Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không còn chờ tự nguyện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không còn chờ tự nguyện

Hải Lý

Không còn chờ tự nguyện
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước một cuộc cải tổ để trở nên mạnh mẽ và an toàn hơn. Ảnh: THANH TAO.

(TBKTSG) – Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được xác định là nhiệm vụ cấp bách cùng với hai lĩnh vực cần tái cấu trúc khác là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề bây giờ là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như thế nào?

Đầu tháng 9-2011 sau hội nghị toàn quốc của ngành ngân hàng triển khai giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp riêng với sáu tổ chức tín dụng có vấn đề về thanh khoản.

Tuần trước, khi “cơn sốt” lãi suất liên ngân hàng bùng phát, NHNN lại một lần nữa làm việc với từng ngân hàng nói trên.

Chủ trương được thông báo rõ: bây giờ ngân hàng nào không trụ vững thanh khoản sẽ phải chịu các biện pháp chế tài và sáp nhập theo lộ trình. NHNN tạo điều kiện cho mọi sự sáp nhập, mua bán tự nguyện, nhưng điều đó không có nghĩa thời gian tự nguyện kéo dài mãi.

“Trông mặt mà bắt hình dong”

Sự khác nhau cơ bản của việc tăng lãi suất tiền đồng liên ngân hàng vừa qua so với những năm trước là lần này phần lớn các ngân hàng không thiếu tiền. Những lần trước lãi suất “nhảy” như thế là hàng loạt ngân hàng ngưng cho vay, ngưng giải ngân, quan sát biến động. Nay thì không, hoạt động tín dụng vẫn diễn ra bình thường.

Nhiều ngân hàng đang thừa tiền đồng, nhưng không mang lên thị trường liên ngân hàng cho vay. Lý do, người vay là những tổ chức tín dụng đang thiếu thanh khoản, không có khả năng trả. Mà chủ trương xử lý các tổ chức tín dụng này giới ngân hàng giờ đã rõ, nên họ chẳng dại gì dính vào.

Đại diện một ngân hàng chuyên kinh doanh tiền đồng liên ngân hàng nói lãi suất 30%, chứ 40% thậm chí 50%/năm mà người vay như thế, cũng không ham. “Trông mặt mà bắt hình dong”! Thế mới có chuyện trong lúc “nước sôi” ở một góc thị trường tiền tệ, BIDV và một số ngân hàng khác vẫn tuyên bố giảm lãi suất cho vay với những khách hàng tốt.

Những ngân hàng “sạch”, không vướng nợ nần vẫn đang được giới đầu tư “săn lùng”, nhưng ai cũng tránh ngân hàng với cục nợ khó đòi và thanh khoản “ăn đong từng bữa”. Theo quy luật, hàng kém chất lượng phải hạ giá, hạ đến mức nào đó đủ hấp dẫn người mua.

Thị trường đang đặt câu hỏi: liệu có phải lần này NHNN dùng các biện pháp kinh tế như lãi suất để buộc các ngân hàng yếu thanh khoản lộ diện, tự xoay xở và khi không còn xoay xở được nữa, phải “gõ cửa” cơ quan quản lý?

Một quan chức cấp cao NHNN cho biết: “Giống như trong bóng đá, đội yếu phải đá ở một bảng hạng thấp. Anh yếu thì không thể tham gia giải ngoại hạng được. Những ngân hàng có vấn đề thanh khoản trước mắt phải khu trú vào một khu vực, chữa bệnh đến khi khỏe mạnh, mới hòa nhập cộng đồng. Không phải anh yếu, rồi làm liều, ảnh hưởng tới những ngân hàng khác”.

Như vậy lãi suất mới chỉ là liều thuốc thử đầu tiên cho các ngân hàng yếu kém. Sẽ còn những đợt thử thách khác như kéo dư nợ cho vay phi sản xuất về 16% vào cuối năm, trái phiếu doanh nghiệp cũng phải tính vào dư nợ tín dụng từ ngày 20-10-2011, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thanh tra giám sát hoạt động ủy thác đầu tư của các ngân hàng và công ty chứng khoán… Các ngân hàng yếu kém sẽ phải tuân thủ các quy định trên như các ngân hàng khác, không có bất cứ sự du di nào. Trước mắt những ngân hàng vừa được tái cấp vốn phải nhanh chóng thu hồi nợ quá hạn, không phát triển thêm tín dụng.      

Xử lý ngắn hạn và lộ trình trung hạn 

Việc tái cấp vốn của NHNN vừa qua được coi là hợp lý, nó giống biện pháp “cấp cứu”. Trong lúc gian nguy của bệnh nhân, không bác sĩ nào lại rút ống thở ôxy ra cả. Đấy là giải pháp xử lý trước mắt. Về lâu dài, một lộ trình cần được vạch ra, để dần dần những ngân hàng yếu kém thấy rằng họ không thể đứng riêng lẻ mãi bởi đứng riêng lẻ không dễ và cũng không ai cho anh đứng thế một khi anh ảnh hưởng đến những người khác, đến môi trường kinh doanh chung, đến tổng thể nền kinh tế.

Một lộ trình mà sự tự nguyện ban đầu không đạt kết quả, có cần đi kèm theo là cưỡng bức? Kinh nghiệm cho thấy việc xử lý các ngân hàng yếu kém mất rất nhiều thời gian và phức tạp. Chẳng hạn khi giải quyết vụ việc của Ngân hàng Nam Đô cách đây mười năm, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng khác hỗ trợ vốn bằng cách cho Nam Đô vay, rồi giao cho một ngân hàng quốc doanh đứng ra gánh vác. Một số trường hợp khác thì các ngân hàng quốc doanh góp thêm vốn để đổi lại một tỷ lệ cổ phần nhất định. Hiện nay việc chỉ định hay kêu gọi góp vốn như thế tỏ ra khó khả thi hơn.

Nhìn từ lợi ích của các bên, có thể thấy kịch bản sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng quốc doanh hay ngân hàng cổ phần lớn không nhận được nhiều sự quan tâm nếu không đi kèm các chính sách ưu đãi. Mạng lưới và khách hàng của những ngân hàng yếu kém không giúp cho các ngân hàng nhận sáp nhập tăng quy mô đáng kể. Bên cạnh đó, công nghệ của các ngân hàng bị sáp nhập có thể không cùng nấc bậc như ngân hàng nhận sáp nhập. Khoảng cách này đòi hỏi tiền bạc và thời gian để nâng cấp bên yếu kém. Trong khi đó, gánh nặng nợ của các ngân hàng yếu kém lại không nhỏ.

Việc sáp nhập hai, hoặc ba, bốn ngân hàng yếu kém lại với nhau được cân nhắc. Tuy nhiên hai, ba anh yếu phải có một anh mạnh trợ lực, làm chỗ dựa. Ở đây “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” không thể xảy ra khi mà cả ba cây đang èo uột.

Việc giảm quy mô các ngân hàng thiếu lành mạnh, lấy vốn bù nợ xấu, rút bớt các hoạt động nghiệp vụ, đưa về quy mô ngân hàng nông thôn cũng được đề cập. Vấn đề là liệu các ngân hàng yếu kém có chịu chấp nhận con đường ấy? Khi đó lại cần một bộ khung pháp lý cho hoạt động các ngân hàng quy mô nhỏ, ngân hàng nông thôn. Về phía mình, cơ quan quản lý đã sẵn sàng cho phương án này?  

Một vấn đề tế nhị khác, nó lý giải vì sao sự tự nguyện sáp nhập các ngân hàng yếu kém đến nay chưa xảy ra, là giá cả. Khi chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị 5-6 năm trước, giá cổ phiếu ngân hàng mà các cổ đông mua khá cao. Sau đó các ngân hàng này tăng vốn, đầu tư thêm, chưa kể các chi phí không tên khác. Các ông chủ của những ngân hàng yếu kém hiện nay liệu có chấp nhận lỗ khi mua bán, sáp nhập? Còn nếu không, tổ chức hay nhà đầu tư cá nhân lớn nào dám đứng ra gách vác ngân hàng yếu kém với giá trên trời khi mà giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn cao nhất cũng chỉ bằng 2,5 lần mệnh giá?

Những ngân hàng “sạch”, không vướng nợ nần vẫn đang được giới đầu tư “săn lùng”, nhưng ai cũng tránh ngân hàng với cục nợ khó đòi và thanh khoản “ăn đong từng bữa”. Theo quy luật, hàng kém chất lượng phải hạ giá, hạ đến mức nào đó đủ hấp dẫn người mua.

Cũng cần phải nói thêm là không phải tất cả các ngân hàng nhỏ đều yếu kém. Có ngân hàng quy mô nhỏ, vốn thấp, biết lượng sức mình và hoạt động khá lành mạnh. Họ vẫn là sự cần thiết cho nền kinh tế. Trong sáu ngân hàng yếu kém, có cả ngân hàng tầm trung. Chính những ngân hàng tầm trung yếu kém đó mới là nỗi lo của hệ thống ngân hàng, của xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới