Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không còn thiếu hụt container rỗng nhưng cước tàu vẫn chưa hạ nhiệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không còn thiếu hụt container rỗng nhưng cước tàu vẫn chưa hạ nhiệt

Trọng Nghĩa

(KTSG Online) – 10 hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi châu Âu, châu Mỹ khẳng định bài toán container rỗng đã được giải quyết. Tuy vậy, các hãng tàu cho rằng giá cước vận chuyển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là do các forwarder làm giá.

Không còn thiếu hụt container rỗng nhưng cước tàu vẫn chưa hạ nhiệt
Vấn đề thiếu container rỗng đã được giải quyết, nhưng khó khăn về giá cước vận chuyển vẫn còn là gánh nặng với các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trọng Nghĩa

Ngày 11-8, tại cuộc họp trực tuyến về vấn đề giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển và rà soát các khó khăn, vướng mắc trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua với Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng có mặt, như  Evergreen, COSCO, Yang Ming, Huyndai Merchant Marine, MSC, Maersk…, và họ cho biết vấn đề thiếu container rỗng đã được giải quyết.

Trước đó, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ tăng phi mã đã khiến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Thời điểm đó, các hãng tàu cho rằng dịch bệnh Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa ách tắc, lượng container về cảng thiếu hụt dẫn đến tình trạng tăng giá này.

Nay, các hãng tàu khẳng định lượng container thiếu hụt đã được giải quyết, các phụ phí được niêm yết công khai trên website của từng hãng tàu. Tuy vậy, giá cước vẫn chưa hạ nhiệt và một lần nữa các hãng tàu cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các forwarder (đại lý giao nhận, nhà khai thác vận tải).

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, cũng cho rằng các forwarder là một phần nguyên nhân dẫn đến tính trạng giá cước vận chuyển tăng cao trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo ông Nguyên, việc giá thuê container tăng thực chất không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành rau củ quả. Mỗi container tăng từ 100-200 đô la Mỹ, các doanh nghiệp trong ngành đều có cách giải quyết, nhưng vấn đề lớn nhất là thiếu chỗ trên tàu, để xuất hàng bắt buộc các doanh nghiệp phải “đấu giá” chỗ để container.

Có trường hợp, forwarder báo giá 10.000 đô la Mỹ cho các doanh nghiệp một chỗ để container trên tàu. Doanh nghiệp đồng ý mức giá này nhưng đến hôm sau vận chuyển container đến thì không còn chỗ, các forwarder cho biết là đã có đơn vị khác trả giá cao hơn.

“Trước khi xuất hàng, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với đối tác để thương thảo cùng chia sẻ chi phí phát sinh. Nhưng đùng một cái giá cước thay đổi làm sao doanh nghiệp có thể thông báo cho đối tác. Nếu không chuyển hàng kịp sẽ mất uy tín, và các doanh nghiệp cũng khó thương thảo lại chi phí phát sinh nên buộc lòng phải chấp nhận khoản này”, ông Nguyên bức xúc nói.

Trong khi đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, phản bác về việc các hãng tàu đổ cho các forwarder về nguyên nhân giá cước vận chuyển chưa hạ nhiệt. Theo ông Hiệp, từ trước đến nay các phụ phí dù có tăng giá nhưng chưa lúc nào vượt quá mức 5%.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, mỗi container khô vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ đã tăng lên trên 8.000 đô la Mỹ khi trước đó chỉ khoảng 3.000 đô la Mỹ. Container lạnh thì mức phí vận chuyển từ 4.000-5.000 đô la Mỹ hiện đã ở mức trên 12.000 đô la Mỹ, tính ra chi phí vận chuyển đã tăng lên gấp 3 lần.

Do đó, ông Hiệp cho rằng việc các hãng tàu trục lợi trong thời điểm này là hoàn toàn có cơ sở. Các forwarder mặc dù có tác động đến việc tăng giá cược là có nhưng không đáng kể.

Cho nên, theo ông, Nhà nước cần có những động thái can thiệp trực tiếp vào vấn đề này, không để các hãng tàu lũng đoạn thị trường khiến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại. Tình trạng giá cước vận chuyển tăng phi mã sẽ còn kéo dài trong một thời gian nữa nếu không có sự can thiệp quyết liệt từ nhà nước.

Để giải quyết tình trạng bất cập trên, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi luật, quy định các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển phải thực hiện kê khai giá thay vì chỉ quy định niêm yết giá như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới