hành pháp ban hành, cơ chế kiểm tra khách quan cho phép công dân phát một đơn kiện trước tòa án, yêu cầu xem xét về tính hợp luật. Một khi văn bản lập quy bị xác định là trái luật theo bản án có hiệu lực, thì nó đương nhiên bị hủy bỏ; và trong trường hợp việc áp dụng văn bản này đã gây thiệt hại cho công dân, nói chung, cho một chủ thể nào đó, thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường.

Cơ chế kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hiện hành ở Việt Nam mang tính chất nội bộ của nhà chức trách và khép kín. Nguyên tắc cơ bản là: văn bản của cấp dưới phải có nội dung phù hợp với văn bản của cấp trên và cấp trên có quyền kiểm tra sự tuân thủ của cấp dưới đối với yêu cầu này. Cơ quan cấp trên có toàn quyền quyết định nên hay không nên và khi nào tiến hành kiểm tra.

Có thể nói hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam là “chuyện trong nhà” của các cơ quan công quyền thuộc hệ thống hành pháp; tòa án và người dân hoàn toàn đứng ngoài cuộc.

Bởi vậy, kiến nghị nói trên của Liên minh các hợp tác xã không được coi là một giao tiếp pháp lý trong khuôn khổ kiểm tra hành chính đối với một văn bản lập quy.

Đó không phải vì Thủ tướng không có quyền kiểm tra văn bản lập quy của cấp bộ, mà vì người kiến nghị không phải là chủ thể được pháp luật thừa nhận trong mối quan hệ kiểm tra. Thậm chí, không thể xem kiến nghị ấy là một loại khiếu kiện hành chính, thực hiện theo pháp luật khiếu nại tố cáo: việc khiếu nại tố cáo của công dân, theo các quy định hiện hành, có đối tượng là một văn bản hành chính, tức là một văn bản áp dụng pháp luật cá biệt (chẳng hạn, quyết định xử phạt, tịch thu sung công, thu hồi đất,… trong các trường hợp đặc thù), trong khi đối tượng kiến nghị trong trường hợp này là một văn bản quy phạm pháp luật.

Suy cho cùng, việc kiến nghị chẳng khác một động tác tham mưu hay tư vấn, được thực hiện trong điều kiện người kiến nghị không có phương án ứng xử nào khác để lựa chọn. Về phần mình, người tiếp nhận kiến nghị có thể lắng nghe hoặc không lắng nghe. Nếu lắng nghe, thì người được tư vấn, với tư cách là người có quyền kiểm tra văn bản lập quy của người bị than phiền, có thể xúc tiến việc kiểm tra hành chính đối với văn bản đó. Còn nếu người được tư vấn không lắng nghe… thì thôi.

Cần thừa nhận cho tòa án quyền tiến hành kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành pháp, theo đơn kiện của công dân. Nếu không, sẽ còn có nhiều vụ tranh cãi tương tự xảy ra, để lại trong dân những bức xúc không thể giải tỏa.

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới