Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không còn là giấc mơ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không còn là giấc mơ

Vân Ly

Tiếp thị cho trò chơi Thuận Thiên Kiếm.

(TBVTSG) – Vài năm trước, trên thị trường trò chơi trực tuyến chỉ xuất hiện các sản phẩm ngoại. Không ít người cho rằng, với các doanh nghiệp trong nước, với năng lực tài chính và trình độ nhân lực còn nhiều hạn chế, thì việc phát triển các trò chơi nội địa chỉ là “giấc mơ”.

Nhưng đến nay, tình hình đã khác khi một vài doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia phát triển nhiều trò chơi để cung cấp cho thị trường…

Công ty Phần mềm trò chơi Việt Nam (VinaGame) được cho là đơn vị đầu tiên “đặt nền móng” cho sự phát triển của ngành công nghiệp online game tại Việt Nam bằng việc đi tiên phong trong việc đầu tư phát triển các trò chơi Việt.

Sản phẩm của văn hóa Việt

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại Công ty VinaGame, cho biết: “Ngoài việc nghiên cứu để Việt hóa và đưa các yếu tố văn hóa, giáo dục mang giá trị truyền thống của Việt Nam vào các sản phẩm trò chơi trực tuyến của nước ngoài, VinaGame đã nỗ lực xây dựng một số sản phẩm của Việt Nam như: Thuận Thiên Kiếm (trò chơi gợi lại những câu chuyện cổ tích Việt Nam, các yếu tố lịch sử về thời Lê Lợi…); nhóm sản phẩm mang yếu tố dân gian như: ô ăn quan, cờ cá ngựa; nhóm sản phẩm mang yếu tố thể thao, trí tuệ như: bi-da, săn kho báu, cờ vua, cờ tướng…

Các sản phẩm này đã được cấp giấy phép theo quy định tại Thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến và hiện được cung cấp tại địa chỉ http://thuanthien.zing.vn http://play.zing.vn.

Nói về lý do VinaGame tham gia phát triển các trò chơi, ông Tuấn Anh cho biết, trước đây thị trường trò chơi trực tuyến hầu hết là do các công ty nước ngoài chiếm lĩnh.

“Tuy nhiên, với khát vọng mang đến cho khách hàng những sản phẩm công nghệ đầu tiên được thực hiện bởi những ‘bàn tay khối óc’ của người Việt Nam, thời gian qua VinaGame đã nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm mang đậm phong cách và văn hóa Việt Nam,” ông nói.

Năm 2003, Trung Quốc mới có trò chơi trực tuyến đầu tiên tự sản xuất. Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách cho phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nước ngoài. Năm 2008, Trung Quốc có khoảng 550 công ty ở các lĩnh vực trò chơi trực tuyến, trò chơi trên máy cầm tay, trên điện thoại di động và máy tính…

Ông Tuấn Anh cho hay webgame Zing Play của VinaGame, với những trò chơi truyền thống dân gian vẫn đang tạo được sức hút khá lớn trong cộng đồng người chơi, là một trong những thành quả đáng khích lệ của những người sản xuất trò chơi trực tuyến trong nước.

Ngoài ra, Thuận Thiên Kiếm cũng đang được khá nhiều người biết đến như một trò chơi dã sử Việt Nam lần đầu tiên được phát triển. Đến thời điểm này, Thuận Thiên Kiếm được xem là một trong những thể loại trò chơi nhập vai trực tuyến được nhiều người mong đợi nhất trong năm 2009.

“Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp trong nước nếu có thể kết hợp được những xu hướng và công nghệ phát triển của thế giới với những giá trị riêng của văn hóa Việt Nam thì sẽ tạo ra nhiều sản phẩm tốt, hấp dẫn người chơi. Việc phát triển các dòng sản phẩm Việt Nam mang cốt truyện lịch sử không chỉ có ý nghĩa giáo dục trực quan, khơi dậy những truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, lợi nhuận cho các doanh nghiệp và giá trị kinh tế cho xã hội,” ông Tuấn Anh nói.

Từ quan điểm đó, thời gian qua VinaGame đã nỗ lực phấn đấu để tập hợp gần một nghìn kỹ sư trẻ hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, vận động tối đa nguồn lực tài chính để phát triển các trò chơi trực tuyến Việt Nam, mà Thuận Thiên Kiếm là một sản phẩm được đầu tư nhiều nhất về cả ngân sách lẫn thời gian. Ước tính, ngân sách dành cho Thuận Thiên Kiếm cao gấp 3-4 lần so với việc mua một trò chơi của nước ngoài về rồi Việt hóa và phát hành ra thị trường.

Có hai lý do để VinaGame quyết định thực hiện dự án Thuận Thiên Kiếm. Thứ nhất, phát xuất từ nhu cầu của thị trường. Thị trường trò chơi trực tuyến Việt Nam đang dần bão hòa bởi những trò chơi nhập khẩu với cốt truyện nước ngoài. VinaGame nhận định đã đến lúc người chơi cần một trò chơi mới mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là một phân khúc thị trường còn bỏ trống và Thuận Thiên Kiếm ra đời với mong muốn lấp đầy phân khúc này.

Thứ hai, sau thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ (một trò chơi được xem là tiên phong trong việc khai phá thị trường Việt Nam), VinaGame một lần nữa muốn khẳng định vị trí dẫn đầu bằng việc tự thiết kế một sản phẩm với chất lượng đáp ứng được mong đợi của cộng đồng người chơi. “Với những lý do đó, VinaGame tin tưởng Thuận Thiên Kiếm sẽ được đông đảo người chơi ủng hộ khi chính thức ra mắt vào tháng Tám tới (hiện đã ra mắt thử nghiệm),” ông Tuấn Anh hy vọng.

Kế hoạch phát triển

Từ thập niên 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã thừa nhận công nghệ trò chơi trực tuyến là một lĩnh vực công nghệ độc lập. Hàn Quốc đã liên tục có điều chỉnh, bổ sung chính sách và đưa ra nhiều chiến lược, kế hoạch cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Hiện Hàn Quốc xuất khẩu 220 trò chơi đến 70 nước trên thế giới. Trò chơi trực tuyến đã đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của ngành kinh tế Hàn Quốc. Năm 2007, mức xuất khẩu trò chơi của Hàn Quốc là 781 triệu đô-la Mỹ, gấp đôi lượng nhập khẩu 389,55 triệu đô-la và tăng 16,2% so với 2006.

Không chỉ VinaGame, Công ty FPT cũng có ý định tham gia phát triển trò chơi trực tuyến. Bà Tạ Thùy Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông của Công ty FPT Online, cho biết do nhận định trò chơi trực tuyến là lĩnh vực đầy tiềm năng phát triển nên FPT đã có kế hoạch xây dựng những sản phẩm Việt Nam.

“Chúng tôi đã bắt tay vào thiết kế một số trò chơi và hy vọng trong năm năm tới sẽ cho ‘xuất xưởng’,” bà Minh cho biết. Bà Minh còn cho biết trước đây FPT đã tham gia phát hành các trò chơi ngoại nên đã nắm được hầu hết “ngóc ngách” của lĩnh vực này.

“Qua đó, FPT nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất trò chơi trực tuyến như các nước đã làm.” Tuy nhiên, bà Minh còn thận trọng khi nhận định rằng đa số các doanh nghiệp phải phát triển đủ lớn, khi có đủ lực về con người và tài chính thì mới có thể nghĩ tới việc phát triển các sản phẩm thuần túy Việt Nam.

Cũng tính tới việc phát triển trò chơi trực tuyến trong tương lai gần, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó giám đốc Công ty VTC Game, cho biết công ty ông muốn phát triển những sản phẩm Việt Nam có tính cạnh tranh cao.

“Do đó, phải có thời gian chuẩn bị về nguồn lực và kỹ thuật (lập trình, đồ họa, xây dựng kịch bản…). VTC Game mong muốn phát triển những trò chơi có xuất xứ nội địa nhưng không chỉ hướng đến thị trường trong nước mà còn xuất khẩu,” ông Hiếu tiết lộ.

Theo nhận định của một chuyên gia, thị trường trò chơi trực tuyến Việt Nam đang ở trong giai đoạn như thị trường của Trung Quốc vào năm 2003. Và thực tế sẽ cho thấy, việc phát triển phổ biến các trò chơi thuần Việt sẽ không còn là giấc mơ. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới