Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không còn thời gian để bàn thảo nữa!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không còn thời gian để bàn thảo nữa!

Tấn Đức

Mưa lũ gây ngập đường sá ở miền Trung – Ảnh: TL.

(TBKTSG) – Những đợt mưa lũ gần đây ở miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân và hệ thống hạ tầng giao thông. Cả một đoạn quốc lộ 1 dài hơn 100 mét ở tỉnh Phú Yên bị sạt lở đến hai phần ba mặt đường. Nhiều đoạn khác trên tuyến quốc lộ này chìm sâu trong biển nước khiến giao thông đường bộ trên trục Bắc – Nam bị tê liệt. Không ít đoạn đường khác cũng đã bị nước lũ cuốn trôi.

Thiệt hại do bão, lũ gây ra cho người dân và tài sản chung của quốc gia hàng năm đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng hai cơn bão số 9 và số 11 vào năm ngoái đã gây thiệt hại cho một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gần 19.000 tỉ đồng.

Việt Nam là một trong những quốc gia được các chuyên gia dự báo chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các đợt bão, lũ xảy ra liên tiếp trong những năm qua, với mật độ ngày càng dày và mức độ tàn phá ngày càng lớn. Vì vậy, rất cần có một chương trình ứng phó hiệu quả và ngay lập tức từ phía Chính phủ.

Trên thực tế, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được nêu trong một số văn kiện, chương trình hành động của Chính phủ và một số địa phương. Đã có không ít cuộc hội thảo, họp hành bàn giải pháp cho vấn đề này. Nhưng đến nay dường như mọi việc vẫn còn nằm trên giấy. Các đồ án quy hoạch, thiết kế của những công trình đầu tư cụ thể vẫn chưa quan tâm đúng mức tới việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với một quốc gia có vị trí địa lý như Việt Nam, thiên tai là điều không thể tránh. Nhưng chính hành vi can thiệp một cách thô bạo vào thiên nhiên của con người mới là thủ phạm chính làm cho sức tàn phá của thiên tai ngày một tàn khốc. Tình trạng phá rừng đầu nguồn bừa bãi để làm nông nghiệp, phát triển thủy điện làm suy giảm khả năng điều tiết nước tự nhiên. Hàng loạt công trình giao thông, khu công nghiệp, cụm dân cư và khu du lịch đã cản trở dòng chảy tự nhiên của nước. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nước lũ trở nên hung hãn.

Tác hại của biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề cấp bách. Chúng ta không còn thời gian để họp hành, bàn thảo nữa mà phải hành động ngay. Việc cần làm trước mắt là rà soát lại các quy hoạch, công trình đầu tư nhằm khôi phục những gì là vốn có của tự nhiên. Việc thiết kế xây dựng đường sá, cụm dân cư, khu công nghiệp… ở ven biển, dứt khoát không được cản trở đường thoát nước tự nhiên. Cụ thể hơn, việc sửa chữa đường sá sau lũ không thể làm như hiện nay. Nếu những đoạn đã bị nước lũ cuốn đi lại được đắp, xây dựng lại như trạng thái ban đầu, thì chắc chắn sẽ lại tiếp tục bị cuốn đi tiếp. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, phát triển kinh tế càng hài hòa với tự nhiên thì càng ít bị “trừng phạt” bởi tự nhiên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới