Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không còn rừng để thoát lũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không còn rừng để thoát lũ

(TBKTSG Online) – Lũ lụt đang gây thiệt hại nặng ở các tỉnh phía Bắc trong mấy ngày qua. Diện tích rừng suy giảm chính là một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng ảnh hưởng của thiên tai.

Ông Nguyễn Quang Dương, Cục phó Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đợt lũ lụt nặng đang tàn phá các tỉnh vùng tây và đông bắc trong mấy ngày qua gần tương đương mức lũ lịch sử năm 1971, thời gian mà các vùng này còn nhiều rừng.

“Do vậy nếu bảo rằng rừng bị tàn phá, độ che phủ suy giảm là nguyên nhân chính gây nên thiệt hại lớn về người và tài sản là không đúng nhưng phải công nhận, nếu rừng còn nhiều, mật độ che phủ cao thì lũ lụt không đến quá nhanh và đỡ thiệt hại hơn”, ông nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại sáng 12-8.

Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng bình quân của vùng đông và tây bắc xấp xỉ bình quân chung cả nước, khoảng 37%. Ông Dương cho rằng nếu so với một số nước trong khu vực thì tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam cao, như Thái Lan chỉ có 26-27% diện tích. Tuy nhiên, với địa hình đồi núi và đất dốc, nhiều sông suối như các tỉnh miền núi vùng đông và tây bắc thì tỷ lệ che phủ rừng như trên là còn thấp.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia của Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cho rằng 10 năm gần đây, thảm họa lớn đã xảy ra đối với các vùng mất rừng lớn, chỉ còn lại đất trống và đồi núi trọc, như các trận lụt liên tiếp tại Thừa Thiên- Huế hồi năm ngoái. Các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị vừa qua lụt lội thì lại hạn hán.

Mất rừng ngập mặn, sóng biển đã đánh vỡ đê ngăn mặn các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa năm 2006, nước mặn tràn vào vỡ cả đập đại thủy nông Cửa Đạt và liên tiếp những trận lũ ống, lũ quét bất ngờ xảy ra khi mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn. Theo ông Lung, đó là do đất dốc, sông ngắn, không còn rừng để thấm nước mưa thành dòng chảy ngầm, nên lũ dễ lên nhanh, bất ngờ, gây thiệt hại nặng về người và của.

Ông Dương cho biết, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2010 là nâng độ che phủ rừng lên tỷ lệ 45% diện tích tự nhiên, tương đương với độ che phủ vào năm 1945. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng việc này rất khó bởi vào năm 1945, dân số lúc đó chỉ 20 triệu người còn tới năm 2010, có khả năng dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu người.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới