Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không còn phân biệt nhưng vẫn khác biệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không còn phân biệt nhưng vẫn khác biệt

Một người da màu vô gia cư ở Mỹ

(TBKTSG)- Khả năng thượng nghị sĩ Barack Obama, một người da màu, có thể được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đã thúc đẩy tờ Economist có một bài khảo sát hiện trạng người da đen để xem chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã hoàn toàn biến mất ở Mỹ chưa.

Nhận định khác biệt

Bài báo bắt đầu bằng những câu hỏi không dễ gì trả lời: Tại sao người Mỹ gốc Phi (từ chỉ người da đen mà không hàm ý phân biệt chủng tộc) không giàu bằng người da trắng? Tại sao trẻ em da đen học kém hơn học sinh da trắng? Tại sao tỷ lệ thanh niên da đen ngồi tù cao đến như vậy?

Nếu xét ở bình diện hình thức, người da đen đã tiến những bước dài trong các thập kỷ qua. Chỉ mới cách đây 40 năm, dân da đen chưa được đi bầu ở nhiều bang miền Nam nước Mỹ (trong khi cuối năm nay nước Mỹ có thể có tổng thống da đen đầu tiên). Đầu thập niên 1960, người da đen vẫn chưa được học chung trường với người da trắng, đi xe buýt phải ngồi ở góc sau, phải dùng toilet riêng… Nay chuyện phân biệt chủng tộc đã trở thành đề tài cấm kỵ, không ai dám đề cập.

Cuộc sống đối với người Mỹ gốc Phi trung bình đã cải thiện đáng kể. Thu nhập trung bình của một hộ gia đình da đen đã tăng từ 22.300 đô la Mỹ vào năm 1967 lên 32.100 đô la năm 2006 (đã loại trừ yếu tố tăng giá). Tuổi thọ bình quân của người da đen đã tăng từ 34 tuổi vào năm 1900 lên 73 tuổi.

Thế nhưng, cách biệt thu nhập của dân da đen và dân da trắng, hẹp lại rất nhanh từ 1940-1980, nay hầu như không giảm thêm chút nào: thu nhập bình quân của hộ gia đình da đen chỉ bằng 63% thu nhập bình quân của hộ gia đình da trắng. Khảo sát cho thấy nhìn chung học sinh da đen 17 tuổi chỉ có trình độ tương đương học sinh da trắng 13 tuổi. Tuổi thọ dân da đen thấp hơn dân da trắng năm năm. Đến 11% nam giới da đen trong độ tuổi 20-34 là đang ở trong tù.

Thực tế là vậy nhưng giải thích thực tế này lại có hai xu hướng trái ngược.

Một bên cho rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dù đã biến mất ở bên ngoài nhưng lại biến tướng thành những dạng phân biệt tinh vi khó nhận thấy. DeWayne Powell, một học sinh trên đường đi nộp hồ sơ vào đại học kể chuyện hỏi đường một nhân viên tiếp tân. Bà nhân viên da trắng này hỏi rất thật tình là em có biết đọc không trước khi hướng dẫn.

Còn bên kia khẳng định dân da đen chỉ có thể tự trách mình khi không thể vươn lên, vượt qua cái nghèo hay môi trường tội phạm. Bill Cosby, một diễn viên hài da đen nổi tiếng, đi khắp nước Mỹ kêu gọi dân da đen nên tập trung vào việc cải thiện chính cuộc sống của họ.

Một khảo nghiệm thú vị

Roland Fryer, Giáo sư Đại học Harvard chọn con đường dùng dữ liệu khách quan để tìm nguyên nhân. Bản thân ông là một trường hợp đặc biệt. Là một thanh niên da đen sống trong môi trường tệ hại vì quanh ông là ma túy, băng đảng, tù tội, ông đã vượt qua và trở thành giáo sư Harvard năm 30 tuổi.

Trước hết ông tìm cách trả lời câu hỏi vì sao học sinh da đen học kém hơn. Trước đó, nhiều giáo viên nhận định học sinh da đen nào học giỏi thường bị bạn bè tẩy chay xem như đồ “học gạo”. Fryer tìm cách định lượng hiện tượng này.

Ông tổ chức một khảo sát quy mô lớn, trong đó học sinh được yêu cầu ghi tên bạn bè của chúng. Để loại trừ những học sinh ghi đại tên bạn thật nhiều để chứng tỏ mình được mến mộ, ông chỉ chọn những cặp học sinh có nêu tên của nhau. Kết quả khảo sát cho thấy học sinh da trắng càng học giỏi càng có nhiều bạn trong khi học sinh da đen học giỏi có ít bạn hơn những em học hành bình thường. Rõ ràng việc chăm học đã bị xem là điều “quái dị” trong cộng đồng học sinh da đen và đây là một trở ngại văn hóa rất lớn đối với động lực học tập.

Để cải thiện tình hình này, Fryer đề nghị thưởng tiền hay thưởng “phút gọi điện thoại di động” cho học sinh khi đạt điểm cao để “định vị” lại chuyện học giỏi. Học giỏi lúc ấy sẽ trở thành chuyện “ngon ăn” chứ không phải là “mọt sách” nữa. Chưa biết thí nghiệm của ông có thành công hay không.

Nạn nhân của chính chế độ ưu đãi

Để xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc trước đó, nhiều trường đại học cố tình tuyển vào những học sinh da đen có học lực kém hơn học sinh da trắng một chút. Cách hạ bớt tiêu chuẩn này cũng áp dụng trong nhiều trường hợp như tuyển dụng, thăng chức, bổ nhiệm…

Nhiều nghiên cứu cho rằng chính chế độ ưu đãi này đã làm hại người dân da đen. Một khi đã có sự phân biệt như thế, học sinh da đen ít có động cơ học xuất sắc; nhân viên có lười một chút thì giới quản lý cũng không dám quở trách mạnh như với nhân viên da trắng. Có người tính toán cụ thể và cho biết vì tiêu chuẩn vào trường luật đối với dân da đen thấp hơn mặt bằng chung, cuối cùng con số sinh viên da đen tốt nghiệp và trở thành luật sư lại ít đi.

Cũng do chính sách an sinh xã hội, số thanh niên da đen tham gia vào thị trường lao động ngày càng giảm, từ 74% năm 1992 còn 67% vào năm ngoái. Dân da trắng cũng khởi nghiệp nhiều hơn. Chỉ có 5% doanh nghiệp là do người da đen làm chủ mặc dù họ chiếm đến 13% dân số nước Mỹ.

Một nguyên nhân khác, nhìn từ những số liệu khách quan, là do sự tan vỡ của nhiều gia đình da đen. Tỷ lệ trẻ da đen sinh ra mà không có bố (chính thức) tăng gấp đôi so với năm 1970, lên đến 69%. Dân da đen chỉ biết bỏ tiền tiết kiệm vào ngân hàng còn dân da trắng tìm cách đầu tư vào cổ phiếu. Xu hướng này chỉ cần diễn ra trong vài thế hệ thì tài sản đã khác biệt nhau rất nhiều dù xuất phát điểm là như nhau.

Trước thực tế này, chẳng lạ gì nhiều người da đen cực đoan đã đưa ra những cáo buộc phi lý, như kiểu mục sư Jeremiah Wright, mục sư cũ của Barack Obama cho rằng Chính phủ Mỹ “chế tạo” virus HIV/AIDS để tận diệt người da đen hay những chỉ trích đại loại Tổng thống Bush không nhanh chóng cứu hộ sau trận bão Katrina vì đa phần nạn nhân là người da đen!

Vì thế, người dân Mỹ, cả da trắng thế hệ trẻ và da đen, đều mong Obama trở thành tổng thống. Nếu việc này trở thành hiện thực, nó có thể là một cột mốc mới cho dân da đen ở Mỹ mà chưa ai hình dung hết tác động. Em học sinh DeWayne Powell nói trên kết luận sau khi kể chuyện hỏi đường: “Với tôi, phân biệt chủng tộc không là trở ngại. Khi nghe bà ấy hỏi tôi biết đọc không, tôi cười và tự nhủ: Tôi đang trên con đường thực hiện ước mơ của mình còn bà sẽ kẹt lại đằng sau chiếc bàn giấy ấy mãi”.

VÂN CẦM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới